Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới: Xem xét cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học
Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo, có thể xem xét cho học sinh nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 03 ngày liên tục.
Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới
11h30 ngày 7/1, Hà Nội đã lập một "kỷ lục buồn" khi trang tổng hợp hơn 30.000 trạm quan trắc không khí trên toàn thế giới (IQAir) xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới với chỉ số chất lượng không khí (AQI) 235. Chỉ số AQI của Hà Nội ở mức màu tím - "mức rất không tốt cho sức khỏe”.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại (AQI ở mức 301 – 500) sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, học sinh cấp mầm non. Theo khuyến cáo này, có thể xem xét cho học sinh nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại (AQUI ở mức 301 - 500) trong thời gian 03 ngày liên tục. Nếu bắt buộc đi học, nhà trường cần tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc điều chỉnh thời gian học cho phù hợp.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, những ngày chất lượng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, người dân cần tránh tham gia các hoạt động ngoài trời và chuyển sang tham gia các hoạt động trong nhà hoặc dời lịch sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn. Bên cạnh đó, người dân cũng cần đóng cửa sổ, cửa ra vào để hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí.
Riêng đối với nhóm nhạy cảm, ngoài việc tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm ngoài trời, Bộ Y tế lưu ý nhóm đối tượng này cần phải theo dõi sức khoẻ liên tục. Khi thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Ô nhiễm không khí, có nên cho học sinh nghỉ học?
Chia sẻ về vấn đề này, TS.Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho hay, ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cần có những giải pháp từ dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, quản lý từng nguồn thải. Gần đây đã có những giải pháp như thực hiện vùng phát thải thấp, chuyển đổi xe xăng sang xe điện... Thế nhưng cần kiên quyết hơn, nâng cao ý thức người dân.
“Đến nay, thành phố Hà Nội chưa tiến hành kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tuy nhiên, tổng hợp từ các nghiên cứu kiểm kê khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới và các nghiên cứu khác cho thấy: Về tỉ lệ đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại 11 điểm trên địa bàn Thủ đô: Tùy vào từng điểm, mức độ đóng góp của các nguồn chiếm tỉ lệ khác nhau. Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất (từ 58 - 74%), tiếp đến là nguồn công nghiệp (từ 14 - 23%), nguồn nông nghiệp (từ 3,4 - 18,9%), nguồn dân sinh và nguồn đốt rác có mức đóng góp thấp nhất”, ông Tùng nhấn mạnh.
Đối với lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học, có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục, ông Tùng cho rằng, đây là biện pháp cần phải tính đến.
Cụ thể, việc cho một số trường học nghỉ trong những ngày ô nhiễm là biện pháp đã quy định trong Nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường được ban hành ngày 06/01/2025. Tuy nhiên, quy định này cũng học theo kinh nghiệm một số nước.
Ông đưa ra ví dụ như Thái Lan, đầu năm 2019 và 2020, hơn 400 trường học tại thủ đô Bangkok đã lệnh đóng cửa hơn 400 trường công lập do thành phố quản lý sau khi các quan chức cho biết do chỉ số chất lượng không khí (AQI) cao. Việc làm này rõ ràng có mục đích giảm thiểu sự phơi nhiễm của trẻ em, vì trẻ em và người cao tuổi dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe nhất.
“Theo tôi cần phải nghiên cứu trường nào, kế hoạch ra sao cần chuẩn bị kỹ lưỡng, làm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để việc này được tiến hành tốt hơn. Tôi nghĩ, chúng ta phải có kế hoạch phối hợp với phụ huynh học sinh để họ hiểu được, mục tiêu sức khỏe con em là trên hết. Có nghiên cứu, chứng cứ để nói tác động của ô nhiễm không khí thì phụ huynh sẵn sàng vì sức khỏe con em mình.
Tuy nhiên, làm thế nào phải phụ thuộc vào cách làm từng nơi chứ không thể tuyên bố tác động rất nhiều người không chỉ trẻ em mà còn gia đình, xã hội, biện pháp đó trước hết xem nguồn thải nào để có giải pháp giải quyết”, ông Tùng phân tích.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam cho rằng, việc lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học có thể xem xét cho nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày là đúng.
Bác sĩ Mạnh nêu, trẻ em và người già là 2 đối tượng dễ suy hô hấp, mắc các bệnh về hô hấp cấp. Trong không khí ô nhiễm này nên hai đối tượng trên kể cả phụ nữ mang thai không nên ra ngoài.
“Các đối tượng
trên dễ nhiễm bệnh, ngoài suy hô hấp còn dễ bùng phát các dịch virus như cúm A
vì cơ thể bị suy yếu hệ miễn dịch trong thời tiết ô nhiễm này nhưng nghỉ đến
bao giờ vì ô nhiễm cả nhiều ngày nay. Tôi cho rằng thành phố phải có phương án
giải quyết các công trường, nhà máy và nạn đốt rác thải”, bác sĩ Mạnh bày tỏ.