Tỷ lệ mất cân bằng đã giảm nhưng vẫn cao
Trong nhiều năm qua, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn là thách thức lớn. Dù tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm từ mức 114 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2016) xuống còn khoảng 112/112,5 năm 2024 (số liệu của Cục Thống kê), nhưng con số này vẫn cao hơn mức sinh học tự nhiên (104–106 trẻ trai/100 trẻ gái). Một số địa bàn vẫn ghi nhận tình trạng chọn lọc giới tính khi sinh diễn ra tinh vi, âm thầm.
Chia sẻ với Gia đình Việt Nam, TS.BS Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cho biết, nguyên nhân sâu xa nhất của hiện tượng này trước hết là do tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, mong muốn có người nối dõi, người hương khói chăm lo bàn thờ tổ tiên và dường như tư tưởng này ảnh hưởng nhiều hơn tới các tỉnh phía Bắc hơn các tỉnh phía Nam.
Các tỉnh có TSGTKS cao nhất toàn quốc trong nhiều năm đều là các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hương Yên, Hà Nam, Sơn La,… TSGTKS tại các tỉnh này có thể lên mức 118-120 hoặc hơn.
Hà Nội với làn sóng di cư mạnh từ các tỉnh phía Bắc, tiếp tục “nhập khẩu” cả những định kiến giới đã tồn tại lâu đời.
TS. Tú Anh chỉ ra rằng kinh tế phát triển lại góp phần khiến tình trạng này trầm trọng hơn khi những gia đình khá giả dễ dàng tiếp cận các dịch vụ lựa chọn giới tính dù bị pháp luật cấm.
“Thống kê cho thấy nhóm có thu nhập cao nhất ở Hà Nội sinh con trai nhiều hơn (112,9) so với nhóm nghèo nhất (108,2). Những người có thu nhập cao hơn cũng dễ tiếp cận hơn tới các dịch vụ như dịch vụ hỗ trợ sinh sản lựa chọn giới tính và siêu âm để xác định giới tính. Mặc dù nhà nước đã cấm việc thực hiện các dịch vụ này nhưng nhà nước rất khó quản lý do không giám sát được”, chị nói.
Đáng lo ngại hơn, một số người nổi tiếng còn công khai sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để lựa chọn giới tính, tạo tiền lệ xấu và cổ súy cho các hành vi vi phạm chính sách dân số.
Thành phố lớn chưa chắc xóa bỏ định kiến
“Có một ngộ nhận phổ biến là ở thành phố lớn, định kiến giới sẽ mờ nhạt hơn nhưng thực tế không hẳn vậy”, TS.BS Tú Anh khẳng định.
Chị lý giải, dân cư Hà Nội rất đa dạng, phần lớn là dân nhập cư từ nhiều vùng miền với nền tảng văn hóa khác biệt, trong đó không ít người vẫn giữ vững quan niệm phải có con trai để “nối dõi tông đường”.
Không có số liệu chính thức nhưng có những ước đoán cho rằng số người gốc Hà Nội chỉ chiếm khoảng 10-20% tổng dân số ở Hà Nội, còn lại là người đến từ các tỉnh khác. Ngoài ra, do quá trình sáp nhập, thay đổi địa giới hành chính, Hà Nội hiện tại bao phủ một khu vực rộng lớn đa dạng gồm thành thị, nông thôn và có cả miền núi với sự khác biệt rất lớn về trình độ văn hoá, kinh tế và các quan niệm xã hội bao gồm cả các quan niệm về giới, định kiến giới.
Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh và mô hình gia đình hạt nhân lại khiến phụ nữ dễ rơi vào thế yếu: khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và chăm con, chi phí gửi trẻ cao, thiếu hỗ trợ từ cộng đồng. Khi phụ nữ gặp bất lợi trong cơ hội nghề nghiệp và gánh nặng chăm sóc, tâm lý dựa vào con trai lúc tuổi già vẫn là điểm tựa tâm lý cho nhiều người.
“Phú quý sinh lễ nghĩa” – theo chị Tú Anh, khi kinh tế đi lên, các gia đình lại càng chú trọng thờ cúng tổ tiên, củng cố vai trò con trai thay vì xóa bỏ định kiến cũ. Do đó, chỉ có giáo dục mới có thể thay đổi bền vững, nhưng phải là giáo dục gắn với thực tiễn, không giáo điều, không lý thuyết suông.
Những hệ lụy không thể xem nhẹ
Nếu không kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Việt Nam có thể thiếu hụt từ 1,5 đến 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn vào năm 2035.
TS.BS Hoàng Tú Anh cảnh báo điều này sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy xã hội từ gia tăng tảo hôn, ly hôn, hôn nhân ép buộc, đến tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em và bạo lực giới.
“Bài học nhãn tiền từ Hàn Quốc và Trung Quốc cho thấy hậu quả của mất cân bằng giới là rất nặng nề. Đàn ông nghèo, học vấn thấp ở nông thôn không thể lấy vợ, trong khi phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang đó để làm dâu bất đắc dĩ”.
Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dân số, tình trạng nam giới không thể kết hôn còn kéo theo khủng hoảng tâm lý, giảm sinh, già hóa dân số và đẩy gánh nặng lên hệ thống y tế, an sinh xã hội trong khi sức khỏe tâm thần vẫn chưa được đưa vào chương trình dân số chính thống.
“Muốn thì tìm cách, không muốn thì tìm lý do”
Chia sẻ câu chuyện cá nhân, TS.BS Tú Anh cho biết ngay cả trong gia đình, chị vẫn thường xuyên bị thúc giục sinh thêm con trai. Một người cháu gái đã có ba con vẫn phải “canh trứng” để đẻ con trai vì áp lực từ ông bà nội. Câu nói quen thuộc “muốn thì nghĩ cách, không muốn thì đưa lý do” đã trở thành thứ áp lực vô hình đè lên các cặp vợ chồng trẻ.
Có người sẵn sàng chịu kỷ luật, không lên chức để sinh con trai. Trong một cuộc họp với các đại biểu Hội đồng nhân dân ở một địa phương, khi thảo luận về tình trạng bất bình đẳng giới, mong muốn có con trai, có đại biểu chia sẻ ‘Vẫn biết là không nên phân biệt nhưng còn chuyện hương khói, vẫn phải con trai chứ!’; hoặc có cuộc họp một cán bộ nam giới phát biểu ‘Tôi đi đâu bàn thờ các cụ theo đấy, không thể để ở nhà con gái được!’. Các lãnh đạo còn có tư tưởng như vậy thì thay đổi quan niệm đại chúng là rất khó.
Trên báo cũng chia sẻ trường hợp gia đình chỉ có một con gái, khi cha mẹ mất, chồng không cho vợ đưa bố mẹ về thờ cúng trong nhà cùng với bố mẹ chồng. Các câu chuyện này càng làm cho các gia đình chỉ có con gái lo lắng và sẽ cố gắng bằng nhiều cách để sinh con trai.
Những câu chuyện này khiến các gia đình chỉ có con gái thêm phần lo lắng và tìm mọi cách để có con trai dù có vi phạm chính sách.
Giải pháp phải đến từ nhiều phía
Theo TS.BS Hoàng Tú Anh, giảm mất cân bằng giới tính không thể chỉ trông chờ vào y tế hay truyền thông mà cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính sách, trường học, gia đình và xã hội.
“Nhà nước cần thúc đẩy các chính sách về bình đẳng giới một cách thực chất từ giáo dục, việc làm, thừa kế đến trách nhiệm thờ cúng. Pháp luật đã cấm tiết lộ giới tính thai nhi nhưng việc giám sát và xử phạt vẫn chưa hiệu quả”.
Trong khi đó, giáo dục giới tính và bình đẳng cần được đưa vào chương trình học từ cấp tiểu học, lồng ghép vào các môn như đạo đức, kỹ năng sống. Truyền thông cần mạnh mẽ hơn, tận dụng mạng xã hội, người nổi tiếng để lan tỏa thông điệp tích cực, thay đổi định kiến một cách mềm mại nhưng sâu sắc.
“Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi từ Hàn Quốc – một quốc gia từng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng nhưng đã đưa tỷ lệ này về mức tự nhiên nhờ sự kết hợp giữa truyền thông, luật pháp và nâng cao vị thế của phụ nữ”, TS.BS Tú Anh kết luận.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, những năm qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân số. Thành phố đã ban hành nhiều Chương trình, đề án, kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác dân số trong tình hình mới như: Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22/10/2024 nhằm tăng cường công tác dân số trên địa bàn Thành phố trong bối cảnh mới; Đề án "Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030; Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Kế hoạch Phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030...
Theo Kế hoạch số 30/KH-UBND (ngày 31/01/2025) của UBND TP. Hà Nội và chỉ đạo từ Sở Y tế Hà Nội, mục tiêu năm 2025 là giữ ổn định mức sinh thay thế, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên xuống còn 6,22%, kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh không quá 110 trẻ trai/100 trẻ gái và đạt tỷ lệ sàng lọc sơ sinh 90%.
Công tác dân số tại Hà Nội đang bước sang một giai đoạn mới, không chỉ tập trung vào số lượng mà hướng đến chất lượng dân số toàn diện, bền vững và công bằng. Dù thách thức vẫn còn, đặc biệt trong kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, cách làm bài bản, khoa học và sự vào cuộc của toàn xã hội, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu dân số Thủ đô khỏe mạnh – bình đẳng – phát triển bền vững.