Điểm tựa yên bình
Mãi đến sau này tôi mới biết, cha chưa một lần quay lưng lại với tôi. Cái duy nhất còn ở lại bên cạnh tôi, sau những ngày bế tắc bê tha, là một điểm tựa yên bình như ánh nắng ấm của ngày xuân xanh.
Cha tôi từng là y sỹ, thời kháng chiến công tác ở một tiểu đội, sau kháng chiến cha kết hôn với mẹ do một người bạn giới thiệu. Cha tôi là người Kiên Giang, còn mẹ là người Cà Mau, cha mẹ sống rày đây mai đó ở nhiều nơi khác nhau, cho đến khi ở cố định ở vùng miệt thứ U Minh.
Hồi còn nhỏ vì còn nghèo, tôi không có nhiều đồ chơi, vì sợ tôi không có tuổi thơ như bao đứa trẻ khác, cha đi kiếm lốp xe tải cũ làm thành chiếc xích đu cho tôi chơi. Ngày đó, cứ mỗi khi tết đến cha tôi cứ quanh đi quẩn lại với vài bộ đồ cũ rích, sờn rách, cha không dám mua cho mình dù một chiếc áo mới, nhưng lại hào phóng vô cùng khi tết năm nào tôi cũng có vài ba bộ đồ mới, mặc đủ ba ngày tết. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, sau những ngày đi làm về cha lại cõng tôi đi khắp xóm, như khoe rằng nhà tôi vừa có đứa con gái nhỏ xinh.
Nghe mẹ kể, vì mẹ tôi không có ốm nghén hay bất kỳ dấu hiệu nào của một người phụ nữ có thai, người mẹ thì nhỏ con, đến khi cái bụng bắt đầu nhú lên, mẹ cảm nhận được mầm sống trong người, cha mẹ vui mừng khôn xiết. Một ngày kia, mẹ tôi nhập viện vì cơn đau thừa sống thiếu chết, đến khi bác sĩ ôm trên tay một sinh linh bé bỏng, nằm co ro trong cái bọc điều màu đỏ thẫm. Bên trong, có một đứa bé mãi mãi không được cất tiếng khóc chào đời, mãi mãi ở cái tuổi xuân xanh.
Sau lần đó, mẹ tôi bị băng huyết nặng, cha tôi và đồng nghiệp đã có chuỗi ngày giành giật sự sống của mẹ từ bàn tay tử thần. Đứa con trai đầu lòng chưa có duyên đến với cha mẹ, cũng vì lẽ đó từ ngày tôi chào đời cha mẹ càng thương tôi nhiều hơn. Chắc vì tôi biết điều đó nên tôi càng ương ngạnh, càng trái lại với cái tên hiền dịu mà cha đã đặt cho tôi.
Tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày hạnh phúc dù cái nghèo có vây quanh, vì bao gian khó, khổ sở, cha tôi là người ôm đồm gánh vác hết. Ngày mưa thì cha đặt lợp dưới sông, để có thêm con cá con cua, hay nửa đêm thức giấc đi soi ếch, nhái trong ruộng của nội. Ngày mùa, thì xắn tay áo, xắn quần đi cắt lúa đến mò cá những mương nông. Ngày mùa là những ngày, tôi nhập bọn với đám con nít ở trong xóm, hết đi mót lúa để làm kế hoạch nhỏ cho trường, thì thả diều hay vô tư vô nghĩ với những bài đồng dao. Để rồi, cánh diều của tôi được bay cao, bay xa trong nỗi ưu tư trầm lắng của đấng sinh thành.
Tôi càng lớn, cũng là ngày cha tôi càng già thêm một tuổi. Mỗi lần tết đến xuân về, đằng sau những cánh hoa e ấp là cả vết chân chim trên khóe mắt của cha, bàn tay dần thô ráp hơn, chai sạm hơn, gân guốc hơn, những đốm đồi mồi dần xuất hiện và những sợi tóc bạc như trở mình bao lấy những sợi tóc đen đen.
Tôi nhớ khoảng thời gian tôi bế tắc và thấy áp lực vô cùng với việc học, đó là lúc tôi hùng hồn tuyên bố rằng: “Con sẽ nghỉ học”. Cha đã giải thích, đến nài nỉ tôi cỡ nào nhưng cái nết cứng đầu, lì lợm của tôi vẫn vậy. Kết quả là tôi có một trận no đòn, đến cái roi bằng trúc cũng gãy hết mấy cây. Ấy vậy mà tôi lì hơn cái roi kia, tôi đã không khóc, im lặng đến phát sợ, cắn răng chịu đựng trận đòn, nắm chặt tay vì nghĩ rằng tôi đã không sai. Có lẽ cha tôi biết, đòn roi cũng không thay đổi được gì, cha bảo tôi đứng lên, tôi đã vô tình nhìn thấy cha quay mặt đi với đôi mắt đỏ hoe và giọt nước mắt vì bất lực. Lúc đó, trên mông tôi dù nở hoa chi chít, nhưng nó không là gì với vết thương mới hé ở trong tim.
Lần đầu tiên trong đời tôi thấy cha khóc, khóc vì tôi. Để rồi, sau này khi tôi đi tìm việc, tôi lại thầm cảm ơn vì ngày đó cha đã cản tôi nghỉ học bằng giọt nước mắt lắng lo, sợ rằng bầu trời tương lai tôi có thêm màu u tối.
Đêm Sài Gòn thao thức triền miên nghĩ suy mông lung, với những khoản viện phí chất ngất đối với tôi đó là cả gia tài. Tôi đã suy sụp, bật khóc trong hư vô khi nghe bác sĩ bảo tôi phải mổ gấp, vì vết thương không phải bị rạn, mà bị dập nát trong xương. Khi đó, tôi đã bấm bụng gọi về nhà vì không biết phải xoay xở ra sao, đầu dây bên kia vang lên âm thanh: “Đừng lo nghen con, cha sẽ lên với con!”.
Nằm trong bệnh viện ở tầng tám, tôi cố nhoài người kéo lấy tấm phiên trên ô cửa sổ, để những tia nắng sớm mai chiếu vào cho bừng sáng cả căn phòng. Đến khi tôi thiếp đi vì tác dụng phụ của thuốc giảm đau, lúc tôi tỉnh dậy cha đã ở trong phòng từ khi nào, cha nằm ở giường bên cạnh. Lúc đó bao tử cha kêu lên âm ỉ, cha mới thú thật là cha vừa mới ăn xong nửa chén cơm, nhận cuộc gọi là cha khăn gói đồ đạc chạy chiếc xe cà tàng từ Kiên Giang lên tận Sài Gòn. Đoạn đường xa xôi dịu vợi đó, bao quán xá chạy dài tăm tắp, cái bao tử réo gọi trống chiêng vẫn không đủ sức khiến xe của cha dừng lại giây lát, ăn làm sao ngon khi con của mình đang nằm trong phòng cấp cứu.
Mãi đến sau này tôi mới biết, cha đi mượn tiền, cha bán của hồi môn của mẹ để lo phần nào chi phí cho tôi. Mãi đến sau này tôi mới biết, dù tôi có bao nhiêu tuổi, ra sao thì cha chưa một lần quay lưng lại với tôi. Thời gian thấm thoát thoi đưa, bao nhiêu mộng ước của tôi dần tan vỡ như những bọt bong bóng xà phòng dần biến mất trong hư vô. Cái duy nhất còn ở lại bên cạnh tôi, sau những ngày bế tắc bê tha, là một điểm tựa yên bình như ánh nắng ấm của ngày xuân xanh.
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Trần Thùy Mỵ
Địa chỉ: Tòa nhà QTSC1, khu công viên phần mềm Quang Trung, Phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh.