Dấu hiệu nhận biết viêm phổi ở người lớn và cách phòng ngừa
Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn đến tử vong cho người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi hay còn gọi là sưng phổi, là tình trạng phổi bị nhiễm trùng bởi các vi khuẩn, virus…Khi phổi bị nhiễm trùng sẽ tăng tiết dịch kèm các tế bào chết gây nên tình trạng tắc nghẽn các túi khí trong phổi, giảm khả năng hấp thụ oxy và trao đổi chất, nếu tình trạng nặng có thể gây thiếu oxy lên não, vô cùng nguy hiểm.
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng tại phổi (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân gây ra viêm phổi
Hầu hết tất cả mọi người đều lầm tưởng viêm phổi là do phổi bị lạnh hay do trời lạnh. Thực chất, nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi là do vi khuẩn, virus và nấm,... được sinh ra từ môi trường ô nhiễm, khói bụi. Những người có thói quen hút thuốc cũng là những đối tượng bị viêm phổi rất cao. Nguyên nhân thường gặp khác là do tiếp xúc với những người bị viêm phổi (lây truyền).
Dấu hiệu nhận biết người bị viêm phổi
Những dấu hiệu viêm phổi ở người lớn điển hình là ho, sổ mũi, nhức đầu, mệt mỏi, khó thở, sốt cao liên tục. Những dấu hiệu này rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm cúm.
Nhưng khi xảy ra tình trạng đau tức ngực, ho có đờm, đờm màu vàng hoặc xanh, trong đờm có mủ hoặc lẫn tia máu thì phải nhanh chóng gặp bác sĩ để điều trị kịp thời vì lúc này bệnh viêm phổi đã trở nặng.
Bệnh viêm phổi có thể đe dọa đến tính mạng của người bị bệnh tim mạch, người già và những người suy giảm miễn dịch. Vì vậy, cần chú ý những dấu hiệu trên để nhanh chóng chữa trị, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Ảnh minh họa
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh viêm phổi, nếu bạn có thói quen sinh hoạt không lành mạnh hoặc không điều trị tận gốc một vài bệnh lý thường gặp, chẳng hạn như:
- Hút thuốc lá
- Thường xuyên bị cảm lạnh, cảm cúm hoặc viêm thanh quản
- Có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh về gan, tim mạch, đái tháo đường, hen suyễn…
- Người bị HIV hoặc đang điều trị ung thư
- Trẻ em từ 2 tuổi trở xuống
- Những người từ 65 tuổi trở lên
Ngoài ra, trong thời gian nằm ở phòng hồi sức cấp cứu bệnh viện phải thở máy nguy cơ sẽ bị viêm phổi cao hơn.
Ảnh minh họa
Biện pháp phòng bệnh viêm phổi ở người lớn
Để phòng bệnh, cần thực hiện nghiêm túc một số nguyên tắc như sau:
- Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, xì mũi, hắt hơi, trước khi ăn uống.
- Sử dụng nguồn nước sạch hàng ngày, luôn bảo đảm một ngày bổ sung đầy đủ từ 1,5 - 2 lít nước. Việc làm này không chỉ giúp thanh lọc cơ thể mà còn giúp đào thải những độc tố gây hại có nguy cơ phát bệnh viêm phổi.
- Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá. Đây là nguyên nhân gây phá hủy phổi, giảm chức năng hô hấp của cơ thể, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh lý viêm nhiễm khác.
- Giữ gìn môi trường xung quanh, vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát nhằm khử sạch vi khuẩn, virus là mầm mống gây nên bệnh lý hô hấp nhiễm khuẩn, tránh tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, độc hại.
- Đảm bảo cơ thể đủ ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, giữ ấm cổ, ngực, bàn chân, bàn tay. Ngoài ra, chú ý không nên để bếp lò sưởi ấm trong nhà dễ gây viêm phổi.
- Về mùa hè, nên để điều hòa ở nhiệt độ thích hợp là 20-220C, không nên để thấp quá gây chênh lệch môi trường bên ngoài dễ dẫn tới viêm họng, viêm phổi và gây đột quỵ.
- Bổ sung dinh dưỡng phù hợp bằng cách sử dụng các loại rau xanh, trái cây tươi. Đảm bảo đầy đủ vitamin A, C, E, canxi, khoáng chất, chất xơ có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch.
- Tiêm phòng vắc-xin cúm hoặc phế cầu trên những người có chỉ định. Cần kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, đái tháo đường.
-> Viêm mũi dị ứng nên ăn gì, kiêng gì?