Chủ nhật, 20/04/2025 05:00     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Chủ nhật, 20/04/2025 05:00

"Cơn bão" sữa giả, thuốc giả: Niềm tin người bệnh không thể đánh đổi bằng vài giây TikTok

Từ chối thẳng thừng lời mời quảng cáo sữa với thù lao hấp dẫn, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh nhấn mạnh: “Niềm tin người bệnh không thể đánh đổi bằng vài giây TikTok”.

Cuối tháng 7/2024, sau ca can thiệp cho bệnh nhân bệnh lý mạch máu, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch và Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông nhận được cuộc gọi từ một người giới thiệu đang làm truyền thông cho một nhãn hàng sữa dinh dưỡng mới ra mắt.

"Bác sĩ chỉ cần mặc áo blouse, cầm hộp sữa, cười tươi và nói vài câu đơn giản như: Tôi là bác sĩ, tôi khuyên dùng sản phẩm này mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng, trí não khỏe mạnh. Quay clip chưa tới một phút, tiền chuyển liền tay", người ở đầu dây bên kia cố gắng thuyết phục bác sĩ Mạnh.

Các sản phẩm sữa giả trong đường dây vừa được phát hiện (Ảnh: VTV).

Kết thúc cuộc gọi, người này gửi tới bác sĩ Mạnh hình ảnh hộp sữa để tham khảo thêm thông tin. Điều khiến anh lăn tăn không nằm ở đoạn kịch bản ngắn, cũng không phải ở số tiền vài chục triệu đồng mà là ở hộp sữa được gọi tên.

Trên bao bì, sản phẩm được in chữ lớn: “Sữa dinh dưỡng cao cấp, tốt cho trí não”, nhưng dòng chữ nhỏ bên dưới lại ghi rõ “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là sữa công thức”. Bảng thành phần là hỗn hợp của ngũ cốc, maltodextrin, vitamin tổng hợp, men vi sinh, hương liệu và chất tạo ngọt không có gì quá nguy hiểm, nhưng cũng không đủ căn cứ để đưa ra khuyến nghị chuyên môn.

"Không có bất kỳ nghiên cứu nào công bố công dụng thực sự của sản phẩm, vậy tại sao tôi lại phải đứng ra xác nhận", bác sĩ Mạnh nói.

Sau đó, anh lặng lẽ từ chối: “Cảm ơn, nhưng tôi không hợp với những nội dung kiểu này”.

Áo blouse không phải đạo cụ quảng cáo

Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, hình ảnh bác sĩ bị lôi kéo ngày càng nhiều vào các chiến dịch tiếp thị trá hình. Người mặc blouse, nói giọng nhẹ nhàng, cầm sản phẩm lên và khẳng định "đây là sản phẩm tôi tin dùng, tôi khuyên bệnh nhân nên dùng mỗi ngày" xuất hiện dày đặc trên các nền tảng số.

Bác sĩ Mạnh cho rằng, hình ảnh đó phản ánh một sự đánh đổi âm thầm giữa lương tâm nghề nghiệp và lợi ích cá nhân.

"Bác sĩ là nghề đặc biệt, dựa trên niềm tin. Khi khoác áo blouse và phát ngôn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là sinh mạng người khác.

Chúng tôi học 6 năm đại học, 3-5 năm sau đại học không phải để cầm sản phẩm đọc lời thoại. Sự thật là chỉ cần một câu nói sai, một clip quảng cáo lệch chuẩn, niềm tin người bệnh gây dựng suốt nhiều năm có thể sụp đổ trong vài giây", vị bác sĩ nói.

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân (Ảnh: BSCC).

Thuốc giả – “sát thủ âm thầm” trong cộng đồng

Không chỉ sữa, thuốc giả cũng là mối nguy lớn mà người bệnh phải đối mặt mỗi ngày. Là thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, bác sĩ Mạnh nhiều lần cảnh báo về hậu quả của việc sử dụng thuốc giả, thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

"Sử dụng thuốc giả là hành vi nguy hiểm không khác gì 'đánh bạc' với sức khỏe và tính mạng chính mình", bác sĩ Mạnh nói.

Theo BS Mạnh, một trong những mối nguy lớn nhất của thuốc giả là che giấu triệu chứng thật, làm trì hoãn chẩn đoán và điều trị đúng hướng, khiến bệnh âm thầm tiến triển, dẫn tới biến chứng khó lường. 

Đặc biệt, trong các bệnh lý mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, xương khớp…, hậu quả có thể nghiêm trọng hơn nếu người bệnh chủ quan hoặc tin vào "thuốc ngoại xách tay", "thuốc gia truyền".

Ví dụ như bệnh nhân tăng huyết áp hoặc suy tim uống phải thuốc giả có thể làm nặng tình trạng suy tim hoặc huyết áp dẫn đến đột quỵ nguy hiểm tính mạng.

"Người bệnh nghĩ mình đang được điều trị, nhưng thực chất không có bất kỳ hoạt chất nào tác động. Trong thời gian đó, bệnh diễn tiến âm thầm, tổn thương mô - cơ - khớp không ngừng tăng lên. Đến khi họ quay lại bệnh viện, tình trạng đã ở giai đoạn muộn, khó cứu chữa", BS Mạnh thông tin.

Một số loại thuốc trong đường dây thuốc giả (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Không chỉ vậy, nhiều loại thuốc giả được sản xuất thủ công, pha trộn từ thảo mộc không rõ nguồn gốc, bột màu công nghiệp, thậm chí có lẫn kim loại nặng như chì, thủy ngân.

Nếu tích tụ lâu dài, các chất này có thể gây độc gan, suy thận, rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh và tổn thương mạch máu - hậu quả không chỉ dừng lại ở hiệu quả điều trị, mà tác động trực tiếp lên toàn bộ cơ thể người dùng.

Trước thực trạng bác sĩ bị “dụ dỗ” tham gia các chiến dịch tiếp thị trá hình, bác sĩ Mạnh cho rằng người dân càng cần trang bị kiến thức và tư duy phản biện, đừng dễ dàng tin vào những lời khuyên qua mạng như dạng: “Tôi là bác sĩ, tôi khuyên bạn nên dùng…”.

“Có những lời nói không gây đau, nhưng có thể làm người khác mất đi cơ hội sống. Đó là lý do tôi luôn từ chối mọi chiến dịch quảng cáo thiếu minh bạch và không rõ ràng”, bác sĩ Mạnh nói.

Kim Ngân  
'Cơn bão' sữa giả, thuốc giả: Niềm tin người bệnh không thể đánh đổi bằng vài giây TikTok
Ù tai tưởng bình thường không ngờ là dấu hiệu bệnh chết người
Sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ hàng ngày có an toàn không?
Vingroup hợp tác với Cleveland Clinic xây dựng bệnh viện Vinmec cần giờ theo chuẩn quốc tế
Ra hiệu thuốc chú ý 4 điểm, thực hiện 3 điều tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng
Sữa giả ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe bệnh nhân ung thư?
Amway Việt Nam ra mắt dòng sản phẩm chăm sóc tóc Satinique mới
Tự kỷ không phải dấu chấm hết: Đọc ngay câu chuyện truyền cảm hứng
40 giờ lọc máu cứu sống bé gái 14 tháng tuổi mắc tay chân miệng
Cúm B có xu hướng gia tăng, chuyên gia nói gì?
Mặt sưng đỏ, nổi mụn nước sau khi dùng kem trị mụn trên TikTok
Ra mắt Quỹ Hy Vọng: Chắp cánh giấc mơ làm cha mẹ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn
Cách ổn định đường huyết vững vàng của ông cụ 91 tuổi
Vì sao có hiện tượng khát nước sau khi ăn nhà hàng?
Nhập viện nguy kịch sau vài ngày ăn lòng lợn
Cô gái 18 tuổi mang khối u buồng trứng chiếm gần hết khoang bụng
Vinmec được công nhận là Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng xuất sắc đầu tiên của Việt Nam
Báo động bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo 5 cách phòng bệnh với nhóm nguy cơ cao
Cụ ông 68 tuổi bị nhiễm trùng gây khuyết vùng trán
Cứu sống sản phụ 45 tuổi bị băng huyết do sảy thai lưu gần 8 tuần
Xem thêm