Chi tiêu gia đình thời “bão giá”: Bỏ thói quen nhà hàng, nấu cơm cho chồng mang đi làm
Việc chi tiêu gia đình gặp khó khi giá thực phẩm liên tục tăng trong khi thu nhập giảm, thậm chí thất nghiệp. Nhân viên văn phòng thay vì ăn cơm quán đã tự chuẩn bị cơm sẵn ở nhà mang đi.
Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, sau nhiều tháng liên tục tăng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã giảm 0,22% so với tháng trước, tăng 0,62% so với tháng 12/2022 và tăng 1,26% so với cùng kỳ năm trước. Dù giá thực phẩm đã giảm nhưng bài toán chi tiêu vẫn là thứ khiến nhiều bà nội trợ "đau đầu".
Trong bối cảnh như vậy, nhiều người có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là những người chăm lo việc nội trợ. Việc tính toán các khoản chi, đảm bảo cho việc ăn uống của các thành viên gia đình trong thời kỳ "bão giá" không phải là điều dễ dàng.
“Đau đầu” việc nội trợ
Cơn "bão giá" đã tác động đến đời sống của mọi gia đình. Cô Dương Thị Quý Hằng (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, cô cảm nhận rất rõ những ảnh hưởng của nền kinh tế từ mỗi lần đi chợ.
Dẫn chứng về việc này, cô cho biết: “Trước kia cầm 20.000 đồng đi mua rau cho cả nhà ăn còn thừa, bây giờ thậm chí có thời điểm 15.000 đồng chỉ mua được 4 quả dưa chuột nhỏ. Thời điểm này cái gì cũng tăng giá, xăng tăng, gas tăng, thực phẩm cũng tăng, đồng tiền ngày càng mất giá”.
Khái niệm vài nghìn một mớ rau, cân hoa quả giờ không còn. Ảnh: Nguyệt Hà
Theo cô Hằng, giá cả ngày càng leo thang trong khi thu nhập lại không tăng khiến việc nội trợ ngày càng khó khăn hơn.
Cô chia sẻ: “Gia đình cô có 6 người, trong đó có 2 cháu nhỏ. Trước đây, khoản chi tiêu cho tiền ăn uống của gia đình hết khoảng 8 triệu đồng/tháng. Nay do giá hàng hóa tăng nên chi phí khoản này cũng vọt lên đến 10 triệu đồng/tháng.”
Bữa ăn cơ tối bản của gia đình cô Hằng. Ảnh: Nguyệt Hà
Tương tự, chị Phương Thảo (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết, dù gia đình chị chỉ có 2 vợ chồng. Nhưng khoản chi phí dành cho ăn uống cũng khá lớn, vào khoảng 4-5 triệu/tháng.
Chị Thảo còn cho biết thêm, giá thực phẩm tăng cho nên nên dù đã được bố mẹ 2 bên gửi thêm đồ ăn nhưng chi phí cho ăn uống của gia đình chị vẫn không giảm xuống.
Chuẩn bị cơm trưa cho chồng mang đi làm
Trước tác động của cơn “bão giá”, các bà nội trợ tìm mọi cách để cắt giảm chi tiêu hàng ngày.
“Từ ngày giá cả tăng cô phải cân đối lại chi tiêu cho gia đình. Trước kia một tuần gia đình cô sẽ ra ngoài ăn nhà hàng 1 lần coi như xả hơi, thư giãn. Nhưng bây giờ mỗi tháng chỉ 1 lần để cắt giảm chi tiêu” - cô Hằng nói.
Tự tay chuẩn bị bữa cơm cho gia đình thay vì đi ăn ở ngoài. Ảnh: Nguyệt Hà
Nhiều người thừa nhận rằng “bão giá” đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày của họ. Họ tính toán chi tiêu kỹ càng hơn, chỉ mua các thực phẩm thực sự cần thiết, cắt giảm hoặc thậm chí là bỏ qua luôn những nhu cầu khác như vui chơi, giải trí.
Theo lời cô Hằng, trước đây cô hoàn toàn mua nguyên liệu chế biến đồ ăn ở bên ngoài nhưng giờ cô đã tự trồng rau trong hộp xốp trên mái nhà, tuy nhỏ nhưng vẫn đỡ đi được phần nào.
Cô Hằng tự trồng rau để tiết kiệm chi tiêu gia đình. Ảnh : Nguyệt Hà
Chị Thảo cũng cho biết chị tiết kiệm chi tiêu bằng cách nấu ăn ở nhà mang đi làm và gửi thực phẩm từ dưới quê lên.
“Từ ngày giá cả leo thang, vợ chồng chị bắt đầu hạn chế ăn ở ngoài và thường xuyên tự chuẩn bị cơm trưa mang đi làm. Ngoài ra, chị cũng không thường xuyên phải mua rau, thịt từ siêu thị như trước nữa. Thay vào đó, cứ khoảng 1 - 2 tuần bố mẹ 2 bên ở quê sẽ gửi thức ăn cho 2 vợ chồng. Như vậy vừa yên tâm về chất lượng lại vừa tiết kiệm được 1 khoản chi”.
Chị Thảo chuẩn bị cơm trưa cho chồng mang đi làm (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cân đối, kiểm soát chi tiêu là điều cần thiết
Giá cả hàng hóa tăng là điều mà chúng ta không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, đảm bảo nguồn thu chi bằng cách cân đối, kiểm soát chi tiêu là việc hoàn toàn có thể thực hiện được.
ThS Ngô Thành Huấn - Giám đốc khối tài chính cá nhân FIDT khuyến nghị: Người tiêu dùng nên tách bạch chi tiêu thành nhiều khoản khác nhau, tránh tình trạng lạm dụng chi tiêu trong giai đoạn bão giá.
Cụ thể, theo chuyên gia này, các hộ gia đình nên chia thành 3 khoản chi tiêu gồm: Khoản chi phí tái đầu tư, chi cho nhu cầu giải trí và chi phí cho các vấn đề thiết yếu.
3 khoản chi tiêu cần thiết. Ảnh: Hà Anh
Thực tế, trong lúc kinh tế khó khăn, việc phân chia các khoản chi trong gia đình đã được các bà nội trợ bắt đầu áp dụng.
Chị Thảo tâm sự: “Từ khi giá cả mọi thứ tăng lên, chị bắt đầu tìm hiểu và chú trọng hơn vào việc xây dựng kế hoạch chi tiêu cho bản thân và gia đình. Hạn chế việc mua sắm những món đồ không thực sự cần thiết như trước kia. Nhờ đó nên không lo cảnh thiếu trước, hụt sau như trước nữa.”
Ở một khía cạnh khác “bão giá” cũng có mặt tích cực tạo ra tính kỷ luật trong việc phân bổ tài chính. Đồng thời tạo lập các thói quen chi tiêu khoa học trong cuộc sống.