Chàng trai 10X đi bộ 3.000 km xuyên Việt để học cách sống chậm
Gần 900 ngày đi bộ không mang theo tiền, chàng trai trẻ đã bước qua nắng gió, đói rét và cả những hoài nghi, để khám phá không chỉ đất nước mà cả tâm hồn mình.
Hành trình không tiền bạc, khám phá sức bền của thể chất và tinh thần
Trong bối cảnh phần lớn người trẻ bị cuốn vào nhịp sống số hóa và tiêu dùng nhanh, Hoàn chọn một con đường ngược lại – hoàn thành 3.000km xuyên Việt chỉ bằng đôi chân trần, 2 bộ quần áo, 1 cây gậy đồng hành và chiếc túi rỗng tuếch.
Khởi hành từ Cà Mau, Vũ Duy Hoàn (SN 2000, quê Nam Định) đã bắt đầu chuyến đi bộ xuyên Việt đến Lũng Cú - Hà Giang.
Những ngày đầu tiên, Hoàn đã gặp phải thử
thách vô cùng khó khăn khi mọi người đều xem anh như một kẻ điên. Thậm chí, khi
lên tiếng muốn ở nhờ nhà dân, Hoàn từng bị chủ nhà
từ chối thẳng thừng,
cầm chổi đuổi ra khỏi nhà.
Ngay sau đó, chàng trai quyết định thay đổi
phương án xin việc làm để đổi lại thức ăn và chỗ ngủ. Ngày làm việc tại tiệm
thịt nướng ở Cà Mau, anh được chị chủ mời bữa cơm thịnh soạn ăn trong nước mắt.
Đó chính là tấm chân tình đầu tiên khiến anh quyết tâm hơn trong dự định của
mình.
“Mỗi ngày mình sẽ đi
bộ từ 30 đến 40km, chiều tối lại xin việc và ngủ nhờ. Với người xa lạ, ai nấy đều lo sợ, thế
nhưng chỉ cần bạn chân thành, tạo dựng niềm tin thì tất cả đều sẵn sàng giúp đỡ
bạn”, Hoàn nói.

Cứ
vậy, gần 900 ngày ròng rã, anh đi qua hơn 3.000 km bằng cách xin làm việc chân
tay để đổi lấy thức ăn và chỗ ngủ. Nhưng cũng có những lúc Hoàn phải nhịn đói,
ngủ vỉa hè, chống chọi với cái lạnh miền núi hay những cơn mưa rừng bất chợt.
“Mình học cách lắng nghe cơ thể và
nghỉ ngơi đúng lúc thay vì vội vã để hoàn thành chuyến đi. Có khi đói, mệt,
nhưng chỉ cần giữ được tinh thần tỉnh táo, mình vẫn vượt qua”, Hoàn chia sẻ.
Trong
điều kiện thiếu thốn, Hoàn phải chủ động duy trì sức khỏe bằng cách ăn uống đủ năng lượng dù đơn sơ,
duy trì vận động vừa sức, giữ ấm khi ngủ ngoài trời. Những bài học về cách bảo
vệ cơ thể trong điều kiện khắc nghiệt dần trở thành kỹ năng sinh tồn quý giá.
Không
chỉ đối mặt với mệt mỏi thể chất, anh còn phải vượt qua những thử thách tâm lý là sự cô đơn. Nhưng chính hành trình ấy
đã rèn luyện cho Hoàn sự vững vàng trong tinh thần, khả năng kiểm soát cảm xúc
và giữ cho nội tâm luôn cân bằng.

Sống chậm giữa xã hội hiện đại
"Trước khi đi, mình nghĩ mình hiểu đất nước này. Nhưng chỉ khi bước đi từng cây số, dừng lại ở từng miền quê, mình mới thấy Việt Nam rộng hơn nhiều – không chỉ về địa lý mà còn cả về lòng người”, Hoàn nói.
Hành
trình đã giúp Hoàn tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội: từ bà cụ bán rau sáng
sớm ở miền Trung đến những em nhỏ vùng cao Tây Bắc, người công nhân miền Tây
hay một gia đình dân tộc mời anh ăn Tết ở Sơn La. Ở mỗi nơi, anh không chỉ nhận
được thức ăn và sự giúp đỡ, mà còn cảm nhận được tình người thuần hậu, không
điều kiện – một giá trị tinh thần đang dần bị quên lãng giữa nhịp sống hiện
đại.
“Có người không hỏi tên mình, cũng
chẳng cần biết mình đi đâu, vẫn mở cửa, cho một chỗ ngủ. Có chú xe ôm thì chạy
xe theo chỉ để tặng mình chiếc bánh bao ăn lót bụng, hay chị làng chài ở Phú
Yên gói mớ cơm nắm buổi sáng cùng cá khô cho mình có thể đi hết con đèo … Tất
cả đều là kỷ niệm quý giá”, anh nói.

Từ
một người trẻ từng sống vội, Hoàn dần thay đổi. Anh chọn cách sống tối giản –
không mua sắm dư thừa, không cần điện thoại mỗi ngày, không cần kế hoạch hoàn
hảo. Việc đi bộ mỗi ngày 30-40km cũng trở thành liệu pháp tinh thần, giúp anh
gạt bỏ áp lực, quan sát thiên nhiên và lắng nghe chính mình.
“Chuyến đi không chỉ thay đổi cách
mình nhìn về đất nước, mà còn giúp mình sống chậm lại. Mỗi bữa cơm giờ đây mình
ăn biết ơn hơn. Mỗi người mình gặp đều để lại bài học nhỏ”, Hoàn kể.

Sau
khi hoàn thành chuyến đi, hiện Hoàn đang tham gia các hoạt động thiện nguyện
tại vùng sâu vùng xa. Theo chàng trai trẻ, chuyến đi cho cậu chứng kiến nhiều
mảnh đời bất hạnh, vì vậy chàng trai trẻ mong muốn có thể làm gì cho những
người dân nơi đây.
“Mình tham gia xây nhà, sửa trường, mang thức ăn, dạy chữ cho những đứa trẻ dân tộc… Đối với mình, đây là một trải nghiệm quý giá mà không phải tuổi trẻ ai cũng làm được…”, Hoàn nói thêm.