Bí ẩn về giác quan thứ 6 của lưỡi người
Các nhà nghiên cứu ở New Zealand khám phá ra rằng, miệng là cơ quan cảm giác 'tài năng' hơn những gì chúng ta đánh giá về nó hiện nay. Lưỡi ở trong miệng có thể phân biệt được cácbon hyđrat và chất làm ngọt nhân tạo, ngay cả khi chúng có hương vị giống hệt nhau. Theo đó, lưỡi người có thể sở hữu giác quan thứ 6.
Các nhà nghiên cứu ở New Zealand khám phá ra rằng, ngoài việc nhận diện vị ngọt, chua, mặn, chát và đắng, lưỡi của chúng ta còn có thể phát hiện cácbon hyđrat - những chất dinh dưỡng phân hủy thành đường và hình thành nguồn năng lượng chính cho cơ thể. Cácbon hyđrat kích hoạt các vùng não không chịu ảnh hưởng của chất làm ngọt nhân tạo, ngay cả khi con người chỉ nếm chứ không nhai nuốt chúng.
"Miệng là cơ quan cảm giác 'tài năng' hơn những gì chúng ta đánh giá về nó hiện nay. Lưỡi ở trong miệng có thể phân biệt được cácbon hyđrat và chất làm ngọt nhân tạo, ngay cả khi chúng có hương vị giống hệt nhau.
Cácbon hyđrat là yếu tố kích thích vô cùng mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến bộ não cũng như các hệ thống nằm dưới sự kiểm soát của bộ não", tiến sĩ Nicholas Gant đến từ Trung tâm nghiên cứu não thuộc Đại học Auckland (New Zealand), cho biết.
Giới khoa học đã biết, việc súc miệng bằng cácbon hyđrat gia tăng hoạt động ở các vùng não nhất định. Một vài nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng, súc miệng bằng một dung dịch cácbon hyđrat, rồi nhổ nó đi sẽ cải thiện thành tích trong tập luyện thể dục thể thao cường độ mạnh.
Trong nghiên cứu mới, ông Gant và các cộng sự đã sử dụng kỹ thuật quét ảnh não đặc biệt, có tên gọi là chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để xem xét ảnh hưởng của 3 cách súc miệng khác nhau trước một bài tập vận động đơn giản.
Họ đã so sánh kết quả quét não của những người tình nguyện khi dùng một dung dịch cácbon hyđrat ngọt với khi dùng dung dịch ngọt không chứa cácbon hyđrat và dung dịch thứ ba không ngọt, cũng không chứa cácbon hyđrat.
Kết quả cho thấy, khi các đối tượng nghiên cứu súc miệng bằng dung dịch cácbon hyđrat ngọt, các vùng não kiểm soát thị giác, gắn liền với cảm giác, sự thỏa mãn và hoạt động cơ sẽ được kích hoạt mạnh mẽ hơn so với khi dùng 2 dung dịch còn lại. Việc hai dung dịch còn lại không tạo ra ảnh hưởng tương tự ám chỉ, chúng ta có thể nhận diện cácbon hyđrat trong miệng nhờ khả năng cảm nhận riêng rẽ với vị ngọt.
Ông Gant và các cộng sự nhận định, "giác quan thứ 6" như trên của lưỡi có thể giúp lý giải tại sao các vận động viên phản ứng ngay lập tức với cácbon hyđrat, trở nên hoạt bát và khỏe mạnh hơn khi nhấm nháp dung dịch chứa các chất này, ngay cả trước khi cácbon hyđrat có thời gian thấm vào cơ thể và chuyển biến thành năng lượng.
"Giác quan thứ 6" cũng có thể giúp lý giải tại sao các bữa ăn kiêng thường không đem lại sự thỏa mãn hay có thể giúp chúng ta hiểu rõ một số khía cạnh của những rối loạn thiếu kiểm soát về việc ăn ở người.
Không chỉ con người có thể có giác quan thwusc 6, mà theo các nhà nghiên cứu Anh, động vật cũng có thể có giác quan thứ 6. "Giác quan thứ 6" của chó và mèo thực chất là khả năng nhìn được ánh sáng cực tím. Họ phát hiện, một số lượng lớn động vật có vú, kể cả nhím và chồn sương, đều sở hữu khả năng đặc biệt này.
Ánh sáng được tạo thành từ một chuỗi quang phổ màu sắc và con người có thể nhìn thấy từ đỏ tới tím. Trong khi đó, nhiều loài động vật, chẳng hạn như ong, cá, các bò sát và động vật lưỡng cư có thể nhìn thấy các bước sóng cực tím vô hình với con người.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, các thủy tinh thể của mắt người ngăn chặn ánh cực tím, nhưng ở một số loài động vật, bao gồm cả chó và mèo, tia cực tím có thể tiếp cận võng mạc và ánh sáng được chuyển đổi thành tín hiệu thần kinh, di chuyển đến não và được xử lý.
Ong và các côn trùng khác đã sử dụng khả năng nhìn tia cực tím để quan sát màu sắc và hình dạng trên cây cối, trong khi những sinh vật gặm nhấm dùng nó để theo dấu nước tiểu. Dẫu vậy, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ tại sao những vật nuôi như chó và mèo lại sở hữu khả năng giúp chúng có thể quan sát tốt hơn vào ban đêm này.
Các nhà nghiên cứu nhận định, việc mắt người chặn ánh sáng cực tím có thể nhằm bảo vệ võng mạc trước các thương tổn hoặc giúp chúng ta nhìn chuẩn xác hơn nếu không có tia cực tím. Họ khám phá thấy rằng, những động vật lọc bỏ phần này của quang phổ cũng sở hữu thị lực có độ phân giải cao nhất.
Con người có thể quan sát cực kỳ chi tiết vì chúng ta có các tế bào nhạy cảm màu sắc dày đặc trong võng mạc, tạo ra những hình ảnh chi tiết ở điều kiện ánh sáng thấp. Các sinh vật hoạt động về đêm được trời phú cho đôi mắt thu nhận càng nhiều ánh sáng càng tốt, kể cả tia cực tím, nhưng không được tận hưởng mức chi tiết về thế giới như vậy.
Lương Hiền (Theo Dailymail)