Bà bầu uống nước rau má được không?
Bà bầu uống nước rau má được không là thắc mắc của rất nhiều người. Bởi rau má có tính mát, giải nhiệt nhưng theo một số ý kiến, rau má có chất gây co bóp tử cung dẫn đến sảy thai.
“Mình đang mang thai ở tháng thứ 3. Khi mang thai cơ thể rất mệt mỏi và nóng bức, mệt mỏi nhưng khi uống nước rau má thì thấy đỡ, uống nhiều thì bị nôn. Theo mình biết thì phụ nữ uống nước rau má thường xuyên sẽ giảm khả năng mang thai, chỉ sử dụng khi bị đau bụng kinh nhưng với bà bầu thì có ảnh hưởng đến em bé không?”
(Kim Hiền – Thị Trấn Trôi, Hà Nội)
Bà bầu uống nước rau má được không là thắc mắc của rất nhiều người
Tác dụng của rau má
Theo Đông y, rau má vị đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt, sốt, sởi, vàng da… Chúng còn được dùng để hạ huyết áp, cải thiện trí nhớ và tăng tuổi thọ giúp máu lưu thông tốt hơn, nhất là ở tĩnh mạch và mao mạch, có tác dụng lợi tiểu nhẹ. Đồng thời khi bị viêm tấy hoặc bỏng, đắp rau má giã nhuyễn lên da cũng có thể giảm nhẹ sưng tấy và làm mát vết thương.
Chiết xuất từ rau má có tác dụng chống lại sự lão hoá làn da, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da làm cho da căng đầy sức sống và bề mặt da săn chắc hơn. Ngoài ra loại rau này còn có tác dụng chống loét dạ dày, kháng virus, kháng nấm.
Không chỉ thế, các sinh tố, khoáng chất, những chất chống oxy hoá trong rau má có thể làm chậm sự lão hoá làn da, cải thiện vi tuần hoàn và chữa những chứng bệnh ngoài da thường gặp.
Bà bầu uống rau má được không?
Tuy nhiên, trả lời trên báo Giáo dục Việt Nam, bác sĩ Hoa Hồng cho biết, uống nước rau má không phải là giải pháp được khuyến khích. Mặc dù rau má khi xay lấy nước uống rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, chữa mụn nhọt... nhưng chưa có nguồn thông tin đáng tin cậy nào khẳng định rau má không có tác động xấu đến thai nhi, nhất là khi sản phụ đang có dấu hiệu động thai. Nếu muốn uống nước rau má giải nhiệt, bạn nên đi khám cẩn thận để được bác sĩ tư vấn thêm.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, rau má làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu, vì vậy những người có cholesterol cao và bệnh tiểu đường nên tránh lạm dụng sử dụng rau má quá nhiều.
Rau má có thể tương tác với các thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc mất ngủ, và các thuốc chống trầm cảm... Nó cũng có thể làm giảm hiệu quả của insulin và thuốc tiểu đường uống khác, cũng như các thuốc hạ cholesterol.
Rau má cũng có thể có một tác dụng làm giảm tác dụng an thần khi dùng với các loại thuốc cảm lạnh và ho, hoặc khi uống rượu.
Rau má có tính lạnh nên những người có Tỳ Vị hư hàn, hay đầy bụng hoặc đi tiêu lỏng cần cẩn thận khi dùng. Những trường hợp này chỉ nên dùng vài lá mỗi lần hoặc khi dùng kèm theo một vài lát gừng sống. Dùng ngoài da không giới hạn.
Nếu dùng nước rau má thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới quá trình điều tiết nhiệt của cơ thể, gây ức chế nhiều quá trình sinh lý và sẽ hại cho sức khoẻ.
An Nguyên (Tổng hợp)