Niềng răng giá rẻ: “Cái bẫy” khiến nhiều người méo miệng, mất tiền oan
Niềng răng thường được xem là giải pháp cải thiện nụ cười, nhưng nhiều người rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười khi vừa mất thời gian, mất tiền lại ảnh hưởng đến sức khỏe bởi gặp phải “nha tặc”.
Khi “nụ cười đẹp” trở thành cái bẫy
Không ít người trẻ ngày nay mong muốn sở hữu hàm răng đều, đẹp để cải thiện diện mạo. Tuy nhiên, thay vì tìm đến cơ sở y tế uy tín, nhiều người lại chọn "niềng răng giá rẻ" tại các phòng khám quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Đằng sau những lời hứa hẹn như "niềng răng chỉ từ 8 triệu đồng", "trả góp lãi suất 0%"… là vô số hệ lụy.
Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM cho biết, chỉ từ đầu năm 2025 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 335 bệnh nhân đến điều trị sau khi bị hỏng do niềng răng tại các cơ sở không đảm bảo chuyên môn.
Phong – tên nhân vật đã được thay đổi (21 tuổi, sinh viên tại TP.HCM) từng niềng răng ở một phòng nha được quảng cáo trên mạng với chi phí "ưu đãi". Sau 2 năm mang niềng, thay vì giảm hô, Phong còn đối mặt với tình trạng chân răng có dấu hiệu bật khỏi xương ổ. Liên hệ với phòng nha thì chỉ nhận được sự vòng vo, khất lần lịch tái khám.

Quá lo lắng, Phong tìm tới Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, Phong được chẩn đoán sai khớp cắn loại III do xương, kèm sang chấn khớp cắn do chỉnh nha bù trừ quá mức. Các bác sĩ xác định phác đồ điều trị trước đó là sai lầm nghiêm trọng. Hiện tại, Phong phải phẫu thuật chỉnh hình xương hàm, tháo vít và trải qua quá trình điều trị phục hồi kéo dài.
Cũng là nạn nhân của niềng răng, Nga – tên nhân vật đã được thay đổi (19 tuổi, ở Bình Chánh - TP.HCM) đang theo học một trường Đại học năm thứ 2. Nga bẩm sinh đã mất 1 răng ở hàm trên, răng khấp khểnh nặng, lệch khớp cắn. Nga lướt mạng thấy có phòng nha cách nhà 3km quảng cáo niềng răng với giá 15 triệu đồng, sau đó được nhân viên phòng nha tư vấn mất khoảng 1,5 năm sẽ có hàm răng đẹp.
Đáng chú ý, dù Nga đã mất 1 chiếc răng nhưng người khám cho Nga chỉ định, cần phải nhổ 4 răng do răng của cô quá nhiều. Tuy nhiên, sau 6 tháng, Nga không thấy cải thiện. Đáng nói, gần đây, khi tới tái khám, phòng nha cũng biến mất, biển hiệu cũng không còn. Gõ cửa hỏi thì chủ nhà ở đó cho biết, phòng khám đã chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
Thăm khám cho Nga, BS. Nguyễn Minh – Hệ thống Nha khoa Tấm Dentist cho biết, phân hàm 2 bị thiếu răng do phòng nha khoa trước đó đã nhổ 4 răng nên cần phải trồng thêm 1 chiếc răng Implant để đảm bảo chức năng ăn nhai. Tình trạng hô chưa cải thiện, cần phải niềng răng bằng mắc cài, tinh chỉnh khớp cắn. Tổng thời gian điều trị mới kéo dài hơn 2 năm và chi phí lên tới gần 50 triệu đồng – gấp ba lần dự tính ban đầu.

Cách nhận diện “nha tặc” và phòng tránh rủi ro
Theo Bác sĩ Nguyễn Minh – Hệ thống Nha khoa Tấm Dentist, các “nha tặc” thường đánh vào tâm lý thích giá rẻ và quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, phía sau những combo giá rẻ là nguy cơ tổn thương khớp cắn, tiêu xương răng, thậm chí mất răng vĩnh viễn.
“Đã có nhiều trường hợp phải mất hàng chục triệu đồng và 2–3 năm điều trị để sửa sai cho một ca chỉnh nha hỏng do thực hiện ở các cơ sở không giấy phép, bác sĩ không rõ ràng, không theo dõi sát quá trình điều trị”, BS. Minh cho biết.
Để không rơi vào bẫy “nha tặc”, bác sĩ Minh khuyến cáo người dân cần lưu ý:
Chỉ chọn nha khoa có giấy phép hoạt động hợp pháp được Sở Y tế cấp. Thông tin này thường được dán rõ ràng ở biển hiệu hoặc trong phòng khám.
Bệnh nhân khi đến nha khoa sẽ được bác sĩ trực tiếp thăm khám và chỉ định phác đồ. Trong suốt quá trình điều trị, bác sĩ phải trực tiếp theo dõi sát sao để đảm bảo quá trình chỉnh nha được thực hiện theo đúng kế hoạch ban đầu, không phải mỗi lần 1 người thăm khám khác nhau.
Khi có băn khoăn hoặc những vấn đề phát sinh trong quá trình niềng răng thì phòng nha sẽ phải giải đáp và chăm sóc kịp thời. Nếu phòng nha loanh quanh, đổ lỗi, trốn tránh hoặc khất lần lịch tái khám thì đó là dấu hiệu của “nha tặc” và mọi người cần cảnh giác để tránh tiền mất, tật mang.