Hà Nội: Cụ ông 85 tuổi tiết lộ cách "giữ lửa" với vợ 33 tuổi
“Tôi năm nay đã 85 tuổi rồi, còn vợ tôi thì mới 33 tuổi, còn khá trẻ, tuy nhiên cuộc sống của gia đình tôi lúc nào cũng rất hạnh phúc”, ông Trọng vui vẻ nói.
Ông Nguyễn Hữu Trọng: Gia đình tôi sống rất hạnh phúc (Ảnh: Xuân Hải)
Vận chiếc áo bà ba màu bã trầu, đôi tay nhanh nhẹn kê lại chiếc bàn ăn trên khoảng sân rộng trước nhà, rồi bê mâm cơm đầy ắp thức ăn cùng bát đĩa đặt lên bàn, ông nhấc bổng bình rượu thuốc chứa khoảng 20 lít, sau đó cẩn thận rót rượu vào chén mắt trâu mời khách và nói: “Mỗi bữa cơm tôi đều uống đúng 3 ly rượu thuốc do tự tay tôi sắc các loại thuốc để ngâm”.
Đó là cụ ông Nguyễn Hữu Trọng (85 tuổi, ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội).
Bên mâm cơm tối, ông Trọng hướng ánh mắt đầy trìu mến của mình về phía người phụ nữ còn khá trẻ, người dong dỏng đang bế trên tay một bé trai khoảng 3 tuổi nói: Đây là vợ tôi, Đinh Thị Thoan (33 tuổi, quê Yên Lập, Phú Thọ), còn bé trai là con trai tôi, 3 tuổi là Nguyễn Hữu Đức.
Rồi ông Trọng vừa nói, vừa chỉ tay về phía bé gái có làn da trắng hồng, mái tóc xoăn tít đang đứng bẽn lẽn ở góc bàn: Còn đây là kết quả đầu tiên của vợ chồng tôi, cháu Nguyễn Kim Phúc, 5 tuổi.
“Vợ chồng tôi cưới nhau đến nay đã được 5 năm rồi và cũng có với nhau hai mặt con. Nhiều người thắc mắc hỏi tôi đã 85 tuổi rồi, còn vợ tôi mới hơn 30, tuổi tác quá chênh lệch như vậy thì cuộc sống, sinh hoạt vợ chồng sẽ như thế nào... Thấy vậy, tôi bảo cuộc sống của vợ chồng tôi vẫn như hồi mới cưới, gia đình vui vẻ, đầm ấm và rất hạnh phúc”.
Chị Đinh Thị Thoan - vợ ông Trọng cùng hai con (Ảnh: Xuân Hải)
Ông Trọng tiết lộ: Phương châm sống của tôi là quên tuổi tác, quên bệnh tật và quên hận thù, chính điều này đã giúp tôi sống, có sức khỏe ổn định và làm việc không hề biết mệt mỏi.
Ông cho biết, hàng ngày cứ 4 giờ sáng là ông thức dậy, rồi đi ngay ra vườn thuốc nam hít thở không khí trong lành của núi rừng Ba Vì, sau đó ăn sáng và bắt đầu công việc thường nhật; buổi trưa, ông cũng dành ít nhất 15 phút để tranh thủ ngả lưng và cứ 23h30 đêm là ông đi ngủ. Công việc lúc nào cũng bận rộn, hàng ngày vợ chồng ông luôn cùng nhau cuốc đất, chăm sóc vườn thuốc nam, trồng rau, chăn nuôi gà lợn và chăm sóc con cái.
“Do trang trại của tôi rộng 3 héc ta, trong đó có hơn 1 héc ta để trồng cây thuốc nam, 2 vợ chồng làm không xuể, nên chúng tôi phải thuê thêm gần chục người làm giúp. Tôi chỉ mong muốn là người dân mình dùng được những cây thuốc quý nhưng rẻ tiền mà chữa bệnh lại hiệu quả, nên ngoài việc bán cây thuốc Nhật Nguyệt hay còn gọi là cây Hoàn Ngọc có tác dụng giải độc, tăng sức đề kháng cho cơ thể, tôi còn cho bà con quang vùng mang về trồng và hiệu quả sử dụng rất tốt”, ông Trọng chia sẻ.
Bên mâm cơm ấm cúng của gia đình, tràn ngập tiếng cười con trẻ. Vừa bón cho cậu con trai 3 tuổi ăn, chị Đinh Thị Thoan (tức chị Bảy), vợ ông Trọng thỉnh thoảng lại gắp thức ăn vào bát cho chồng rồi ân cần mời: “Ba nó ăn đi”.
Mỗi lần được vợ gắp thức ăn, ông Trọng lại đáp lời: “Em cũng ăn đi, cái này ngon lắm”, rồi ông cũng gắp thức ăn cho vợ. Trong bữa cơm cậu con trai 3 tuổi thi thoảng lại nũng nịu gọi “Ba ơi” như muốn được ông Trọng bế.
Ông Trọng kể, chúng rất bám ông, những lúc rảnh rỗi ông thường chơi đùa, kể chuyện và hát cho các con nghe.
“Vợ chồng sống với nhau phải yêu thương nhau hết lòng, không bao giờ giận nhau. Mỗi khi vợ giận là tôi lại hát câu quan họ: “Em ơi, khoan vội mà bực mình/anh xin kể lại mà phân minh cho tỏ tường...”, nghe xong là cô ấy hết giận”, đó là bí quyết giữ lửa của gia đình tôi", ông Trọng chia sẻ.
Xuân Hải