Chuyện Công tử Bạc Liêu thuê 7 xe chở gậy, cặp, mũ, chó Nhật
“Ba tôi mở Hội chợ để trưng bày những đặc sản nông nghiệp của Bạc Liêu giới thiệu sản phẩm với người dân các tỉnh lân cận”, ông Đức nói.
Khu vực nhà hàng ăn uống của khu di tích Công tử Bạc Liêu
Dẫn đoàn du khách đi xung quanh khu di tích Công tử Bạc Liêu, ở 15 Điện Biên Phủ, Phường 3, TP. Bạc Liêu đang tạm thời đóng của để sửa chữa, chỉ nhừng người thợ đang sơn lại tường phía bên ngoài, ông Trần Trinh Đức (68 tuổi), con trai thứ 3 của ông Trần Trinh Huy – Công tử Bạc Liêu kể cho phóng viên về cuộc đời của cha mình.
Khi hỏi về việc cụm từ Công tử Bạc Liêu xuất hiện từ khi nào, ông Đức cho biết: Cái tên Công tử Bạc Liêu được xuất hiện ở Miền Nam vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đây là cụm từ dùng để chỉ các công tử, con của những gia đình giàu có sống ở Bạc Liêu trong thời kỳ Việt Nam đang bị Pháp đô hộ. Nổi bật nhất trong số các công tử Bạc Liêu này là ba ông – Trần Trinh Huy (1900 – 1974), còn gọi là Cậu Ba Huy, Hội đồng Ba hạy Hắc Công tử. Ba ông – Công tử Bạc Liêu là một tay chơi nổi tiếng số 1 ở Sài Gòn và Miền Nam vào thập niên 30 – 40.
Ông Đức bảo: Vào đầu những năm 1930, ba tôi cũng đã từng được Tỉnh trưởng Tây nhờ hướng dẫn mở hội chợ đấu xảo của tỉnh Bạc Liêu. Hội chợ đấu xảo, ngoài những chương trình giải trí còn là nơi trưng bày những đặc sản tốt đẹp nhất để chấn hưng nông nghiệp hay các nghề thủ công, đấu xảo trái cây để giúp các nhà vườn ở Vĩnh Châu giới thiệu sản phẩm như nhãn, bí, khoai cùng các loại rượu cất từ gạo... lấy uy tín với bà con trong tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh lân cận.
“Cũng từ hội chợ đấu xảo này mà trong dân gian xuất hiện một giai thoại về cách chơi ngông và cho rằng ba tôi – Công tử Bạc Liêu thừa tiền nên thuê cả xe kéo riêng để chở chó, chở gậy ba – tong, chở cặp”, ông Đức nói.
Nụ cười tươi của ông Trần Trinh Đức
Ông Đức nhớ lại, sau này ba ông mới kể lại cho tôi về giai thoại này, rất đơn giản. Khi Công tử Bạc Liêu đến hội chợ, ông đỗ xe ô tô ở bãi xe trong khu Nhà Lớn (khu nhà làm việc của Tỉnh trưởng Tây) để đi bộ vào trong hội chợ.
Lúc này phía bên ngoài Nhà Lớn có gần chục người làm nghề xe kéo chực sẵn phía ngoài cổng, thấy ba ông mọi người liền tung hô, khen ngợi ba ông đã hướng dẫn cho Tỉnh trưởng Tây mở hội chợ để người dân có cơ hội giới thiệu đặc sản nông nghiệp của quê hương nên ông rất vui vẻ và muốn giúp đỡ những người làm nghề xe kéo này.
“Để giúp đỡ 7 người xe kéo này, ba tôi đã không cho tiền như kiểu bố thí cho họ mà ông đã gọi tất cả 7 người xe kéo lại và bảo mỗi xe chở một món đồ cho ông để đến hội chợ. Ba tôi ngồi một xe, xe kế cho vệ sĩ, xe thứ ba cho người cháu, vẫn còn bốn xe đang chờ ông chưa biết chở gì, thấy vậy ba tôi liền bỏ mũ đặt lên xe thứ 4, xe thứ 5 chở gậy ba – toong, xe thứ sáu chở cái cặp da, thấy còn con chó Nhật vẫn đang lẽo đẽo chạy theo ông liền đặt chú chó này lên chiếc xe kéo thứ 7. Cả 7 chiếc xe kéo đến Hội chợ. Chuyện xuất phát từ tình thương của ba tôi với người nghèo, thế mà trở thành câu chuyện ba tôi – Công tử Bạc Liêu thừa tiền, nhiều tiền quá, tiêu không hết nên bày ra việc chơi ngông gọi một lúc gần chục xe kéo để chở chó, chở gậy, chở cái cặp da”, ông Đức nói.
Xuân Hải