Vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề: "Phòng khám tư có thể vi phạm"
Vụ mua bán trẻ tại chùa Bồ Đề đang hé lộ thêm sự tham gia của các phòng khám tư. Trao đổi với Giadinhonline.vn, luật sư nhận định có thể các phòng khám tư cũng vi phạm trong vụ mua bán trẻ em này.
Theo đó, vào ngày 3/8 vừa qua, cơ quan công an Hà Nội đã tiến hành bắt giữ Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978) là người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, quê quán tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đồng thời triệu tập 3 nghi phạm khác để điều tra về hành vi mua bán trẻ em.
Được biết, để phát hiện và bắt giữ các đối tượng vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, cơ quan điều tra đã phải theo dõi những đối tượng này trong thời gian dài và người đầu tiên phát hiện ra vụ việc nói trên là nhà báo Nguyễn Thị Thu Trang - báo Phụ nữ TP.HCM.
Nhà báo Nguyễn Thị Thu Trang hé lộ sự tham gia của phòng khám tư vào vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề
-> Nghi vấn sự tham gia của phòng khám tư trong vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề
Trong cuộc trao đổi về quá trình theo dõi và phát hiện vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề trên Đài VTC, nhà báo Nguyễn Thị Thu Trang đã tiết lộ chi tiết gây sự chú ý của nhiều người.
Nhà báo Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ trên VTC: “Thật ra những đường dây mà tôi tiếp cận thì ở các bệnh viện, các trung tâm bảo trợ, họ đều nói rằng có những trẻ em được sinh ra ngoài ý muốn thì được bán vào chùa Bồ Đề. Tôi không tin điều ấy, nhưng có rất nhiều thông tin khẳng định là có việc đó.
Khi có những phòng khám tư nhân sẵn sàng tiếp nhận việc bán em bé mà họ không mong muốn được sinh ra vào ngôi chùa này thì tôi đã thực sự theo đuổi thông tin này.
Hai đối tượng bị bắt vì hành vi mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề
Lúc thông tin bùng lên trên thế giới mạng, tôi nghĩ không phải ở những bài viết của tôi mà ở chính sự bức xúc của những người có cảm giác có sự bất thường trong ngôi chùa này”.
Theo những tiết lộ nói trên của nhà báo Nguyễn Thị Thu Trang thì rõ ràng trong việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề có sự “tiếp tay” của các phòng khám tư.
Trao đổi về sự việc này với báo điện tử Gia đình Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Theo quy định của pháp luật thì các cơ sở hành nghề y dược tư nhân cũng có thể là bệnh viện tư nhân, cũng có chức năng khám phụ sản, kế hoạch hóa gia đình, chuyên khoa nhi... Trong quá trình hành nghề cũng có thể tiếp nhận những trẻ em bị bỏ rơi”.
Luật sư Cường giải thích thêm: “Khi có sự cố xảy ra (có việc chết người, có trẻ em bị bỏ rời...) tại phòng khám của mình thì phải kịp thời xử lý và báo cáo cho cơ quan chức năng để giải quyết. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc quản lý hành chính, quản lý nhân khẩu thuộc về cơ quan hành chính và cơ quan công an chứ không phải là nhà chùa...
Do vậy, nếu phát hiện có trẻ em bỏ rơi thì phải kịp thời báo cho công an hoặc chính quyền địa phương để xử lý theo thẩm quyền, chứ không được tự ý cho người này, người khác hoặc mang vào chùa như vậy”.
Từ những phân tích trên, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: “Các phòng khám tư nhân tự ý tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi sau đó không báo với chính quyền địa phương mà tự ý chuyển cho cơ sở không có chức năng chăm sóc trẻ em, không được phép hoạt động bảo trợ xã hội theo quy định pháp luật là vi phạm pháp luật”.
Theo đó, nếu các tổ chức, cá nhân đó có mục đích vụ lợi, tiếp tay cho việc mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em thì cũng sẽ bị xử lý về tội này với vai trò đồng phạm giúp sức.
Nói về nghi vấn có sự “tiếp tay” của các phòng khám tư trong việc mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, Luật sư Cường cho biết: “Vụ việc xảy ra tại chùa Bồ Đề đang trong quá trình điều tra, do vậy việc xử lý những người giúp sức cho hành vi phạm tội thế nào còn phụ thuộc vào chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập theo quy định pháp luật”
Tuy nhiên, ông Đặng Văn Cường cũng nhấn mạnh: “Việc chuyển những đứa trẻ bị bỏ rơi tới nhà chùa mà do thiếu hiểu biết, không báo cho cơ quan chức năng gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hành chính. Nếu biết những đứa trẻ đến đó có thể bị bán, cho nhận con nuôi trái pháp luật mà vẫn thực hiện hành vi chuyển trẻ em tới đó thì sẽ bị xử lý hình sự với vai trò giúp sức theo quy định tại Điều 20 và Điều 120 Bộ luật hình sự.
Đối với các phòng khám mà hoạt động sai với giấy phép hoặc có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động thì tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể xử phạt hành chính hoặc tước giấy phép hành nghề”.
Tuấn Khanh