Vụ cán bộ dân số Thạch Thất: Huyện tuyên bố thanh tra, dân lo nơm nớp
Khấp khởi vui mừng trước thông báo mời họp với lãnh đạo huyện, nhưng một lần nữa những cựu cán bộ chuyên trách dân số huyện Thạch Thất, Hà Nội lại thêm một lần nếm trái đắng.
Bố trí việc làm mà như đánh đố
Với động thái vào cuộc sau phản ánh của báo chí về những dấu hiệu bất thường trong công tác tuyển dụng cán bộ dân số, ngày 23/11, UBND huyện Thạch Thất đã có giấy mời những cán bộ dân số bị bất ngờ sa thải trước đó đến làm việc. Mục đích của cuộc gặp gỡ này được ghi rõ trong giấy mời do bà Nguyễn Thị Mai, giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (TT DS-KHHGĐ) huyện Thạch Thất: “nhằm mục đích thống nhất một số nội dung theo chỉ đạo của UBND huyện”, trong đó chủ yếu là việc sắp xếp, bố trí việc làm cho những cán bộ dân số.
Chị Yến và chị Thêu là những nạn nhân của kỳ tuyển dụng vô lý ở Thạch Thất
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Hải Yến, sinh năm 1984 ở Hương Ngải, Thạch Thất, một trong những cán bộ chuyên trách dân số vừa bị sa thải mới đây cho biết chị cảm thấy cuộc họp như một kịch bản được dựng sẵn.
“Lãnh đạo huyện đưa ra những lựa chọn công việc như một sự đánh đố đối với chúng tôi. Khi nhận được giấy mời, bản thân tôi và các đồng nghiệp đều khấp khởi vui mừng vì tưởng rằng huyện đã có những động thái thay đổi, điều chỉnh. Thế nhưng tại cuộc họp ông Trần Đức Thanh, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện lại đưa ra những công việc mới hoàn toàn không phù hợp với chúng tôi. Bản thân tôi được bố trí làm đài truyền thanh. Nhưng tôi chẳng có bằng cấp, nghiệp vụ gì về truyền thanh, làm sao mà làm được. Hay trường hợp như chị Thêu được bố trí làm trưởng thôn. Nhưng vị trí này phải được dân bầu thì mới được làm chứ huyện sao có thể tự ý sắp xếp được. Hơn nữa vị trí trưởng thôn chỉ làm trong 2 năm, nếu không đạt yêu cầu, không được tái bổ nhiệm nữa thì sẽ phải nghỉ”, chị Yến cho biết.
Cũng tại cuộc gọp giữa đại diện UBND huyện Thạch Thất và các cựu cán bộ chuyên trách dân số vào sáng ngày 23/11/2015, chị Bùi Thị Hương được sắp xếp làm cán bộ địa chính xã. Ngạc nhiên với công tác bố trí công việc mới của lãnh đạo huyện, chị Hương bức xúc: “Tôi từng phải bán xe, làm thêm rất nhiều nghề để đi học và được đào tạo thành cán bộ dân số. Nay bắt tôi đi làm việc khác, vậy bao nhiêu công sức, kinh nghiệm và tiền bạc tôi bỏ ra cho dân số bỗng trở thành công cốc. Bản thân tôi càng không có kinh nghiệm gì về lĩnh vực địa chính nên tôi không thể chấp nhận được. Hơn nữa, nếu làm địa chính, đến lúc họ yêu cầu tôi bằng cấp, trình độ, kinh nghiệm mà không có thì liệu họ có chấp nhận và tôi không dám đảm bảo mình sẽ làm được? Còn nếu bắt tôi bỏ tiền của ra để đi học lại nghề địa chính từ đầu thì tôi không làm được nữa. Tôi không thể thêm một lần bán đất, bán xe để bỏ tiền đi học”.
Tại cuộc họp, tất cả các nữ cán bộ dân số đều thống nhất không theo sự sắp xếp công việc mới của lãnh đạo huyện mà chỉ muốn huyện làm rõ chuyện đúng, sai trong công tác tuyển dụng cán bộ dân số vừa qua.
Tuy nhiên, theo thông tin được chị Yến cung cấp, trong suốt cuộc họp, ông Thanh chủ yếu vận động các nữ cán bộ dân số đồng ý nhận công việc mới bất chấp những vấn đề bất cập và vô lý mà họ đưa ra. Cuối cùng không thuyết phục được những người này, ông Thanh tuyên bố: “Bây giờ các chị không nhận công việc mới thì sau này, khi đã rõ trắng đen, nếu huyện đúng thì các chị đừng có đến đây đòi hỏi các lãnh đạo bố trí việc làm”.
Cuộc họp “khôi hài” không cần đến biên bản
“Một điều khôi hài tại cuộc họp là ông Thanh không cung cấp biên bản cho chúng tôi sau khi cuộc họp kết thúc với lý do là “Các chị không cần phải có biên bản”. Chúng tôi không hiểu vì sao ông Thanh lại phát ngôn như vậy. Bởi bình thường cuộc họp nào cũng cần phải ghi biên bản và mỗi bên tham gia phải được cung cấp một bản, đó là nguyên tắc”, chị Chu Thị Thêu ở Thạch Xá, Thạch Thất (một trong 23 cán bộ dân số vừa bị UBND huyện Thạch Thất cắt hợp đồng sau hơn 10 năm công tác) chia sẻ.
“Chúng tôi khẳng định, huyện cứ làm rõ đúng sai trong công tác tuyển dụng ngành dân số mới đây. Nếu sau khi làm rõ mà huyện đúng thì chúng tôi sẽ chấp nhận việc mình bị sa thải và thất nghiệp. Còn nếu huyện sai thì phải có trách nhiệm đưa chúng tôi trở lại công việc cũ cho đúng chuyên môn”, chị Thêu nói.
Được biết, cuối cùng cuộc họp giữa lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất và các nữ cán bộ dân số đã kết thúc mà không có biên bản chính thức và “cũng không cần đến biên bản” như lời ông Trần Đức Thanh nói. Theo chị Hải Yến, do những ý kiến của chị và các đồng nghiệp đưa ra tại cuộc họp không được nhân viên của ông Thanh ghi vào biên bản. “Người này chỉ ghi lại theo đúng nội dung ông Trần Đức Thanh đọc ngay sau khi cuộc họp kết thúc. Vì thế không có một ai trong số chúng tôi chấp nhận ký vào biên bản này”, chị Yến nêu rõ.
Dù lãnh đạo huyện đã tuyên bố "vào cuộc", nhưng con đường trở lại công việc cũ với họ vẫn còn quá mờ mịt.
Trước đó, sau khi được báo chí phản ánh về những bất thường trong công tác tuyển dụng ngành dân số tại huyện Thạch Thất, UBND đơn vị này đã thành lập một đoàn thanh tra gồm 12 người do ông Đinh Văn Chiến - Chánh thanh tra huyện Thạch Thất làm trưởng đoàn. Từ ngày 20/11, Đoàn thanh tra sẽ chịu trách nhiệm thanh tra toàn diện nội dung, công tác tổ chức , kết quả tuyển dụng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất. Đoàn sẽ tiến hành thanh tra toàn diện từ thời điểm lập kế hoạch đến khi kết thúc việc tuyển dụng. Được biết, công tác thanh tra sẽ diễn ra trong vòng 30 ngày.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất - Nguyễn Mạnh Hồng khẳng định: "Sau khi có kết luận thanh tra, nếu có sai phạm, sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật trên tinh thần “sai đến đâu xử lý đến đó”.
Ông Hồng cho biết thêm: ngày 23/11, huyện cũng đã có cuộc gặp với Sở Nội vụ Hà Nội và Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83- Công an thành phố Hà Nội) để làm việc về các vấn đề liên quan đến kỳ tuyển dụng vừa qua.
Ở một diễn biến khác, ông Hồng cho biết: hiện Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất đã tạm thời không phân công công tác đối với ông Chu Hòa Phong-Phó trưởng phòng Nội vụ huyện sau khi có thông tin phản ánh vị lãnh đạo này vòi tiền chạy viên chức. Hiện nay, ông Phong đã có báo cáo giải trình tới Đoàn thanh tra, đồng thời, những người có liên quan đến vụ việc trên đã được triệu tập để làm việc.
Liên quan đến vấn đề bố trí việc làm, lãnh đạo huyện Thạch Thất cho biết: huyện đã chỉ đạo Phòng nội vụ chủ trì phối hợp với Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình huyện khẩn trương rà soát đội ngũ làm công tác dân số ở các xã chưa bố trí được việc làm thì căn cứ vào vị trí việc làm ở từng xã để tham mưu, đề xuất bố trí việc làm phù hợp cho cán bộ, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, hơn 20 nữ cán bộ dân số Thạch Thất, những nạn nhân của kỳ tuyển dụng bất cập tại đơn vị này vẫn sống trong những ngày nơm nớp, hoang mang, lo sợ. Con đường trở lại công việc mà họ gắn bó mấy chục năm xem ra vẫn còn mờ mịt.
Đào Bích