Nhạc sĩ Phú Quang: “Tôi cần gì bám lấy Phan Huyền Thư để được nổi tiếng lây”
Vì những tranh cãi từ trên trời rơi xuống, Catinat cà phê sáng, một bài hát được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc từ cách đây rất lâu, được đánh giá là rất thường bỗng dưng nóng hơn bao giờ hết.
“Tôi chả viết tặng bóng hồng nào cả”
Những gương mặt lạ quen/ Những giọt cà phê đen đặc/ Anh ngồi một mình/ Khuấy loãng thời gian/ Buổi sáng muốn gọi em/ Nắng vẫn còn mê mải/ Buổi sáng muốn gọi em/ Gió lạnh lẽo chối từ/ Sáng nay ngồi một mình/ Với nỗi buồn xa vắng/ Từng giọt từng giọt đắng/ Anh uống cả lạ quen.
Những giai điệu chậm buồn man mác của ca khúc Catiat Cà phê sáng như một thứ thanh âm đầy ám ảnh cứ váng vất, văng vẳng bên tai bất cứ một ai đã từng nghe đến.
Bàn về nhạc và thơ, Catinat cà phê sáng không phải là ca khúc để lại nhiều dấn ấn trong hàng trăm tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang.
Nhạc sĩ Phú Quang
Nhưng giống như một sự sắp đặt của cuộc sống, nó lại khoác trên mình một số phận đặc biệt. Dù những người sinh ra nó có muốn hay không.
Có thể Phú Quang bày tỏ sự không quan tâm, nhưng nói gì thì nói, kể từ ngày xảy ra những lùm xùm về chuyện nữ nhà thơ Phan Huyền Thư đã đạo bài thơ Bạch Lộ của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, thì sức thu hút của Catinat cà phê sáng càng được hâm nóng một cách đặc biệt.
Nhưng người đã từng nghe, nhớ và yêu tình khúc này sẽ lần tìm để nghe lại. Còn những người lần đầu tiên hoặc vì tò mò và gõ dòng chữ vừa lạ vừa quen ấy lại giật mình thốt lên: À hóa ra là bài này mình đã từng nghe mà không nhớ.
Nghe lại giai điệu cũ, ai đó sẽ lại có những bâng khuâng của hoài niệm cũ ùa về. Và có thể, chưa bao giờ Catinat buổi sáng lại hot, hấp dẫn và xúc động đến thế. Có lẽ người nghe cũng có chút đồng điệu thương cảm cho số phận một bài thơ, vì quá hay mà đã bị nhiều người “đánh cắp”.
Catinat nổi nênh với số phận, điều này tốt hay không tốt đối với một nhạc phẩm và thi phẩm?
Người ta nói nhạc sĩ Phú Quang là một người quá khôn, vì ông biết tìm đến những bài thơ hay để gieo nhạc. Lạ một điều, hễ bài thơ nào qua tay ông cũng đều bay bổng và nổi tiếng. Cái sự mát tay này càng khiến tên tuổi Phú Quang trở nên đình đám. Và có lẽ vì thế mà những người làm thơ, muốn thơ mình có thêm một diện mạo mới, lại tìm đến ông với hi vọng “đứa con” của mình sẽ có thêm một cuộc đời, một số phận mới hào hoa, hoành tráng hơn.
Sau những ồn ào, với niềm kiêu hãnh của một bậc thầy trong sáng tác, nhạc sĩ Phú Quang dĩ nhiên không hề muốn nhắc đến những lùm xùm này. Vẫn là cái giọng điệu thâm thúy, chua ngoa và sâu cay, lần này có thêm chút dí dỏm, ông nói: “Tôi cần gì đi bám lấy mấy mụ đàn bà như Phan Huyền Thư hay Phan Ngọc Thường Đoan để được nổi tiếng lây”. Phú Quang thẳng thắn như vậy bởi ông không muốn bất cứ một ai hiểu nhầm rằng ông đang lợi dụng scandal để hâm nóng ca khúc của mình.
Mặc dầu vậy, ông vẫn thừa nhận số phận đặc biệt của Catinat cà phê sáng. Cho dù khoảnh khắc ông chắp bút để phổ nhạc cho thi phẩm này hoàn toàn ngẫu hứng, rất nhanh chóng và không để tặng một bóng hồng nào cả. “Chỉ là thấy thơ hay thì phổ nhạc thôi”.
Thơ được nhiều người khen nhưng Phú quang cho biết, anh tự hào và hài lòng về bản nhạc mình đã phổ trong Catinat cà phê sáng. “Nhưng đấy là phía mình. Vừa rồi trên facebook có người nói rằng Phú Quang làm hỏng bài thơ thì tôi cũng vẫn tôn trọng ý kiến đó. Thơ ca mà, mỗi người mấy ý là chuyện bình thường”.
Lý giải cho sức nóng của Catinat cà phê sang sau những tranh cãi mới đây, nhạc sĩ Phú Quang vẫn một mục thẳng thắn: “Tôi không dây vào những scandal vớ vẩn. Và cũng nói luôn là nổi bằng scandal chỉ đáng vứt đi. Mình muốn nổi là phải cao lên chứ không thể lấy cái gậy đánh người ta đổ xuống để mình được cao hơn họ”.
Nói là vậy nhưng có lẽ những ồn ào không đáng có, hay số phận đặc biệt của Catinat cà phê sáng hẳn đã khiến tác giả phổ nhạc của nó đứng trước những băn khoăn. Làm sao không băn khoăn, không nghĩ ngợi trước đứa con mà ông đã góp một phần công sức để hoài thai, tôi nặn? Phú Quang giấu kỹ điều đó phải chăng ông có những tâm tư khó tỏ bày? Chỉ biết rằng, điều đó càng khiến nhạc phẩm thêm phần bí mật, dư luận càng có cớ để tò mò, dự đoán.
Nếu không có những bài thơ hay, Phú Quang sẽ khó viết nhạc?
Âm nhạc càng hay thì sự tranh cãi càng lớn. Điều đó có lẽ là đúng. Thế cho nên đến cả ca sĩ Tuấn Hiệp, một người rất gần với nhạc sĩ Phú Quang, từng thể hiện nhiều ca khúc của ông cũng phải thẳng thắn: “Nhạc của nhạc sĩ Phú Quang chỉ cần nghe 5 bài là … xong rồi. Nó không đủ quyến rũ để tôi có thể nghe thêm. Hãy đếm trên đầu ngón tay mà xem, “Em ơi Hà Nội Phố”, rồi “Ta mơ thấy em”, .. tất cả đều na ná nhau”.
“Từng thể hiện nhiều ca khúc mà anh Phú Quang phổ nhạc nhưng thường là tôi chỉ giới thiệu tác giả thơ. Tôi thích thơ trong những ca khúc của anh Phú Quang. Còn về âm nhạc, âm nhạc của anh ấy đã rất quen rồi, cất lên là biết ngay, không cần phải giới thiệu”.
Ca sĩ Tuấn Hiệp
“Nhạc Phú Quang hay ở chỗ là có thơ. Nếu gỡ ca từ ra thì nhạc của ông ấy không có gì nhiều, thậm chí một màu”, ca sĩ Tuấn Hiệp cho biết. Thế cho nên mới có chuyện, một người trong giới đã nửa đùa nửa thật: “Nếu không có những bài thơ hay, Phú Quang sẽ khó mà viết nhạc?!”.
“Nhưng điều đáng quý của anh Phú Quang là nhạc của anh ấy rất dễ cảm nhận. Giai điệu buồn buồn, man mác dễ đi vào lòng người. Còn so với nhiều tác giả khác, Phú Quang không viết được bài gì quá đình đám. Chưa nói đến việc sự khuôn mẫu của nhạc sẽ vô tình làm hạn chế sức lan tỏa của thơ”, Tuấn Hiệp nói.
Với nhạc sĩ Như Huy, ông cho rằng cái tôi trong thơ và nhạc đều rất quan trọng. Chuyện phổ nhạc cho thơ là phổ biến nhưng có người làm cho thơ hay lên, có người thì ngược lại.
“Bài Catinat cà phê sáng nghe cái là biết ngay nhạc của Phú Quang rồi. Khi Phú Quang đặt cái tôi của mình vào đó, vô tình cái tôi của tác giả thơ sẽ bị hạn chế. Dù có nhiều tranh cãi, song Catinat cà phê sáng không phải là tuyệt tác của anh ấy”, nhạc sĩ Như Huy bày tỏ quan điểm.
Ông cho biết thêm: “Điều quan trọng không phải là bài hát mang tên ai mà là nó có hay hay không, có chạm đến trái tim người nghe hay không?”.
“Một bài hát đi vào lòng người giống như khi ta bị cấu vào tay, phải đau mới thấu được. Đó là cảm giác cao nhất khi nó chạm vào mình. Còn những lùm xùm bên cạnh, có thể sẽ khiến ai đó tò mò nhưng đó không phải là yếu tố quyết định sức hấp dẫn của nhạc phẩm”.
Nhạc sĩ Như Huy dẫn lời một nhà thơ nước ngoài: “Làm gì có bài thơ đạo đức hay không đạo đức. Nó chỉ có hay hay dở mà thôi. Nguồn gốc không quan trọng. Bông hoa được bón cái gì người ta đâu quan tâm. Quan trọng là nó đẹp thế nào, cái cách mà nó phô vẻ đẹp trước mắt người xem như thế nào”.
Cũng giống như bông hoa được nhiều người nhòm ngó, có lẽ vì thế mà giá trị của nó được nhân lên ngàn lần. Giống như Catinat cà phê sáng, sau những tranh cãi, dường như sức hút của nó càng trở nên nóng bỏng, hấp dẫn hơn nhiều. Điều đó chỉ có thể lý giải bằng số phận, bằng những cơ duyên, những đưa đẩy trong cuộc sống. Hay bằng bất cứ một nguyên nhân nào nữa thì Catinat cà phê sáng vẫn ngân lên mỗi ngày đâu đó vào một buổi sáng, trong cái náo nhiệt ồn ã của mùa hè Sài Gòn hay cái run rẩy, se lạnh của mùa đông Hà Nội. Giờ đây sự ngân nga ấy còn ám ảnh hơn bởi những giai điệu da diết, những ca từ lắng đọng, bằng một sức hấp dẫn, mê hoặc, lôi cuốn tuyệt vời có được từ số phân đặc biệt ngẫu nhiên của riêng nó, nóng đượm như một tách cà phê.
Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan và Bạch Lộ của Phan Huyền Thư
Catinat cà phê sáng được phổ nhạc từ bài thơ có tựa đề gốc là Buổi sáng. Theo nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, bài thơ Buổi sáng được chị sáng tác từ năm 2000. Nữ nhà thơ kể: “Thời điểm đó nhạc sĩ Phú Quang vẫn đang sống ở Sài Gòn. Anh có mở một quán cà phê ở trên đường Đồng Khởi, giới văn nghệ sĩ vẫn hay tụ tập ở đó. Một hôm vào thứ 7, tôi đến đó và ngồi chờ bạn bè đến đàm thoại về thơ ca, nghệ thuật. Ngồi một mình nhìn ngó đường phố, tôi nảy ra những tứ thơ ấy. Tôi còn nhớ đến khoảng11h30 anh Phú Quang đến, anh đọc và xách bài thơ lên lầu rồi phổ nhạc thành bài hát Catina cà phê sáng, trước đó tôi đặt tựa đề là Buổi sáng. Catina là tên quán cà phê của anh ấy. Vào khoảng 2000-2001, bài thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và in thành đĩa. Năm 2003, tôi cho vào tập thơ Đếm cát và in thành sách”.
Nhà thơ Thường Đoan cho rằng nhạc sĩ Phú Quang rất thích bài này và nó đã được ông chủ cà phê Trung Nguyên - ông Đặng Lê Nguyên Vũ trao giải nhất trong cuộc thi Festival cà phê. Bởi vậy, chị đã rất sốc và nổi gai ốc khi đọc những câu thơ trong bài thơ Bạch lộ của Phan Huyền Thư, “cảm giác như trúng gió độc vậy!”, chị nói.
Kỳ Trinh