'Việt Nam hoàn toàn có thể xét nghiệm được virus Ebola'
Theo lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Việt Nam hoàn toàn có thể xét nghiệm được bệnh phẩm khi có trường hợp nghi mắc Ebola và kết quả xét nghiệm sẽ có sau 24 đến 48 giờ.
Hiện nay, rất nhiều người lo ngại nếu trong trường hợp dịch Ebola xâm nhập vào Việt Nam, liệu Việt Nam có thể xét nghiệm và cho kết quả được ngay hay phải gửi mẫu bệnh phẩm ra nước ngoài xét nghiệm. Phóng viên báo điện tử Gia đình Việt Nam đã có những trao đổi với PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông! Hiện tại ở Việt Nam đã có phòng xét nghiệm An toàn sinh học cấp độ III, có khả năng phát hiện được virus Ebola. Vậy ông có thể cho biết chi tiết về các phòng xét nghiệm cấp độ III này?
PGS.TS Trần Như Dương: Virus Ebola là một virus gây bệnh tối nguy hiểm, vì vậy việc phát hiện và tách biệt các tác nhân này cũng phải đòi hỏi độ an toàn hết sức nghiêm ngặt.
Lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương báo cáo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp độ III.
Ở Việt Nam, chúng ta đã có 3 phòng xét nghiệm An toàn sinh học cấp độ III. Bốn máy ở Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương và một máy ở Viện Paster Hồ Chí Minh với đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn đối với phòng an toàn sinh học cấp III theo quy định của quốc tế. Những phòng an toàn sinh học này là do Nhật Bản hỗ trợ và giúp đỡ xây dựng.
Hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam đang phối hợp rất chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới chỉ đạo cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Paster Hồ Chí Minh chuẩn bị sẵn sàng năng lực này để tiếp nhận các bệnh phẩm của các bệnh nhân nghi ngờ mắc Ebola để xét nghiệm, nhằm đảm bảo an toàn cao nhất theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Phòng An toàn sinh học cấp III tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
Bên trong phòng xét nghiệm
Trong thời gian vừa qua, các phòng an toàn sinh học cấp III này đã phát huy được hiệu quả trong việc xét nghiệm các bệnh phẩm liên quan đến các căn bệnh nguy hiểm như: H5N1, H1N1, H7N9, MESR… Cho đến thời điểm này, chúng tôi cũng đã chuẩn bị với tinh thần cao nhất nhằm xét nghiệm các bệnh phẩm nghi mắc Ebola.
PGS.TS Trần Như Dương: Hiện nay, các xét nghiệm để chẩn đoán Ebola chủ yếu phải dựa vào các kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại nhất. Với những trang thiết bị hiện có ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Paster thì chúng ta có đầy đủ năng lực để phát hiện loại dịch bệnh này. Các kỹ thuật xét nghiệm này thường cho kết quả xét nghiệm trong vòng từ 24 đến 48 giờ .
- Theo tôi thấy, hiện nay tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đang tiến hành căng nhà bạt, liệu đây có phải là một biện pháp phòng chống dịch Ebola không?
PGS.TS Trần Như Dương: Hệ thống nhà và các khung giá đang được lắp đặt tại Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương là hệ thống nhà bạt giúp khử khuẩn, tiệt trùng, làm sạch một cách khẩn cấp khi có dịch bệnh.
Mục đích chính của nhà bạt này là để phục vụ cho những tình huống khẩn cấp trong những dịch bệnh tối nguy hiểm hay thảm họa. Đặc biệt những thảm họa do hóa chất và các khí chất độc gây nên.
Nhà bạt đang được lắp ráp nhằm phòng chống, khử khuẩn khi có dịch xảy ra.
Thông thường, nhà bạt được thiết lập tại những vùng cửa ổ dịch hoặc ở những nơi phải đưa bệnh nhân ra ngay lập tức để tiệt trùng và làm sạch các tác nhân gây bệnh có ở cơ thể bệnh nhân, trước khi chuyển đến cơ sở y tế.
Ngoài ra, nhà bạt còn giúp tiệt trùng cơ thể bệnh nhân để không bị lây nhiễm khi đi qua các khu dân cư, vì thế thiết lập những thiết bị đó cho những tình huống như dịch Ebola mà tác nhân gây bệnh chủ yếu qua đường tiếp xúc là vô cùng hiệu quả.
- Với những ưu điểm rất lớn như vậy, tại sao chúng ta không đặt tại các sân bay hoặc cửa khẩu để đáp ứng kịp thời khi xuất hiện trường hợp nghi nhiễm Ebola?
PGS.TS Trần Như Dương: Hiện nay, chúng ta đang triển khai ở Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương. Trước hết là làm nhiệm vụ huấn luyện cho các cán bộ y tế, sau đó chúng tôi sẽ theo chỉ đạo của Bộ Y tế triển khai nhà bạt ở những nơi có nguy cơ dịch dễ xâm nhập vào nhất để làm sao phát huy tối đa nhà bạt trong công tác phòng chống dịch.
Xin cảm ơn ông!
Lê Phương