Viêm não Nhật Bản: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Viêm não Nhật Bản đang trở thành một căn bệnh ngày càng phổ biến. Theo thống kê của ngành Y tế, hiện nay, tỷ lệ bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2013.
Viêm não Nhật Bản ngày càng gia tăng khiến không ít cha mẹ lo lắng, bất an. Hãy cùng báo điện tử Gia đình Việt Nam tìm hiểu đối tượng và phương thức lây truyền để chăm sóc tốt cho bé yêu của mình.
1. Viêm não Nhật Bản: Sự nguy hiểm và lứa tuổi dễ mắc bệnh
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút viêm não Nhật Bản (VNNB) đều có thể bị mắc bệnh.
Hiện tại ở Việt Nam tỷ lệ mắc VNNB cao nhất ở nhóm trẻ em 5 tuổi – 9 tuổi, hoặc lớn hơn. Người lớn có nguy cơ bị lây nhiễm nếu chưa từng được tiêm chủng.
Bệnh VNNB hiện nay vẫn được xem là bệnh lý nguy hiểm cho con người nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời khả năng dẫn đến tử vong là rất cao. Theo các báo cáo thống kê tỷ lệ tử vong của viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 30%.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc viêm não Nhật Bản
Những bệnh nhân may mắn qua khỏi cơn bệnh thì cũng có khoảng 1/3 để lại nhiều di chứng nặng nề về thần kinh như liệt, chậm phát triển tâm thần, co giật, động kinh, một số trường hợp có thể bị mất khả năng ngôn ngữ hoặc không nói được, mất trí nhớ, cử động bất thường ngoài ý muốn như run rẩy, uốn éo, gồng cứng người…
2. Viêm não Nhật Bản: Phương thức lây truyền và dấu hiệu bệnh
Phương thức lây truyền
Các nhà nghiên cứu trên thế giới cho biết, bệnh VNNB lây theo đường máu, do côn trùng (muỗi) đốt hút máu động vật nhiễm vi rút rồi đốt người, qua đó truyền vi rút cho người. Vi rút được truyền qua vết đốt của muỗi cái, từ tuyến nước bọt có chứa vi rút, ổ chứa chính của vi rút VNNB là loài lợn và chim.
Ban ngày sống trong các bụi cây ngoài vườn, đêm bay vào nhà hút máu gia súc và đốt người
Ở nước ta, loài muỗi này có nhiều ở miền Bắc, xuất hiện vào những tháng mùa nóng, thích hút máu gia súc, ban ngày sống trong các bụi cây ngoài vườn, đêm bay vào nhà hút máu gia súc và đốt người, thường vào thời điểm từ 18h00 – 22h00, muỗi thích đẻ trứng trong ruộng lúa, mương máng.
Bệnh VNNB không thể lây trực tiếp từ người sang người. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, hoặc tiếp xúc gần gũi với người bệnh cũng không làm lây nhiễm bệnh.
Triệu chứng mắc bệnh ở người lớn
Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt cao 39 oC – 40oC, kèm đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó dẫn đến co giật, co cứng cơ và lú lẫn.
Khi gặp những hiện tượng này, cần đến ngay bệnh viện để xét nghiệm để đưa ra kết luận đúng nhất. Ngoài ra, khi bệnh nặng, có thể khiến khuôn mặt như co cứng cơ mặt, cơn quay mắt quay đầu, co giật, run giật, liệt nửa người, mất vận động ngôn ngữ, nhiệt độ cơ thể dao động, xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đờm dãi, nhịp tim nhanh, chướng bụng, nôn, bí đại tiểu tiện và ngừng hô hấp đột ngột.
Viên não Nhật Bản biến chứng nặng có thể dẫn đến các triệu chứng tâm thần là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau từ u ám, ngủ gà đến hôn mê sâu.
Muỗi là phương thức lây truyền Viêm não Nhật Bản
Triệu chứng mắc bệnh ở trẻ nhỏ
Ở trẻ nhỏ, dấu hiệu sẽ khó phát hiện hơn. Vì vậy các mẹ phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng là: nôn ói nhiều, thóp phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2014, số lượng trẻ mắc viêm não do vi rút tại TP.HCM là 34 trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu rõ cách truyền bệnh, dấu hiệu nhận biết để nhanh chóng phát hiện và điều trị kịp thời cho trẻ.
An Nguyên