'Vĩ nhân' dạy con
Ở huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ, ông Đại Dương là một thầy thuốc nam khá giỏi. Ông trở thành ân nhân của đôi người khi người ta gặp thầy, gặp thuốc và con bệnh thuyên giảm.
Ông giàu lên khá nhanh. Đám trẻ xem ông như một “Vĩ nhân”.
Cách gọi này để phân biệt ông với lớp cùng tuổi đã lấy vợ, úi xùi ở quê với dăm bụi vải, vài sào ruộng và đàn gà con, quanh năm không ra khỏi huyện. Thiên đường của họ là quán thịt chó, bia hơi đầu làng mà có lúc ông Đại Dương ghé qua, ực với lũ đàn em một tợp rồi sau đó, rút một “tờ xanh xám” trả giùm thì những thần dân xóm lẻ kia gọi ông là "Vĩ nhân".
Nỗi băn khoăn về con cái
Các con ông, đứa nào cũng học hành tốt và trưởng thành rất chững chạc. Đứa lớn đã trở thành một thầy giáo trẻ giỏi giang và đầy triển vọng.
Vài năm trước, ông thắc mắc, ông buồn vì con ông không được…như ông.
Chúng thiếu đi cái hào sảng, cái “rộng miệng cả tiếng”, cái oai phong lẫm liệt mặc dù ông đã “đầu tư” khá mạnh vào mảng này.
Các con ông sống bình dị, khiêm nhường, không biết “khuyếch trương thanh thế” con của một “đại gia” cho ông mát mặt.
Hồi chúng mới lớn, là con của một nông dân có nghề phụ là bốc thuốc nam, nhưng con ông đứng vào bệ chơi đàn Ooc-gan. Mỗi đứa mang trên tay một cái đồng hồ trị giá bằng một con trâu nhà hàng xóm. Đó cũng là điều ông bà nở mày, mở mặt sau vài thế hệ nghèo lay nghèo lắt, lần từng bữa như mọi gia đình ở đây cùng thế hệ với ông.
Vài năm trước, ông thắc mắc, ông buồn vì con ông không được…như ông.
Nhưng từ khi con ông thoát ly khỏi địa phương, đi vào các trường cao đẳng, đại học học hành thì càng ngày càng thoát li khỏi tinh thần của ông, đó là tinh thần “giải quyết khâu oai” bằng vật chất, tiện nghi của ông.
Những đứa trẻ biết dùng “kháng sinh”
Thực chất, từ mươi năm trước đã manh nha nhiều vấn đề mà ông không hay biết.
Hồi hai đứa con lớn của ông học lớp bốn, ông đã mua cho các cháu mỗi đứa một cái áo da “xịn” dày bì bì, đen nhánh của Ý. Mỗi đứa một cái điện thoại di động “oai” hơn loại máy của tay kỹ sư nông nghiệp bên xóm.
Chính điều này đã gây hại cho con ông. Đã có lần đi học về, con ông bị mấy thanh niên bất trị làng bên nhằm chặn đường, đánh cho một vài cái bợp tai, chặn cướp điện thoại cầm tay, lột áo, đồng hồ.
Rất may khi ấy, có một tốp bộ đội đi tập, xuất hiện bất ngờ và bảo vệ được cháu.
Về nhà, cháu nói lại với mẹ. Vì quá hiểu tính chồng, bà vợ ông không thể cấm các cháu dùng những món đồ đó được. Không để các con "oai", ông sẽ làm ầm lên ngay.
Thế là bà vợ ông, vốn là người thuần hậu, khôn ngoan đã tìm một cách giải quyết êm thấm là mua cho các cháu mấy cái áo da, điện thoại…rởm để các cháu dùng khi ra khỏi nhà, những thứ “xịn” kia bà lặng lẽ cất đi chờ khi các cháu lớn thì dùng.
Nhờ đó, các cháu được an toàn suốt những năm học ở làng bên.
Đến khi vào cao đẳng, có sự phân chia khá rõ hai loại người: Một nhóm là những cô chiêu cậu ấm sống “trên tiền”, vàng bạc, tiện nghi, xe cộ hào nhoáng nhưng lực học thường rất …khiêm tốn. Còn nhóm thứ hai là những thanh niên có chí hướng, học hành căn bản, cách sống lành mạnh.
Con ông Đại Dương, vốn là những thanh niên có trí tuệ, được rèn luyện tốt bởi ảnh hưởng từ bà mẹ nên đã có sự lựa chọn tốt để có mặt trong “tốp 2” kia.
Các cháu có thể tự hào vì chuyện này nhưng rất phiền mỗi khi ông bố ghé thăm trường.
Tại đó, ông thường tuyên truyền một loại triết lý sống kiểu hiện sinh, nặng về hình thức.
Sau những lúc đó, con ông rất ngượng với cả hai phía trong lớp học.
Với “phe” tiến bộ thì chúng rất dễ nhận dạng ra cái cốt cách phàm phu tục tử của ông bố, nghe những triết lý của ông rất chối tai, khó vào, khó đồng cảm. Do đó, rất khó để tốp này xuất hiện tình cảm nể phục “Ba của Toàn” như ông tưởng.
Còn với phe các cô chiêu cậu ấm thì có lúc chúng bụm miệng cười vì cái kiều “giầu sang” của ông. Cái xe Lacetti 1.6 của ông sản xuất tại Việt Nam thực chất chỉ bằng cái bánh xe của chúng. Tại lớp này, có những đứa thuộc loại con cái đại gia …thứ thiệt, đã xài cái Luxus 350 đời 2009 trị giá bằng ba bốn cái Lasetti gốc Hàn Quốc cũ của ông.
Những khi ấy, ông về khỏi, cậu con ông rất vất vả để giải thích hoặc bao biện cho ông bố mình trước những cái nhìn thị thường, thậm chí khinh miệt của bạn bè.
Câu chuyện này có một nét rất đáng để tâm là bà vợ ông Đại Dương. Nếu bà cũng vào hùa với ông, thấy chồng giàu xổi lên là sướng, là vỗ ngực xưng tên hoặc hưởng thụ thả giàn thì đó là “điểm tiêu vong” gia hệ nhà này. Mừng cho nhà này, mừng cho bà khi đàn “con đã hơn cha, nhà có phúc”.
Huy Cường