Từ nghèo túng đến tư duy vụn vặt: Bẫy âm thầm kéo tụt sự nghiệp đàn ông
Với đàn ông từng trải qua quãng đời dài trong thiếu thốn, nghèo khó không chỉ là một giai đoạn mà còn để lại những dấu vết thầm lặng ăn sâu vào nếp nghĩ, lối sống và phản ứng của họ trước cuộc đời.
Nếu không nhận ra và thay đổi, những thói quen này có thể âm thầm kéo họ tụt lại phía sau dù đời đã mở ra nhiều cơ hội hơn.
Tằn tiện đến cực đoan
Nhiều người đàn ông từng sống trong cảnh túng thiếu luôn tin rằng tiết kiệm là đức hạnh lớn nhất. Nhưng đôi khi, họ đi xa đến mức biến tiết kiệm thành... cực đoan.
Họ có thể đi bộ vài cây số chỉ để mua chai nước rẻ hơn 2.000 đồng, đổi hàng chục app đặt đồ ăn để săn mã giảm giá 5.000 đồng, hay tính toán kỹ từng món khi đi ăn với bạn bè, sợ thiếu công bằng. Có người dù đã có thu nhập ổn định vẫn chỉ mặc quần áo hàng thùng, cắt tóc ở tiệm 20.000 đồng, đi xe máy không chịu thay nhớt đúng hạn để tiết kiệm.

Một nhân viên văn phòng ở tuổi 35 kể rằng anh từng quen một người đàn ông lớn hơn mình 10 tuổi, thu nhập hơn 30 triệu/tháng nhưng luôn chỉ gọi trà đá khi gặp đối tác, nhất quyết không bao giờ "bao" ai bữa ăn.
“Mình không cần ai bao nhưng điều đó nói lên một kiểu tư duy tiền là thứ không thể chia sẻ”, anh nhận xét.
Tiết kiệm là tốt nhưng nếu tính toán từng đồng lẻ mà bỏ lỡ những cơ hội lớn hơn sẽ có thể phải trả một cái giá rất đắt.
Sợ thay đổi, luẩn quẩn trong vùng an toàn
Một hệ quả rõ ràng của việc từng sống trong nghèo khó là tâm lý sợ rủi ro, không dám bước ra khỏi vòng an toàn.
Họ thường chọn an phận hơn là phiêu lưu. Khi cơ hội đến như một lời mời đầu tư, lời đề nghị chuyển việc với lương cao hơn, hay đơn giản là học thêm ngoại ngữ, phản ứng đầu tiên của họ là: “Lỡ thất bại thì sao?” Họ không thấy cơ hội, chỉ thấy nguy cơ.
Chú Bình, 53 tuổi, làm bảo vệ cho một toà nhà văn phòng ở Hà Nội gần 15 năm. Có lần người cháu ngỏ ý hỗ trợ chi phí để chú học lấy bằng lái xe tải, mở rộng thu nhập, chú lắc đầu: “Thôi, cẩn thận vẫn hơn. Già rồi, thay đổi không dễ”.

Thích “ăn hời”, mê lợi nhỏ
Một biểu hiện khác của đàn ông từng sống nghèo là tâm lý ham lợi nhỏ không phải vì tham lam mà vì cảm giác luôn thiếu thốn trong tiềm thức.
Họ vui mừng quá mức khi được tặng thêm một gói khăn giấy, chen nhau xếp hàng nhận mẫu thử miễn phí, hay bực bội khi bị thiệt vài nghìn trong chia hóa đơn. Ở nơi công cộng, có người không ngại cầm nhầm vài thứ nhỏ nhặt như móc áo, túi ni-lông, thậm chí tranh thủ bốc thêm vài cái bánh ở quầy buffet mang về cho con.
Việc quá mê lợi nhỏ dễ khiến họ bỏ lỡ lợi ích dài hạn hơn như niềm tin từ người khác, uy tín cá nhân hay các mối quan hệ quý giá. Giống như câu chuyện con khỉ nhặt vừng mà đánh rơi cả quả dưa, đôi khi cái khôn vặt lại là cái khiến người ta mất đi nhiều hơn là được.
Nghèo không đáng xấu hổ
Ai cũng có thể từng nghèo. Nghèo không phải là cái tội. Nhưng nếu để quá khứ thiếu thốn chi phối cách nghĩ, cách sống thì cái nghèo ấy sẽ bám theo ta cả đời, không phải trong ví tiền mà trong tâm trí.
Những người đàn ông từng nghèo cần nhìn lại: tiết kiệm là tốt nhưng đừng để nó trở thành rào cản khiến ta từ chối đầu tư cho bản thân. Cẩn thận là cần thiết nhưng đừng để nó giết chết sự can đảm thử thách và bước ra khỏi vùng an toàn. Tận dụng cơ hội là hay nhưng đừng để nó biến thành thói quen tính toán vụn vặt khiến người khác e dè.