Ước mơ chan đầy nước mắt của cô gái 18 tuổi nặng chưa đầy 20 kg
Dù đã 18 tuổi, nhưng di chứng của thứ chất độc màu da cam đã khiến em chỉ nặng chỉ vẻn vẹn 20 kg và cao chưa đầy 1,2m. Trông em nhỏ bé như một cô học trò lớp 2.
Học lớp 12, nặng chỉ 20 kg
12 giờ trưa, chúng tôi tìm tới thăm gia đình em Lê Thị Hợi tại xóm Quân Cay (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) – nơi hàng ngày đang phải chứng kiến những nỗi đắng cay do chiến tranh gây ra giữa thời bình. Căn nhà nhỏ nằm khuất sau những tán cây dại um tùm càng thêm vẻ nghèo nàn bởi những vật dụng tuềnh toàng.
|
Khi bước vào, em Hợi đang ngồi cắm cúi trên quyến vở viết dang dở, thân hình cúi gập đau đớn khi cố gắng đỡ lấy khối u nặng nề trên vai.
Gặp chúng tôi, Hợi lễ phép chào hỏi và khoác ngay chiếc áo dài lên người. Em mang nước ra mời chúng tôi, ánh mắt còn đầy e ngại. Em ngồi nói chuyện với chúng tôi trên chiếc giường nhỏ, nơi đây cũng là góc học tập của em.
Em mặc vội chiếc áo dài tay để che khối u lớn phía sau lưng, bên vai trái. Khối u và thân hình nhỏ bé khiến em đau đớn và mặc cảm. Trò chuyện một hồi, em mới dám cho tôi xem đôi bàn tay nhỏ đến tội nghiệp và khối u lớn, nặng nề trên đôi vai gầy còm của em. Em nói rằng: “Em khoác áo dài vì không muốn ai nhìn thấy. Em ngại”. Dù đã 18 tuổi, nhưng di chứng của thứ chất độc chết người này khiến em chỉ nặng có vỏn vẹn 20 kg và cao chưa đầy 1m2. Trông em nhỏ bé như một cô học trò lớp 2. |
Em Hợi lọt thỏm giữa bạn bè đồng trang lứa, dù đã sắp 18 tuổi, nhưng em chỉ nặng có 20 kg. Mẹ em kể, những ngày trái gió, trở trời, em lại đau nhức phát khóc. Điều kiện gia đình khó khăn, không chữa trị được cho em. Nhà chỉ trông vào tiền trợ cấp, có một sào lúa cấy khoán, mỗi năm được 20 cân thóc. Với mảnh đất nhỏ trồng chè trước nhà vụ chỉ được 1-2 cân chè là cùng. |
Mẹ em kể, những ngày trái gió, trở trời, em lai đau nhức phát khóc. |
Nhọc nhằn đôi chân tìm đích đến của ước mơ
Trò chuyện một hồi, khi mặt trời chiếu những tia nắng chói chang, cũng là lúc Hợi đeo chiếc túi xách chéo trên vai để bắt đầu hành trình tới trường để tham gia lớp học thêm ôn thi Đại học.
Sau cơn mưa đêm qua, những con suối đầy tràn nước và con đường mòn sâu hoắm những ổ gà làm đường đến trường của cô bé Lê Thị Hợi xa hơn và khó khăn hơn mọi ngày.
Đường tới trường của em phải vượt qua tới 3 con suối như thế này. Cuốc bộ gần 5 cây số, vượt qua 3 con suối, với những đường mòn dốc, ghập ghềnh sỏi đá và ổ gà, em mới tới được ngôi trường THPT Bắc Sơn. Mỗi quãng đường mệt, em thường đứng gập người, thở dốc và nghỉ giữa đường. Nhìn dáng đi của em nhỏ bé, chênh vênh giữa dòng nước chảy xiết sau cơn mưa, chúng tôi không khỏi cầm lòng.
Hợi đôi khi mặc cảm bởi những ánh mắt thương hại hay tò mò từ những người xung quanh. Hàng xóm đều nói rằng, em là một cô bé ngoan ngoãn và hiếu thảo với mẹ. Em kể rằng, dù nắng hay mưa, em đều cố gắng tới trường, chỉ trừ hôm nào bị ốm. Dù đôi khi đến lớp, em bị một số bạn bè cười chê, trêu chọc, thậm chí bị đánh vào khối u trên vai, đau đớn vô cùng, nhưng em vẫn nói rằng: “Em không trách các bạn”. |
Clip về em Hợi. Trong giờ học, do bàn ghế dành cho học sinh THPT, dáng người em lại quá nhỏ không thể với tới mặt bàn, nên em phải đứng trong suốt 4 tiếng mỗi buổi học. "Em đứng mãi cũng quen rồi ạ”. Giờ ra chơi, em thường đứng ở lan can nhìn các bạn chơi. “Lúc đấy buồn. Nhiều lần em cũng tự trách mình, sao em lại bị như thế này. Em muốn chơi cùng các bạn”. |
"Nhiều lần em cũng tự trách mình, sao em lại bị như thế này. Em muốn chơi cùng các bạn”.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi phải dừng lại giữa chừng bởi dòng nước mắt không ngừng rơi trên má em khi nhắc tới người cha đã mất. Em kể, mỗi ngày, bố đều đưa em đi học bằng chiếc xe đạp cũ. Giờ mỗi lần đi học một mình, em đều nghĩ có bố ở bên. “Em nhớ bố lắm!”.
|
Em thích vẽ. Em vượt qua tất cả mọi khó khăn để tiếp tục tới trường nhờ ước mơ này. Ánh mắt của em sáng bừng lên mỗi khi nói về sở thích hay đưa cho chúng tôi xem những bức tranh do chính tay em vẽ. Em ước mơ được trở thành nhà thiết kế. “Em nộp hồ sơ vào trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên vì sau này hi vọng có cơ hội được học về thiết kế bằng máy vi tính".
Thầy Lê Thế Anh, cựu Bí thư đoàn Trường THPT Bắc Sơn, nơi em Hợi theo học và là người trực tiếp quan tâm, theo dõi trường hợp em Hợi cho biết: “Em Hợi là một trong những trường hợp đặc biệt nhất của trường. Em là một học sinh rất có nghị lực dù sức khỏe còn hạn chế. Có những năm em đã nhận được danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh khuyết tật vượt khó học tốt… Chúng tôi luôn mong em Hợi có thể được chắp cánh ước mơ khi trở thành sinh viên của một ngôi trường Đại học". |
Minh Khuê - Hồng Hạnh