Từng muốn tự tử vì HIV, người phụ nữ hồi sinh nhờ tiếng khóc của con
Nhận tin bị HIV do lây từ chồng cũ, chị thấy tim ngừng đập, tưởng rằng cuộc sống đã chấm dứt từ đây nhưng chính con gái và tiếng khóc nức nở đã khiến chị hồi sinh.
Tôi gặp chị trong chương trình về hỗ trợ y tế, tạo sinh kế cho phụ nữ đang sống chung với HIV. Ngoài phóng viên, tình nguyện viên còn lại đều là những người nhiễm H. Chị là một trong số đó.
Chị tên là Đ.T.H.Q, sinh năm 1986 quê ở Hưng Yên. Hiện tại, chị và con gái 14 tuổi đang thuê trọ ở Hà Nội, làm nghề giao hàng. Chị không có gì đặc biệt ngoài một đôi mắt buồn, dáng người nhỏ bé. Trò chuyện với tôi, không ít lần chị xúc động: “Cuộc đời tôi đắng cay cùng cực thế nào cũng từng trải qua, sống tiếp cuộc đời mới này là nhờ con gái”.
Chị Q. mở đầu câu chuyện “hồi sinh” của mình bằng hình ảnh một người phụ nữ đang ly thân, một mình nuôi con gái nhỏ. Chị kể, cách đây hơn 2 năm, khi đã ly thân và một mình nuôi con, chị bắt đầu có biểu hiện đau mũi, chảy máu mũi nhưng bỏ qua các triệu chứng vì nghĩ nó chỉ là bệnh đơn giản. Đến khi sức khoẻ ngày càng suy kiệt, chị gầy rộc chỉ còn “da bọc xương”, nặng chưa đầy 27kg, người nhà mới gọi xe để chị đi cấp cứu.
Thế nhưng thời điểm đó dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chỉ có một mình, xe cấp cứu đưa chị đến rất nhiều viện nhưng không có người nhà đi cùng nên không được tiếp nhận. Trải qua một ngày “thập tử nhất sinh” chị được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện 09.
“Được điều trị ở đây cũng là điều may mắn nhất với tôi cho đến tận bây giờ” - Chị tâm sự.
Tại bệnh viện, bác sĩ thông báo chị nhiễm HIV.
“Bàng hoàng, sụp đổ… là cảm xúc của tôi thời điểm đó. Tôi chưa từng nghĩ đến mình sẽ mắc căn bệnh này vì bản thân sống rất nề nếp. Tải lượng virus cho thấy tôi sắp qua giai đoạn H và tiệm cận mắc AIDS”, chị nói.
Kiến thức về HIV chưa phổ biến, chị Q. đã coi đây chính bản án tử dành cho mình. “AIDS là chết”. 27kg với cơ thể suy nhược, tinh thần hoảng loạn cùng với những lời chì tiết từ chính người thân, chị từng nghĩ rằng mình sẽ chẳng sống sót được bao lâu, muốn nhanh chấm dứt cuộc đời.
Thế nhưng đang lúc tuyệt vọng nhất, cuộc điện thoại của con gái ở quê khiến chị như bừng tỉnh. “Con gái gọi điện và khóc rất nhiều. Nghe tiếng khóc của con, tôi như hồi sinh trở lại. Tôi vẫn còn con gái, nếu tôi đi rồi ai sẽ là chỗ dựa cho con. Từ đó, tôi bình tĩnh hơn và cố gắng điều trị theo phác đồ điều trị của bác sĩ” - Chị Q. xúc động nhớ lại.
Một tuần sau, khi sức khoẻ đã cải thiện hơn, bác sĩ mang cho chị nhiều sách và tài liệu về HIV để chị có kiến thức khoa học hơn về căn bệnh này. Từ đó chị nhận ra, bị HIV vẫn có thể sống lâu, sống có ích nếu tuân thủ phương pháp điều trị và giữ gìn cho mọi người xung quanh. Không những thế, chị được điều trị HIV hoàn toàn miễn phí ở Bệnh viện 09 nên đỡ phần nào nỗi lo kinh tế, giúp chị có động lực hơn để viết lên trang mới của cuộc đời.
Vượt qua cửa tử trở về nhưng khó khăn, nỗi đau chưa dừng lại ở đó. Chồng chị Q. yêu cầu ra toà ly hôn ngay lập tức. Chị ấm ức vì nguồn lây căn bệnh từ anh nhưng không được một lời hỏi han, chia sẻ.
Chị cũng phải đối mặt với sự kỳ thị từ nhiều người xung quanh, đặc biệt là người thân của mình.
“Mẹ mắng tôi rất nhiều. Bà nghĩ tôi có lối sống không lành mạnh nên mới mắc căn bệnh này. Các chị gái cũng kỳ thị, xa xánh và coi tôi là cái gai trong mắt” - chị khóc.
Không chịu được áp lực từ gia đình, chị sống thu mình lại, ít giao tiếp với mọi người. Từ đó, chỉ có chị và con gái bao bọc nhau mà sống. Chị thuê một căn phòng trọ nhỏ, nằm sâu trong ngõ hẻm giá 1 triệu đồng. Ngày ngày, chị tiếp tục làm công việc giao hàng để trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học.
Thế nhưng căn bệnh HIV khiến sức khoẻ chị suy giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc. Chị chỉ có thể giao những kiện hàng nhỏ, vừa sức nên mức thu nhập không cao mà hàng năm vẫn phải tốn số tiền không nhỏ để truyền tăng sức đề kháng cho người bị HIV.
“Mỗi năm, người nhiễm HIV cần truyền 3 lần tăng sức đề kháng để duy trì sức khoẻ ổn định. Nhưng tôi chỉ có thể cố gắng truyền được một lần” - chị Q. tâm sự.
Thậm chí có lúc, không đủ 5 triệu để truyền, chị đã phải hỏi vay người nhà. Nhưng đáp lại là những câu nói lạnh lùng từ chính người ruột thịt: “HIV rồi thì đằng nào chả chết, số tiền đó dùng làm việc khác có ý nghĩa hơn”. Thậm chí, khi hàng xóm, láng giềng thấy chị đau ốm, gửi tiền, mì tôm thông qua mẹ và chị gái để hỗ trợ, số tiền đó cũng chưa từng được gửi tới tay chị.
Tuyệt vọng, chị nói đã từng khóc không ra nước mắt. Nhưng chính lúc cùng cực nhất chị lại nhận ra còn rất nhiều yêu thương từ những người lạ.
“Không có tiền truyền thuốc tăng đề kháng, tôi nhờ cộng đồng những người nhiễm HIV hỗ trợ. Toàn những người xa lạ mỗi người góp cho tôi một ít để cho tôi đủ chi phí một lần truyền dịch” - chị kể.
Đặc biệt là con gái, một cô bé mới 13-14 tuổi là cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng đã hiểu chuyện và rất yêu thương mẹ. Chị kể, dù còn nhỏ nhưng con gái chị đã biết đỡ đần mẹ trong việc nhà, con còn giành hết các công liên quan đến dao kéo, đồ nhọn. Nếu chẳng may chị bị đứt tay, chảy máu, con sẽ tự biết đứng cách xa để bảo vệ mình và không muốn mẹ lo lắng.
Trong mắt nhiều người có thể vẫn dành cho chị những nghi ngại nhưng với con, chị vẫn là một người mẹ trọn vẹn như bao người mẹ khác. Cũng từ đó, chị bắt đầu sống cởi mở và giao tiếp, trò chuyện nhiều hơn với mọi người xung quanh.
2 năm kể từ ngày nhận tin bị bệnh, chị Q. dường như thay đổi thành một con người mới. Hiện tại chị đã nặng 43kg, sức khoẻ bình thường, ổn định. Chị cũng như bao công dân khác đang ngày ngày lao động, xây dựng tổ ấm nhỏ cùng con gái.
Ngoài công việc hàng ngày, chị còn tham gia các hội nhóm gồm các thành viên không may bị mắc HIV. “Tôi thường xuyên trò chuyện với các bạn trẻ không may nhiễm bệnh. Vì còn trẻ nên các bạn dễ hoang mang, suy sụp và ít động lực hơn những người đã có gia đình như tôi. Tôi muốn các bạn thấy tôi của hiện tại, từ một người “thập tử nhất sinh” có thể tiếp tục sống và làm việc, vẫn có ích cho xã hội.
Tôi cũng muốn để mọi người thấy còn có rất nhiều người sẵn sàng lắng nghe làm động lực để các bạn bước qua bóng tối của HIV và tìm lại ánh dương của đời mình” - Chị Q. tâm sự.
Kết thúc cuộc trò chuyện, trong đôi mắt chị Q. là thứ ánh sáng lấp lánh dù còn bị che mờ bởi nhiều nỗi lo. Cuộc sống của chị Q. sẽ còn muôn vàn khó khăn phải đối mặt nhưng chị đang hy vọng về một tương lai sáng hơn cho những người nhiễm “Hát”.