Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu tiết lộ về cậu bé trong bức ảnh lịch sử chụp cùng Bác Hồ
Trong một chương trình mới đây, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng đã chia sẻ những kỉ niệm được gặp Bác Hồ khi ông mới 8 tuổi và bức ảnh lịch sử có mặt ông.
Trong chương trình "Yêu nước theo cách của bạn", với tư cách là khách mời, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu đã bùi ngùi xúc động khi nhìn lại những bức hình được chụp cùng với Bác Hồ. Ông chỉ vào từng gương mặt trên bức hình và nói: “Hàng thứ nhất là ông Lê Liêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh và cậu bé Hậu là tôi. Hàng thứ hai có Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái và các chiến sĩ Điện Biên lên báo công với Bác”.


Chia sẻ rõ hơn về bức ảnh này, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu kể, hôm ấy là ngày 19/5/1954, đạo diễn Liên Xô Roman Karmen sang quay phim về Việt Nam kháng chiến. Khi đó ông Hậu 8 tuổi được diện quần áo mới, quàng khăn đỏ cùng các bạn đến chúc mừng sinh nhật Bác.
Chia tay Bác, các bạn tản đi chơi nhưng riêng ông vẫn quanh quẩn ở sân trước. Đúng lúc này, có 6 chú bộ đội đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến gặp Bác.
“Tôi đang lang thang chơi ở ngoài, Bác nhìn thấy tôi rồi gọi vào, dắt tôi đi suốt quá trình phỏng vấn. Đến khi chụp bức ảnh cuối cùng thì tôi không dám vào nhưng Bác bảo: ‘Gọi thằng Hậu vào đây”, Thiếu tướng Hậu kể.
Khi học cùng với con em của các cán bộ Văn phòng Trung ương trên chiến khu Việt Bắc, ông Hậu nhớ như in những kỉ niệm được gần gũi với Bác Hồ.
Ông Hậu tâm sự: “Cha tôi là ủy viên trung ương Đảng khóa 2, tôi được sống cùng với cha. Bác Hồ thấy 2 cha con giống cảnh “gà trống nuôi con”, có lần Bác bảo cha tôi cho tôi lên ăn cơm với Bác. Chiều thứ 7 tôi thường lên nhà sàn ngồi vào lòng Bác ngắm dòng suối nương ngô xanh mướt”.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu đặc biệt ghi nhớ kỉ niệm về Bác trong một buổi đi học.
Một hôm, người bạn cùng lớp tên Tộ đánh nhau với bạn nên bị cô giáo Bắc phạt úp mặt vào tường. Đúng lúc nhìn thấy Bác đi qua, Tộ liền úp mặt tỏ ra rất khổ sở vì nghĩ kiểu gì cũng được Bác “giải cứu”.
Bác vào lớp hỏi: "Cô Bắc ơi, tại sao lại thế kia?". Sau khi nghe cô giáo nói đầu đuôi câu chuyện, Bác bảo: "Bây giờ nếu 2 bạn bắt tay xin lỗi nhau, sau đó Bác xin cô, cô có tha lỗi không?". Cô giáo đồng ý và 2 bạn ngoan ngoãn làm theo.
“Lúc đó tôi còn bé không biết nhưng lớn lên tôi mới thấy sự vĩ đại của Bác. Bác là Chủ tịch nước, người đứng đầu Đảng thế mà vẫn xin phép cô Bắc”, ông Hậu xúc động.
Có thể nói, những giây phút được gặp Bác Hồ, Ttừng ánh mắt, lời nói, cử chỉ ân cần của Bác không chỉ khắc sâu trong tâm trí, mà còn vun đắp trong lòng cậu bé Hậu năm đó một ý chí sắt đá, một tình yêu nước nồng nàn, một niềm tin vững bền vào ngày mai chiến thắng. Kỷ niệm ấy theo ông suốt những tháng năm bom đạn, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, trở thành nguồn sức mạnh không bao giờ cạn.
Ông dẫn lại câu nói của văn hào Nga Ylia Erenbua từng viết: "Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông…".
“Nhưng đi qua cuộc chiến tranh tôi mới hiểu rằng lòng yêu nước sau này không thể thiếu được sự nâng niu, ghi nhận, biết ơn lớp lớp thế hệ cha anh của chúng ta đã ngã xuống trong suốt cuộc trường chinh của dân tộc", Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nói.
Liên hệ với thời điểm hiện tại, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu bày tỏ: "Chúng ta phải cố gắng làm hết sức mình để giữ gìn được thành quả mà lớp lớp đã hy sinh trong suốt cuộc trường chinh”.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu sinh năm 1946, nguyên là Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng. Trong chiến tranh chống Mỹ ông là kỹ sư thiết kế thi công tuyến ống xăng dầu xuyên Trường Sơn. Ông là người được ghi nhận có đóng góp quan trọng cho ngành xăng dầu trong những năm chống Mỹ cứu nước.
Cuốn tiểu thuyết "Dòng sông mang lửa" (2012) của ông được giải B của Bộ Quốc phòng về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, "là bản hùng ca về những người lính xăng dầu Trường Sơn".
Hồ Sỹ Hậu là con trai của ông Hồ Viết Thắng - Nguyên Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, Nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực, Thực phẩm. Ông Hậu là người được sống cùng cha trên chiến khu Việt Bắc và được gần gũi nhiều với Bác Hồ khi thời ở chiến khu.