Trị mụn: Trong uống rồi ngoài hãy bôi
Mụn là bệnh chứng hầu như thông thường vì ai bước vào tuổi dậy thì, không nhiều thì ít đã từng trải qua. Ấy vậy lại có vài điểm nghịch lý trong căn bệnh này.
Mụn chỉ đáng sợ khi để lại vết sẹo rổ, sẹo thâm do mụn để lại trên gương mặt. Kế đến, chỉ 15% nạn nhân vướng phải dạng nặng như mụn bọc, mụn mạch lươn với khả năng sinh sẹo rất cao. Phần lớn số đối tượng này lại không được điều trị bài bản với thầy thuốc chuyên khoa. Để rồi mang vết hằn không chỉ trên da mặt mà nghiêm trọng hơn nhiều là phải sống với mặc cảm suốt đời.
Số nạn nhân còn lại, 85%, đúng lý không cần thuốc đặc hiệu vì mụn trứng cá cho dù có rải khắp gương mặt đi nữa vẫn không đủ sức gây sẹo. Điểm đáng tiếc là một số không ít vẫn lãnh sẹo một cách oan uổng vì tự mình gây tổn thương da mặt, chẳng hạn vì thói quen không rửa mặt cho sạch, lạm dụng mỹ phẩm gây kích ứng da mặt, lại thêm nặn mụn quá sớm, quá thường, quá mạnh tay.
Điểm nghịch lý nổi bật khiến mụn từ nhẹ thành nặng, từ chuyện thông thường thành nghiêm trọng, chính là quan điểm xem mụn như bệnh ngoài da. Vì thế chữa bệnh cũng theo kiểu từ ngoài vào trong với sữa rửa mặt, kem trị mụn, kem chống sẹo…
Không sai, thậm chí càng tốt nếu biết cách chăm sóc da mặt, nhưng nếu tưởng như thế đã đủ thì lầm. Sau một thời gian dài với góc nhìn hễ bệnh ngoài da thì chữa lớp da, thầy thuốc coi trọng liệu pháp toàn diện đã từ nhiều năm trở về với một số nguyên tắc cơ bản trong điều trị mụn. Đó là:
Phối hợp thuốc dùng cả trong lẫn ngoài, qua đó yểm trợ sức đề kháng của lớp da, thay vì chỉ tập trung biện pháp chống da nhờn, ngăn chất bã.
Giải độc cho cơ thể vì rõ ràng có mối liên hệ giữa độc chất tích lũy trong khung ruột, giữa lượng mật thừa trong đường dẫn mật với khuynh hướng mụn nhọt ngoài da.
Chú trọng vai trò của hệ miễn dịch vì tình trạng viêm tấy quanh ổ mụn cũng mang tính chất của hiện tượng dị ứng. Bằng chứng là trong cùng điều kiện sinh hoạt không phải ai cũng dễ nổi mụn như ai. Rõ nét hơn nữa là mụn dễ phát tán ở đối tượng có tiền căn dị ứng với thực phẩm, hóa chất, dược phẩm…
Nếu tưởng qua khỏi tuổi dậy hết khổ vì mụn thì sai. Không dưới 5% nạn nhân, ¾ trong số đó là phụ nữ, nhất là đối tượng lúc còn trẻ hay rối loạn kinh nguyệt, vẫn tiếp tục bị hành hạ thậm chí cho đến tuổi 60.
Đã vậy mụn lại dễ thâm đen do tác hại của tia tử ngoại trong ánh nắng gay gắt nếu gia chủ do chế độ dinh dưỡng đơn điệu nên thiếu tiền sinh tố A, sinh tố E cũng như các khoáng tố vi lượng cần thiết cho cấu trúc lành mạnh của làn da như kẽm, crôm, lưu huỳnh… Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa nếu gia chủ uống không đủ nước trong ngày, thường đổ mồ hôi lại thêm táo bón vì khi đó da vừa nhờn vừa mất sức đề kháng.
Đáng tiếc vì nhiều người vẫn tưởng mụn là bệnh ngoài da
Đúng là bệnh biểu lộ ở ngoài da nhưng nếu chỉ giải quyết bên ngoài với mỹ phẩm, thậm chí với thuốc thoa trị mụn, thì vẫn chỉ là chữa cháy cầm canh. Đáng tiếc hơn nữa là nhiều nạn nhân chưa được thông tin, chưa được điều trị bằng cách áp dụng dược thảo vừa giải độc cho cơ thể, vừa điều chỉnh chức năng bài tiết của tuyến bã trên da mặt, như Atisô, Nha Đam, Bồ Công Anh… Trong không uống mà ngoài chỉ thoa thì mụn nếu chịu một đi không trở lại mới là chuyện lạ.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng