Toyota Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ô tô
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp − Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ khởi động Chương trình hỗ trợ, tư vấn cải tiến doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ năm 2024 nhằm nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô.
Kể từ năm 2022, Toyota Việt Nam cùng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương đã phối hợp thực hiện thêm một hoạt động mới là hỗ trợ cải tiến hoạt động cho một số doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô nhằm cải thiện quy trình sản xuất.
Trong năm 2024, Toyota Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai hoạt động này tại 5 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần công nghệ và thương mại SIGMA VIỆT NAM, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoa An, Nhà máy Z131 và Công ty TNHH Công nghiệp Haast Việt Nam.
Điều này thể hiện nỗ lực của Toyota Việt Nam trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hỗ trợ các nhà cung cấp thuần Việt và cam kết đồng hành cùng sự phát triển của nền công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung.
Tại buổi lễ phát động, ông Keisuke Tokunaga - Giám đốc Khối Chiến lược kinh doanh, Toyota Việt Nam chia sẻ: “Toyota Việt Nam luôn nỗ lực theo định hướng của Chính phủ với mục tiêu không chỉ là hợp tác kinh doanh mà còn là hỗ trợ từng bước để các nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành ô tô trên toàn cầu.”
Cũng trong buổi lễ, Toyota Việt Nam đã tổ chức Chương trình gặp mặt cho 5 doanh nghiệp tại nhà máy của Toyota Việt Nam ở tỉnh Vĩnh Phúc. Mục đích của chương trình là trao đổi với các lãnh đạo doanh nghiệp về việc tham gia Chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Ông Dương Nguyên Thành - Giám đốc điều hành, Công ty TNHH Công nghiệp Haast Việt Nam đánh giá việc được tham gia dự án này cơ hội quý báu để các doanh nghiệp học hỏi, cải tiến các hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng chất lượng, tiến độ và chi phí trong sản xuất để cung cấp các sản phẩm chất lượng đến khách hàng và tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển bền vững cũng như mở ra cơ hội tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Đối với Toyota Việt Nam, đẩy mạnh nội địa hóa không chỉ đơn thuần là gia tăng số lượng nhà cung cấp Việt mà quan trọng hơn lànâng cao năng lực, chất lượng của nhà cung cấp, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.
Trong suốt thời gian qua, Toyota Việt Nam đã ghi nhận kết quả triển vọng bước đầu. Hiện danh sách các nhà cung cấp của Toyota đã lên tới con số 60 trong đó có 13 nhà cung cấp thuần Việt, tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt trên 1.000 sản phẩm các loại.