Dự báo cơn bão số 2 và cách phòng và chống bão
Dự báo cơn bão số 2: Cách phòng chống bão trong mùa mưa bão tháng 6...
1. Trước khi cơn bão số 2 vào Việt Nam (trước tháng 6):
Cách phòng tránh đối với nhà ở
Xây dựng các nhà ở kiên cố, thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới. Ở các cửa biển, ven biển, nơi trống trải, nếu nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibro xi măng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có bão, áp thấp nhiệt đới.
Hậu quả do bão gây ra thật khủng khiếp |
Kinh nghiệm ở một số vùng thường xuyên có bão, áp thấp nhiệt đới để bảo đảm an toàn tính mạng, người ta làm hầm trú ẩn như sau: tìm một vùng đất cao không bị ngập nước, xung quanh không có cột điện, cây cối lớn. Sau đó đào sâu khu đất xuống khoảng 0,5m, dùng bao cát chắn xung quanh dày 2-3 lớp cao khoảng 1,5m, không nên chắn cao đề phòng gió cuốn, phía trên phủ bằng vật liệu nhẹ.
Công trình xây dựng: sửa chữa những công trình xuống cấp không đảm bảo an toàn, nhất là chung cư cũ; khi xây dựng công trình mới cần tính toán đến khả năng chịu lực của công trình trước sự tác động của gió bão, áp thấp nhiệt đới.
Cây xanh: chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, mục rỗng, nằm gần nhà ở, lưới điện…; có kế hoạch trồng cây xanh hợp lý, vừa đảm bảo tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, vừa đảm bảo chống đỡ được gió bão, áp thấp nhiệt đới.
Điện, viễn thông: duy tu, sửa chữa đường dây điện, đường dây viễn thông không đảm bảo an toàn và từng bước ngầm hóa hệ thống đường dây điện, đường dây viễn thông, nhất là ở khu vực nội thành.
Phương tiện, tàu thuyền: kiểm tra số lượng tàu thuyền, kiểm tra đăng kiểm, ngư trường hoạt động của tàu thuyền. Đối với các tàu thuyền không đạt tiêu chuẩn chất lượng, sẽ không gia hạn hoạt động; đối với các tàu thuyền không trang bị đủ các phương tiện an toàn thì buộc chủ tàu thuyền phải trang bị đủ mới được gia hạn hoạt động. Mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đi biển, đào tạo thuyền trưởng hạng nhỏ cho ngư dân.
Công trình phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: kiểm tra, gia cố bờ vùng, bờ thửa, sửa chữa các đập, cống bọng, trang bị lại các nắp cống bị hư hỏng, bổ sung nắp cống còn thiếu; kiểm tra và sửa chữa các máy bơm, trạm bơm tiêu, nạo vét kênh mương… nhằm bảo vệ sản xuất, bảo vệ ao hồ nuôi trồng thủy sản.
Cách phòng tránh cơn bão số 2: Đối với công trình giao thông
- Kiểm tra hệ thống thoát nước, nạo vét các hố ga, cống rãnh bị bồi lắng, lắp đặt mới hệ thống cống… nhằm đảm bảo cho việc tiêu thoát nước trong mùa mưa bão;
- Kiểm tra, nâng cấp, sửa chữa các cây cầu yếu, không đảm bảo an toàn;
- Kiểm tra hoạt động của các bến đò ngang, đò dọc, nhất là việc trang bị các thiết bị an toàn và tải trọng cho phép của các đò…
2. Ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới
Đang ở trong nhà không kiên cố: Nên chủ động sơ tán đến các nhà kiên cố, các công trình công cộng kiên cố như trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… để trú ẩn; tuyệt đối không ở lại trên các chòi canh, lồng bè nuôi trồng hải sản;
Nếu có đào hầm trú ẩn thì phải nhanh chóng sơ tán xuống hầm.
Đang đi trên đường: nhanh chóng chọn một nơi an toàn như trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… để trú ẩn; tránh núp dưới bóng cây, nhà tạm bợ, những nơi có nhiều bảng hiệu quảng cáo… dễ gây tai nạn.
Đang ở trên tàu thuyền
Thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới thì tùy thuộc vào vị trí của tàu thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.
Tàu thuyền đang ở xa bờ biển: Cần điều khiển tàu thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi đến.
P.V (tổng hợp)