Thanh Hóa rút ngắn kỳ họp HĐND tỉnh để tập trung chống bão số 3
Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định rút ngắn thời gian kỳ họp thường lệ giữa năm từ 2 ngày xuống còn 1 ngày nhằm đảm bảo công tác phòng, chống bão số 3
Điều chỉnh lịch họp, phát công điện khẩn
Trước nguy cơ bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào địa phương, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định rút ngắn thời gian thường lệ giữa năm từ 2 ngày xuống còn 1 ngày nhằm đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai.
Theo thông báo, dự kiến kỳ họp sẽ diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/7/2025, tại Trung tâm hội nghị phường Hạc Thành. Đây là kỳ họp thường lệ giữa năm có ý nghĩa quan trọng, nhằm quyết nghị nhiều nội dung và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sự phát triển của tỉnh trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Trưa 20/7, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã phát đi công yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị khẩn trương vào cuộc, tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống bão số 3 với tinh thần chủ động, quyết liệt, không để bị động, bất ngờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, bảo đảm an toàn cho Nhân dân và duy trì ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội trong và sau bão.
Các địa phương chủ động phòng chống bão
Tại xã Hoằng Tiến, chính quyền địa phương đã chuẩn bị các phương án phòng chống bão số 3. Mặc dù chính quyền xã mới đi vào hoạt động với nhiều công việc cấp bách nhưng ưu tiên phòng chống bão là nhiệm vụ được đặt lên trên hết và trước hết. Sau sáp nhập, xã có chiều dài bờ biển gần 7km với 27 thôn, 7.120 hộ dân, dân số khoảng 29.600 người. Tổng số phương tiện khai thác thủy sản trên địa bàn là 602 chiếc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hoằng Tiến cho biết, từ chiều 19/7, để chủ động ứng phó với bão số 3, xã Hoằng Tiến đã triển khai các nội dung theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Thành lập các tổ đội xung kích phòng, chống thiên tai ở từng thôn; bố trí cán bộ trực 24/24, sẵn sàng xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra.
Xã đã rà soát toàn bộ thiết bị cứu hộ cứu nạn, tàu xuồng, xe máy chuyên dụng, máy phát điện, máy bơm; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhu yếu phẩm dự phòng.Dự trữ lương thực, nước sạch, thuốc men, đảm bảo phục vụ người dân trong trường hợp bị chia cắt, cô lập.Tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống đê biển, cống tiêu, đặc biệt là cống Phúc Ngư và tuyến đê Đông sông Cung. Rà soát, lập danh sách các hộ dân trong khu vực nguy hiểm, chuẩn bị sơ tán khi có lệnh. Duy trì tuyên truyền liên tục trên hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội để người dân chủ động phòng tránh.

Trong ngày 20/7, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường lực lượng, duy trì nghiêm túc chế độ trực ban, sẵn sàng tham gia giải quyết, xử lý các tình huống phức tạp do mưa bão gây ra. Riêng Công an các xã, phường ven biển đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các cấp, các ngành và lực lượng Biên phòng đến từng hộ dân, nhất là các hộ ngư dân sống trên tầu thuyền để tuyên truyền, vận động người dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Sáng 20/7, tại khu neo đậu tầu thuyền thuộc địa phận xã Vạn Lộc, 440 tầu thuyền của xã đã được kêu gọi neo đậu an toàn. Công an xã Vạn Lộc đã trực tiếp đến từng tàu thuyền để tuyên truyền, nhắc nhở người dân không ở trên tàu thuyền khi bão vào. Đồng thời, tiến hành kiểm tra các bến đò, bến phà chở khách qua sông, cảnh báo những khu vực nguy hiểm không cho người dân và phương tiện tham gia giao thông đường thủy qua lại.
Theo báo cáo của UBND xã Vạn Lộc, đến thời điểm này đã có thêm 197 tầu cá của ngư dân các địa phương khác đã được neo đậu an toàn tại khu vực Hậu Lộc. Chính quyền địa phương đã lên phương án sơ tán hơn 500 hộ với gần 2.000 người sống tại các nơi trũng thấp, các khu vực có nguy cơ sạt lở... về nơi tránh trú an toàn.

Tại khu vực cảng cá Hòa Lộc, Công an xã Hoa Lộc đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương hướng dẫn, sắp xếp neo đậu an toàn các thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh, huy động lực lượng chằng chống nhà cửa, kho tàng, bảo đảm an toàn tài sản cho Nhân dân trên địa bàn xã.
Thanh Hóa sẽ chịu tác động mạnh từ bão số 3
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tỉnh Thanh Hoá sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Theo đó, từ ngày 21/7 vùng biển Thanh Hóa sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8; sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động mạnh, sóng biển cao 2.0 - 4.0m.

Từ tối và đêm 21/7, trên đất liền Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 7-9, giật cấp 10-11; sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14.
Từ ngày 21/7 đến ngày 23/7, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm; riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150mm/3h).
Trước đó, vào chiều tối 19/7, giông lốc đã khiến nhiều ngôi nhà, phương tiện giao thông của người dân tại Thanh Hóa bị ảnh hưởng. Tại khu vực đại lộ Lê Lợi, phường Hạc Thành, một mái tôn cỡ lớn đã đổ sập xuống đường, đè lên 2 chiếc xe ô tô con đang di chuyển.