Sai lầm khi đánh giá bệnh qua độ đậm nhạt trên que test nhanh COVID-19
Nhiều người cho rằng độ đậm nhạt của màu sắc trên que test nhanh COVID-19 tại nhà được xem là một trong những căn cứ để nhận biết bệnh nặng hay nhẹ. Điều này có đúng không?
Vạch T mờ là mắc COVID-19 mức độ nhẹ?
Số ca nhiễm COVID-19 cả nước những ngày qua tăng “chóng mặt” với hơn hàng trăm ngàn ca mỗi ngày. Do đó, nhu cầu test nhanh Covid-19 tại nhà cũng vì thế tăng cao.
Anh Nguyễn Văn Hưng (Hà Nội) sau khi tiếp xúc với F0 có triệu chứng ho, đau họng. Nghi ngờ mình mắc COVID-19, anh tự xét nghiệm nhanh, kết quả hiển thị 2 vạch, trong đó vạch T hiển thị mờ.
"Vạch T mờ có phải là mình mới mắc Covid-19, tải lượng virus ở mức độ thấp nên bệnh nhẹ?", anh Hưng băn khoăn.
Mẫu xét nghiệm nhanh hiển thị vạch T mờ của anh Hưng
Cũng giống như anh Hưng, chị Hoài Anh (Hà Nội) cho rằng vạch T mờ là mình bị bệnh nhẹ. Chị nhiễm COVID-19 từ ngày 21/2, sau đó cứ 3 ngày chị test lại 1 lần để xem mình đã khỏi bệnh hay chưa.
"Sau 3 ngày mắc COVID, tôi test xem vạch T đã mờ dần hay chưa, tôi nghĩ rằng nếu mờ tức là tôi sắp khỏi bệnh", chị Hoài Anh cho hay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xét nghiệm nhanh COVID-19 cho hiển thị vạch T mờ hay đậm không quan trọng, không nên dựa vào test nhanh để phán đoán diễn biến của bệnh.
Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, trên xét nghiệm nhanh có hai vạch là vạch C và vạch T. C là chữ viết tắt của Control, có nghĩa là vạch test chuẩn của nhà sản xuất. Nếu vạch C không hiện tức là kit xét nghiệm bị lỗi, không sử dụng được, kết quả sai. Còn vạch T là từ viết tắt của Test, hiển thị khi có ghi nhận virus COVID-19.
Độ đậm nhạt của vạch kit test nhanh không nói lên bệnh nặng hay nhẹ
Bà Hoàng Thị Vân Anh - Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 cho biết, việc test nhanh cho kết quả vạch mờ hay đậm phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có độ nhạy của kit xét nghiệm.
"Nhiều kit xét nghiệm có độ nhạy rất cao, dù tải lượng virus thấp nhưng cho lên vạch rất rõ. Cùng với mẫu dịch đó, với loại kit xét nghiệm khác sẽ cho vạch mờ hơn. Thêm vào đó, việc lấy mẫu test có đúng kỹ thuật hay không cũng quyết định đến kết quả test nhanh", bà Vân Anh thông tin.
Trong khi đó, theo một bác sĩ chuyên khoa y sinh học và dịch tễ, Học viện Quân y 103, nguyên tắc của xét nghiệm nhanh COVID-19 là xét nghiệm kháng nguyên tìm kháng thể.
Trên bề mặt của kit xét nghiệm nhanh là kháng thể, còn dịch tị hầu là kháng nguyên. Khi kháng nguyên nhận diện được kháng thể sẽ có chất để hiển thị màu. Đối với trường hợp nhiễm COVID-19 sẽ cho hiển thị 2 vạch - tức kết quả dương tính.
"Tuy nhiên, việc xét nghiệm nhanh COVID-19 cho hiển thị vạch T mờ hay đậm không thể hiện mức độ nhiễm bệnh. Xét nghiệm nhanh chỉ xác định có nhiễm bệnh hay không", vị bác sĩ này nói và lưu ý xét nghiệm nhanh hiển thị vạch T mờ có thể là dương tính giả.
Đọc kết quả test nhanh ở phút thứ 15 sau khi cho mẫu chiết vào ô nhận mẫu (Ảnh minh họa)
Còn một bác sĩ chuyên khoa xét nghiệm vi sinh tại một bệnh viện TP.HCM cho biết, độ đậm nhạt tại vạch T không liên quan đến nồng độ virus trong cơ thể ít hay nhiều và càng không thể hiện được tiên lượng bệnh nặng hay nhẹ.
Theo đó, kit xét nghiệm hiển thị cả 2 vạch tại chữ C và T có ý nghĩa dương tính với COVID-19. Mỗi kit xét nghiệm đều có gắn chất khử, khi chất khử gặp mẫu bệnh phẩm chứa virus thì sẽ bị oxy hóa và hiển thị màu. Tùy theo mức độ phản ứng oxy hóa mạnh, nhẹ và điều kiện môi trường... sẽ ảnh hưởng đến độ đậm nhạt tại vạch T.
Tương tự, bác sĩ Dư Tuấn Quy - quyền trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho hay, dù kit xét nghiệm hiển thị hai vạch đậm hay nhạt đều thể hiện dương tính với COVID-19, nhưng lại không nói lên được nồng độ virus ít hay nhiều. Để biết được nồng độ virus thì phải làm xét nghiệm RT-PCR.
Lưu ý thời gian đọc kết quả test nhanh Covid-19
Bác sĩ chuyên khoa y sinh học và dịch tễ, Học viện Quân y 103 khuyến cáo, khi xét nghiệm nhanh, kết quả hiển thị trên xét nghiệm chỉ có giá trị trong 15 - 30 phút. Nhiều người sau khi test để đến 5 - 6 tiếng đồng hồ sau đó lên vạch T mờ, kết quả này là không chính xác.
"Nhiều người test nhanh tại nhà chưa đúng kỹ thuật, chưa lấy đủ dịch hoặc lấy sai cách khiến kết quả sai lệch. Người bệnh cần theo dõi sức khỏe, có triệu chứng của COVID-19 hay không.
Sau đó, nếu nghi ngờ nhiễm bệnh có thể xét nghiệm lại bằng 2 loại xét nghiệm khác nhau để khẳng định kết quả chính xác. Do xét nghiệm nhanh có độ nhạy nhất định, vì vậy khó tránh việc có thể dương tính giả", bác sĩ Học viện Quân y 103 chia sẻ thêm.
-->> Vì sao sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 không nên có bầu sau 3 tháng?