Rác thải nhựa: Tiện một chút nhưng trả giá nghìn năm
Việc lạm dụng quá mức các sản phẩm từ nhựa, nilon,… sẽ gây ra một loạt chất thải nhựa tràn lan trong môi trường gây nên “ô nhiễm trắng”, thậm chí phải trả giá nghìn năm.
Qua từng năm, những hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày một nhiều hơn, từ những cơn siêu bão, các sông băng dần tan chảy ở hai đầu cực, các đợt nắng nóng kỷ lục và sự xói mòn các vùng đất ven biển và nhiều thảm họa thiên nhiên khác. Chúng ta thường đổ lỗi chung chung cho biến đổi khí hậu đã gây nên điều này thiếu đi cái nhìn rộng hơn về sự tác động của ô nhiễm môi trường xung quanh, một trong số đó có ô nhiễm rác thải nhựa.
Không hề nói quá khi cho rằng, rác thải nhựa là một phần “mắt xích” tạo nên sự ô nhiễm môi trường, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên điều này ít được nhắc đến hoặc bị xem nhẹ.
Rác thải nhựa gây ô nhiễm trầm trọng môi trường (Ảnh minh họa)
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Giải pháp phân loại trác thải nhựa tại gia đình” do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu quốc hội khoá XIII, Viện trưởng viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cảnh báo, một trong những vấn nạn nhức nhối về môi trường, mà con người cần phải giải quyết chính là lượng rác thải khổng lồ được thải ra đại dương mỗi năm, trong đó có tới hàng triệu tấn là rác thải nhựa.
Theo đó, mỗi năm, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường - nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu - và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việt Nam hiện đang đứng thứ 17 trong 109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hàng năm.
Sau khi đem lại tiện ích trong ít phút, những chiếc túi nilon, cốc nhựa, ống hút... sẽ bị vứt bỏ ra môi trường và phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy.
Tính trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon.
Túi nilon hiện diện khắp nơi trong đời sống xã hội, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng. Trung bình mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% số chúng đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần và đích đến cuối cùng phổ biến của chúng, không phải các cơ sở tái chế hay xử lý, mà là biển và đại dương, “góp phần” đáng kể vào hơn 8 triệu tấn nhựa mà dân cư toàn thế giới đổ ra đại dương mỗi năm.
Tuy nhiên trên thực tế, việc tránh sử dụng đồ nhựa một lần là khá khó khăn với người dân. Hiện các loại vật liệu thân thiện môi trường thường có giá thành khá cao trong khi đó đồ nhựa dùng một lần lại có giá siêu rẻ.
“Các sản phầm từ nhựa đang trở thành thói quen được rất nhiều hộ gia đình sử dụng vì có đặc tính là bền, tiện dụng và rất rẻ,… nhưng ít ai biết rằng rác thải nhựa độc hại, ô nhiễm như thế nào”, PGS. TS Bùi Thị An nói.
Phân loại, tái chế sản phẩm từ nhựa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa)
Chính vì vậy, để giảm thiểu việc đồ nhựa dùng một lần, các chuyên gia cho rằng cần sự phối hợp từ nhiều phía, từ cơ quan chức năng cho tới người tiêu dùng.
Theo đó, người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc chọn lựa sử dụng các loại đồ dùng nhựa dùng một lần vì có thể dùng nhầm loại không thích hợp, tái sử dụng lại dùng một lần, hoặc dùng loại chứa các dẫn chất gây độc hại. Tốt nhất người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường như thay thế chai nhựa bằng chai thủy tinh, ống hút nhựa bằng ống hút tre, túi nhựa bằng túi giấy…
Về phía cơ quan quản lý, vị chuyên gia này cho rằng nên có phương án tăng thuế cho sản phẩm túi nilon, hộp nhựa dùng một lần. Giá cao thì người dùng sẽ phải tính toán hơn.
-->> Phân loại rác thải nhựa tại nhà: Ý thức đặt ở đôi bàn tay