Quảng cáo Bia Đại Việt lạm dụng hình ảnh dân tộc?
Trong khi cả nước đang kêu gọi hạn chế bia rượu để đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao năng suất lao động đang vào loại bết bát nhất Đông Nam Á thì sản phẩm bia Đại Việt và Đài Truyền hình Quốc gia vẫn ra rả quảng cáo “Bia Đại Việt – Khí phách Việt”.
Uống bia mới thể hiện khí phách?
Theo một chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian: “Khí phách Việt” là một phạm trù thiêng liêng của dân tộc. Và những điều thiêng liêng này phải nằm trong những thi phẩm bất hủ trải qua bao biến cố thăng trầm cùng lịch sử dân tộc. Đó là lời thơ “Nam quốc Sơn Hà Nam đế cư”, là “Hịch tướng sĩ”, là hào khí Đông A, là “Lá cờ thêu 6 chữ vàng”, là Hội nghị Diên Hồng… Đó là màu đỏ thắm trên lá cờ Tổ quốc. Tôi không muốn nâng tầm quan điểm nhưng uống bia thì khí phách Việt cái nỗi gì”, chuyên gia này nhấn mạnh quan điểm.
Bia Đại Việt lạm dụng hình ảnh dân tộc được quảng cáo trên kênh truyền hình quốc gia
Màn quảng cáo “quá đà” của bia Đại Việt không chỉ khiến các nhà văn hóa, chuyên gia kinh tế mà nhiều người tiêu dùng cũng không thể lý giải được, vì sao Bia Đại Việt lại có thể đai diện cho “khí phách Việt”? Mà “tuyên bố” này lại được đài truyền hình quốc gia chấp nhận, công khai phát sóng mấy tháng nay?
Bia Đại Việt là sản phẩm của Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Long Hưng, có địa chỉ tại tầng 8, tòa nhà Lotus, số 2D phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Đoạn video quảng cáo bia Đại Việt dài 30 giây được phát thường xuyên trên các kênh của Truyền hình Việt Nam (VTV). Theo GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, đoạn quảng cáo đã lạm dụng hình ảnh dân tộc.
Vị GS này phân tích, bia Đại Việt là sản phẩm thương mại của một doanh nghiệp Việt Nam. Sản phẩm này không đại diện cho người Việt, không mang bản sắc riêng nào đó cho văn hóa và con người Việt Nam, vì thế hình ảnh bia Đại Việt đặt đối xứng với khí phách Việt là không phù hợp. Bia Đại Việt không thể đại diện cho khí phách Việt.
Theo GS Sơn, thể hiện cho phí phách Việt Nam thì phải là một sản phẩm văn hóa đại diện cho người Việt có tính phổ biến hoặc đặc trưng cao. “Sản phẩm ấy phải đại diện cho người Việt, được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, đánh giá, lựa chọn. Doanh nghiệp không thể tự giới thiệu, lựa chọn sản phẩm của mình để đại diện cho hình ảnh dân tộc, đất nước”, GS Sơn nói.
Ông cũng cho biết, để đại diện cho tính cách dân tộc thì sản phẩm ấy khi ra thế giới người ta phải nhận biết được. “Khi nói đến Việt Nam thì nước ngoài họ biết đến sản phẩm ấy và khi thấy sản phẩm ấy, người ta liên tưởng đến Việt Nam. Bia Đại Việt chưa làm được điều đó”.
Dưới góc nhìn văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ, mới nghe qua câu “Bia Đại Việt - khí phách Việt” đã thấy phản cảm. Ông cho biết, quảng cáo đã lạm dụng ngôn từ, hình thức quảng cáo và nội dung không ăn nhập vào nhau.
Nhà nghiên cứu văn hóa đặt vấn đề, có nhiều cách để quảng cáo, tại sao bia Đại Việt lại lựa chọn cách quảng cáo “khập khiễng” như vậy? “Rõ ràng là có biểu hiện của việc lạm dụng hình ảnh dân tộc, đất nước”, nhà nghiên cứu văn hóa nói.
Không nên tự hào việc uống bia rượu
Ông Vĩ phân tích, bia Đại Việt hay người uống bia Đại Việt không thể hiện được phong cách Việt, khí phách Việt như hàm ý của đoạn quảng cáo. Hơn nữa, uống rượu bia không phải là điều đáng mang ra để khoe trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ bia rượu hàng đầu thế giới. “Nhà nước đang khuyến khích người dân hạn chế rượu bia. Uống bia thì không có gì đáng để tự hào, là thể hiện khí phách dân tộc cả”, vẫn lời nhà nghiên cứu văn hóa.
Theo ông Vĩ, việc lạm dụng rượu bia đang là vấn nạn dân tộc. Hơn 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Theo thống kê, hiện nay mỗi năm Việt Nam xuất khẩu gạo được khoảng hơn 2 tỷ USD thì chi phí cho việc uống rượu bia cũng hơn 2 tỷ USD. “So sánh một cách dễ hiểu, tiền nông dân cấy cày làm ruộng bán đi chỉ đủ uống rượu bia. Vậy thì đâu đáng tự hào việc uống bia rượu, đâu thể hiện được tính cách Việt, khí phách Việt qua việc uống bia?”, ông Vĩ đặt vấn đề.
Nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, ở nhiều vùng quê, nạn rượu bia trở thành nguyên nhân gây bất ổn xã hội, tai nạn giao thông, bạo lực gia đình; là hậu quả của đói nghèo và lạc hậu. Rượu bia khiến suy kiệt giống nòi. “Bởi vậy, về mặt văn hóa, cách quảng cáo của bia Đại Việt là không ổn, phi văn hóa”, nhà nghiên cứu văn hóa nhấn mạnh.
Luật sư Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty Luật Bảo An (Hà Nội) cho biết, pháp luật hiện hành về quảng cáo không cấm việc sử dụng hình ảnh dân tộc, đất nước trong các hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, cấm việc quảng cáo thiếu thẩm mỹ, văn hóa, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa; đồng thời cấm quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca…
Bia rượu làm giảm năng suất lao động, sức khỏe
Theo Luật sư Vinh, Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) giúp Bộ trưởng xem xét và đưa ra kết luận về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo đối với quy định của pháp luật. Như vậy, nếu bia Đại Việt vi phạm Luật Quảng cáo thì Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Luật sư Vinh cho biết, ở đoạn giữa quảng cáo, nói bia Đại Việt được sản xuất theo công nghệ nước Đức, nhưng đoạn cuối lại cho rằng “Bia Đại Việt - Khí phách Việt”. Căn cứ Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo: Nghiêm cấm quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…
“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên có quy định chặt chẽ hơn về quảng cáo liên quan đến lạm dụng hình ảnh dân tộc, đất nước. Không thể để doanh nghiệp tùy tiện mang hình ảnh quốc gia, hình ảnh non sông đất nước ra quảng bá cho thương hiệu”, GS Sơn đề nghị. Ông cũng cho biết, việc quảng cáo của bia Đại Việt sẽ thành tiền lệ xấu nếu cơ quan chức năng không có cách xử lí kịp thời” - GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại
P.V (tổng hợp)