PGS Văn Như Cương: "Tích hợp môn Lịch Sử có phần hợp lý"
Trái ngược với quan điểm của nhiều chuyên gia – nhà giáo lịch sử, PGS Văn Như Cương lại cho rằng việc Tích hợp môn lịch sử trong dự thảo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) có phần hợp lý.
"Nhận xét môn lịch sử bị bỏ rơi là thiếu công bằng"
Trao đổi với Báo Gia đình Việt Nam, PGS Văn Như Cương cho rằng: “Trước hết cần nói cho rõ là dự thảo tổng thể về bộ môn lịch sử do Bộ GD&ĐT vừa đưa ra ở bậc PTTH được học sinh xem trọng hay xem nhẹ thì phải căn cứ vào việc phân bổ chương trình môn lịch sử. Tuy nhiên nhiều người đã bỏ qua mất một điều quan trọng mà chỉ xoáy vào việc môn lịch sử sẽ được tích hợp vào nhiều môn khác và xem như là nó đã bị bỏ rơi. Họ không thấy được bản chất về một vấn đề rất quan trọng: ở môn học của PTTH có sự phân hóa tức là có định hướng nghề nghiệp. Ít nhất bậc PTTH hiện nay như tôi biết trong dự thảo có hai hướng để lựa chọn: Hướng thứ nhất đi theo khối Khoa học Tự nhiên Kỹ thuật (KHTNKT) và hướng thứ hai đi theo khối Khoa học Xã hội Nhân văn (Khối KHXHNV). Nếu theo khối KHXHNV thì môn sử phải là môn độc lập, không có tích hợp và nhiều tiết hơn so với môn sử trước kia. Chiếu theo điều này thì dự thảo mới không hề bỏ rơi hay xem nhẹ môn lịch sử.
“Nhưng với những người theo khối KHTNKT thì môn sử phải được học nhẹ nhàng hơn, thấp hơn so với những người theo khối kia và nó sẽ được ghép vào những môn khác như Giáo dục công dân (GDCD) thì cũng được cho là một giải pháp hợp lý”.
Thầy giáo Văn Như Cương nêu quan điểm: “Giống như môn Hóa, môn Sinh hay môn Lý, với những người theo khối KHTNKT thì đây là những môn độc lập, nhưng với những người theo khối KHXHNV thì cả ba môn này đều được tích hợp trong một môn gọi chung là Tự nhiên và chương trình học sẽ nhẹ hơn”.
“Tôi thấy hiện nay những bài bình luận của các chuyên gia sử học về dự thảo mới đều bỏ qua ý này, chỉ thấy phán xét môn lịch sử bị bỏ rơi mà quên mất rằng vẫn còn một môn lịch sử độc lập được lựa chọn để dành cho những người theo học khối KHXHNV. Đây là những người thực sự yêu thích và cần thiết phải nghiên cứu, tìm hiểu sâu về môn lịch sử”, PGS Văn Như Cương nói.
Theo PGS Văn Như Cương, phản đối mà chưa phản ánh được hết tổng thể nội dụng là thiếu công bằng đối với Bộ GD&ĐT. “Bây giờ, môn Lý, môn Hóa hay môn Sử, môn Địa, môn nào cũng quan trọng nhưng không thể bắt học sinh học hết tất cả các chương trình giống hệt nhau ngoài ba môn bắt buộc khác là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Chúng ta không xem nhẹ những môn ấy nhưng phải linh hoạt để định lượng kiến thức với học sinh sao cho phù hợp. Việc phân hóa các môn thành độc lập và tích hợp hoàn toàn có lý và phù hợp”.
"Việt Nam chưa có ai đủ khả năng viết sách tích hợp"
Điều dư luận băn khoăn lâu nay chính là khái niệm: Thế nào là Tích hợp? Phương pháp này là thí điểm hay sẽ được dùng đại trà?
Nói về vấn đề này, PGS Văn Như Cương cho rằng, trước đây chúng ta chưa bao giờ dùng phương pháp tích hợp, điều này sẽ gây nên nhiều khó khăn: Những người viết sách giáo khoa chưa ai có kinh nghiệm gì về viết tích hợp. Những người dạy dỗ cũng chưa có kinh nghiệm gì để dạy môn tích hợp. Vậy môn tích hợp phải được hiểu thế nào, nếu chỉ là một phép cộng, có tính chất cộng lại 3 môn riêng lẻ. Ví dụ nếu tích hợp 3 môn Lý - Sử - Sinh mà phương pháp chỉ là đến giờ nào dạy môn đấy thì vô nghĩa, đặt tên cho nó là Tích hợp vô nghĩa cũng không sai.
“Theo tôi tích hợp đúng nghĩa phải là có một cái gì đó khoa học, kết nối tất cả các bộ môn với nhau, khác với những phép cộng thông thường. Vì vậy, thay đổi bằng cách tiếp cận phương pháp Tích hợp là cả một vấn đề đối với nền giáo dục Việt Nam, mà cụ thể là ở những người đưa ra phương pháp, các nhà quản lý, thực hiện”, thầy giáo Văn Như Cương nhấn mạnh.
“Nền giáo dục Việt Nam chưa từng đào tạo một đội ngũ giáo viên nào để dạy bộ môn tích hợp mà chỉ đào tạo những môn độc lập. Vì thế, người được đào tạo về môn Lý thì khó mà dạy hiệu quả môn Hóa được. Hoặc người được đào tạo về môn Ngữ Văn rất khó để dạy môn Sử. Ngay cả bộ môn GDCD cũng không được tích hợp với môn Sử vì người ta không được đào tạo để dạy cả hai môn. Hơn nữa tích hợp như thế thì không thể đánh giá đầy đủ vai trò của giáo viên, dạy chính môn nào, dạy phụ môn nào và chuyên môn là gì? Vai trò của GV trong môn dạy tích hợp rất mơ hồ”.
Bày tỏ quan ngại trước những cải cách, PGS Văn Như Cương nhấn mạnh: “Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu kỹ vấn đề này. Không phải thấy người ta làm thì mình làm. Dù môn Sử có ở trong hay ngoài tích hợp, lượng kiến thức có thể ít hơn một chút, số tiết có thể giảm đi một chút nhưng nó vẫn được gọi là môn Sử, thì đã sao? Việc chúng ta gán cho nó dưới danh nghĩa là Tích hợp mà chưa có sẵn những tiền đề để thực hiện vô tình biến sự việc trở nên quá ôm đồm, to tát, đáng sợ”.
PGS Văn Như Cương
“Trong dự thảo này, không có chuyện Bộ GD&ĐT bỏ rơi môn Sử. Chúng ta phải hiểu là mỗi học sinh ở PTTH đều phải học Sử, chỉ có điều học nặng hay học nhẹ. Về mặt tích hợp nếu cần thì phải thí điểm, bởi chúng ta chưa có đội ngũ GV viết sách tích hợp, dạy phương pháp tích hợp chưa có thì việc áp dụng là rất khó. Nếu không thành công thì lại rất lãng phí công sức, thời gian, tiền bạc”, ông cho biết”.
Trả lời câu hỏi: Ai sẽ là người viết những cuốn sách tích hợp? PGS Văn Như Cương khẳng định, hiện tại Việt Nam chưa có ai đủ trình độ và kinh nghiệm để làm điều này. “Đây cũng là lần đầu tiên ngành giáo dục đưa ra vấn đề tích hợp. Cho nên nếu được mời, không phải ai cũng dám gật đầu nhận lời. Ví dụ như bản thân tôi, nếu viết về Lý thì được nhưng viết về Hóa là rất khó, vì tôi không được đào tạo chuyên sâu hay có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn Hóa”.
Liệu phương pháp tích hợp có thành công và thay đổi cái nhìn của học sinh đối với bộ môn này?
“Nhận định về những phản ứng gay gắt của các chuyên gia lịch sử, PGS bày tỏ sự đồng cảm. Bởi ông cho rằng môn Sử lâu nay vẫn không được coi trọng trong khi các nhà quản lý thì lại loay hoay. “Đừng đổ lỗi rằng học sinh không thích môn lịch sử. Như tôi biết, ở cấp hai, học sinh trường tôi rất thích học lịch sử. Nhưng lên đến cấp ba, khi bắt đầu có sự định hướng nghề nghiệp từ bố mẹ, gia đình, các em bắt buộc phải lựa chọn một môn học khác để theo đuổi với mục đích thi vào các trường như tài chính, kinh tế, ngoại thương ... Thực tế cho thấy, ngành sử càng ngày càng được ít người lựa chọn vì khi tốt nghiệp ngành này, cơ hội tìm việc làm rất khó, lương thấp”.
Theo Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, "Lịch Sử lẽ ra phải là bộ môn hấp dẫn nhất, vì đó là chuyện ngày xưa, giống như chuyện cổ tích. Nếu được kể một cách sinh động thì học sinh chỉ có .... há miệng ra mà nghe. Nhưng cách viết của các nhà soạn sách giáo khoa ở Việt Nam hiện nay qúa cứng nhắc, khô khan. Việc chú trọng đến các con số đã vô tình số hóa lịch sử. Ngoài ra, ở mỗi trận chiến, từ nguyên nhân, diễn biến đến kết quả đều na ná giống nhau vô tình gây nên sự nhàm chán. Chỉ lấy một ví dụ đơn giản về Chiến thắng Điện Biên Phủ, tại sao ngành giáo dục không tái hiện trận đánh oanh liệt này bằng một mô hình thu nhỏ. Qua đó giúp học sinh có thể có những hình dung cụ thể và thú vị thay vì học thuộc lòng một cách máy móc không cần thiết”.
Đào Bích