Phát hiện thằn lằn mọc 6 đuôi đầu tiên trên thế giới
Nhà nghiên cứu Nicolas Pelegrin tại Đại học Quốc gia Córdoba ở Argentina, người phát hiện con thằn lằn, cho biết đây là trường hợp đuôi phân 6 nhánh đầu tiên được ghi nhận trên thế giới.
Đó là trường hợp của một con thằn lằn ở Argentina đã lập kỷ lục tái sinh khi mọc lại 6 chiếc đuôi sau khi bị thương. Vnexpress dẫn lời theo New Science cho biết, nhiều con thằn lằn có thể mọc lại đuôi sau khi bị thương hoặc rụng đuôi như một cách phòng vệ nhằm thoát khỏi thú săn mồi.
Trước mối đe dọa, những chiếc đuôi có thể tự rụng ở một khấc đặc biệt trên xương sống. Máu sẽ nhanh chóng ngừng chảy, phần đuôi cụt liền lại và quá trình mọc đuôi mới bắt đầu.Trong một số trường hợp, chiếc đuôi bị gãy nhưng không đứt hẳn, dẫn đến phần đuôi mới có hai hoặc ba đầu.
Con thằn lằn có 6 đuôi ở Argentina. (Ảnh: New Science)
Nhà nghiên cứu Nicolas Pelegrin tại Đại học Quốc gia Cordoba ở Argentina, người phát hiện con thằn lằn, cho biết đây là trường hợp đuôi phân 6 nhánh đầu tiên được ghi nhận trên thế giới.
Con thằn lằn màu đen và trắng thuộc loài Salvator merianae được nhân viên môi trường mang đến chỗ Pelegrin do những vết thương. "Tôi rất ngạc nhiên khi trông thấy nó. Đây là lần đầu tiên tôi gặp một con thằn lằn có nhiều hơn ba đuôi", Pelegrin nói.
Con thằn lằn có một vết thương nặng ở dọc đuôi. Vết thương có thể do một vật sắc gây ra và không đủ sâu để làm đứt đuôi, nhưng vẫn thúc đẩy quá trình mọc đuôi mới ở một số điểm trên cột sống của con vật. Theo Pelegrin, tuy những chiếc đuôi mới mang đến lợi ích rõ ràng trong một vụ tấn công, chúng có thể cản trở việc chuyển động, phát tín hiệu cho bạn tình và sinh sản của con thằn lằn.
Trước đó, ngày 29/10, báo Đất việt đưa tin một nhóm ngư dân Trung Quốc ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc đã bắt được một con cá trắm đen khổng lồ ở hồ Vạn Đảo (Qiandao), một thắng cảnh nổi tiếng ở vùng này. Được biết con cá trắm đen này có kích thước khổng lồ dài tới 1,75m và nặng 90kg, kích thước này tương đương với một người đàn ông trưởng thành.
Theo báo này đưa tin, một chuyên gia giấu tên về cá ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tỉnh Chiết Giang cho biết, việc bắt được một con cá nước ngọt khủng như vậy ở hồ Vạn Đảo thực sự là rất hiếm, bởi cá trắm đen thường sống ở tầng giữa và tầng đáy nước.
Theo đó, hãng truyền thông địa phương Qianjiang Evening News, con cá này đã được chuyển tới một trại giống ở Qiandao. Nhiều người cho rằng nó có thể được bán với giá cao kỷ lục, hoặc trở thành một mẫu vật đặt trong bảo tàng, hay sẽ được thả lại vào hồ. Tuy vậy, con cá chết vài giờ sau đó mà chưa rõ nguyên nhân. Các chuyên phỏng đoán, có thể nó bị thương trong thời gian bị mắc lưới và kéo lên bờ.
Hà Trang (Tổng hợp)