Phát hiện sán lá phổi sau khi ăn cua đá
Là món ăn giàu dinh dưỡng được nhiều người ưa thích nhưng anh C. không ngờ đó là nguyên nhân khiến anh bị sán lá phổi.
Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết đang điều trị cho bệnh nhân N.V.C (41 tuổi) do bị nhiễm sán lá phổi.
Đáng chú ý, khi tới khám, anh C. được bác sĩ chẩn đoán có sán làm tổ trong phổi, điều này khiến anh vô cùng bất ngờ.
Anh C. cho biết, anh ăn uống khá sạch sẽ, ít ăn đồ ăn sống. Khi được bác sĩ giải thích sán lá phổi ký sinh và xâm nhập vào cơ thể do ăn cua đá (cua núi) chưa được nấu chín, anh C. mới vỡ lẽ vì anh có đi bắt cua đá và nấu ăn 2 lần.
Theo lời anh C., từ Tết năm 2023 đến nay, anh ho rất nhiều. Triệu chứng ho xuất hiện từng cơn dài kèm theo khó thở, nhưng anh cho rằng cơn ho sẽ nhanh qua. Khi anh đi làm thấy người gai gai sốt, lúc này anh mới tới bệnh viện tỉnh để khám.
Tại đây, anh C. được chẩn đoán lao màng phổi có tràn dịch màng phổi và điều trị suốt 3 tháng nhưng các triệu chứng không hề thuyên giảm, anh ho ngày càng nhiều. Anh được chuyển tuyến xuống bệnh viện Phổi Trung ương để khám chuyên sâu.
Tại bệnh viện phổi Trung ương, kết quả chụp chiếu cho thấy anh C. bị tổn thương phổi nghi ngờ do ký sinh trùng. Sau đó, anh C. được giới thiệu sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám chuyên khoa và kết quả nhận được là bị sán lá phổi.
Anh C. cho biết: "Tôi ho rất nhiều, mỗi lần ho thường kéo dài từ 30 phút có khi tới 1 tiếng đồng hồ, rất khó chịu. Có lúc tôi ho ra máu, tôi cũng lo lắm, không biết mình mắc bệnh gì. Mãi tới khi xuống Hà Nội khám tôi mới biết bệnh của mình là do sán gây ra".
Bác sĩ Tạ Huy Hải thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ
Chia sẻ với PV Gia đình Việt Nam, Bác sĩ Tạ Huy Hải - Khoa Điều trị, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho hay, bệnh nhân C. vào viện do có những cơn ho kéo dài gây khó chịu, tức ngực, khó thở. Khi ho quá nhiều, bệnh nhân xuất hiện những tổn thương niêm mạc họng cấp, có ho ra máu. Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bệnh nhân đã được chẩn đoán sán lá phổi gây tràn dịch màng phổi.
Hiện, bệnh nhân C. mới nhập viện được 2 ngày, đang được cho dùng thuốc tẩy sán. Các cơn ho của bệnh nhân giãn, triệu chứng ho cũng đã giảm dần.
Theo bác sĩ Hải, nguyên nhân của tình trạng tràn dịch màng phổi theo y văn thường là do bệnh nhân ăn cua đá núi có ấu trùng sán lá phổi. Khi chế biến, nếu cua mang sán lá phổi và chỉ được chế biến sơ, không được nấu chín, sẽ không thể khiến ấu trùng sán chết. Người ăn phải cua có ấu trùng sán sẽ khiến ấu trùng xâm nhập vào cơ thể và ký sinh tại phổi gây tổn thương phổi.
Sán lá phổi thường gặp ở những nơi vùng núi như Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Giang… vật chủ trung gian gây bệnh là cua đá núi. Một số trường hợp do uống nước suối cũng có thể nhiễm sán lá phổi. Do sán có thể "chu du" trong nước nếu uống phải nước có chứa sán sẽ khiến sán xâm nhập vào cơ thể và gây hại cho sức khỏe.
Ấu trùng sán khi vào ruột sẽ theo đường tĩnh mạch và di chuyển lên phổi. Bệnh nhân sẽ bị tổn thương nhu mô phổi và tràn dịch màng phổi.
Bác sĩ Hải cho hay, dấu hiệu để nhận biết nhiễm sán lá phổi là có yếu tố nguy cơ (từng ăn cua đá), sau đó bệnh nhân xuất hiện ho nhiều, đau tức ngực, khó thở…
Để phòng ngừa bệnh sán lá phổi, cách đơn giản nhất là ăn chín, uống chín. Người dân khi đi trên núi, trong rừng nên đun nước sôi để uống. Nếu ăn cua đá thì cần phải nấu hoặc nướng chín kỹ. Người ăn cua đá sau một thời gian nếu có dấu hiệu ho nhiều nên đi khám chuyên khoa để loại trừ nguy cơ nhiễm sán lá phổi.
Đặc biệt, đối với người đã được chẩn đoán nhiễm sán lá phổi nên tuân thủ điều trị theo đúng chỉ định. Bệnh nhân khi ho có đờm không nên nhổ bừa bãi để tránh mầm bệnh lây truyền ra ngoài.
-->> Tổn thương gan do thường xuyên ăn món nhiều người thích