Phải làm gì khi bị côn trùng chui vào tai?
Nếu bị côn trùng chui vào tai, nạn nhân và người nhà cần phải bình tĩnh xử lý, nếu không sẽ rất dễ bị tổn thương màng nhĩ do côn trùng gây ra và do con người tác động vào.
Bị côn trùng chui vào tai khi đang vui chơi hoặc đang ngủ là tai nạn rất hay xảy ra không chỉ với trẻ nhỏ mà ngay cả đối với những người trưởng thành. Đối với những trường hợp này, nếu không biết cách sơ cứu thì nguy cơ bị hỏng tai hoặc tổn thương màng nhĩ là điều khó tránh khỏi.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, trong nhiều trường hợp bị côn trùng chui vào tai, nếu không nhanh chóng đưa ra các biện pháp sơ cứu kịp thời và chính xác thì sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường.
Nếu bị côn trùng chui vào tai, nạn nhân và người nhà cần phải bình tĩnh xử lý. Trường hợp không thể lấy côn trùng ra, cần phải đưa nạn nhân đến viện càng nhanh càng tốt. (Ảnh minh họa)
Thậm chí, nhiều trường hợp do quá cẩn thận nên đưa nạn nhân vào viện để cấp cứu, nhưng trong trường hợp côn trùng là loại bọ cánh cứng, có chân cứng hoặc chân sắc nhọn như: bọ cánh cam, mọt…thì khi đưa đến viện cũng dễ xảy ra những tổn thương đáng tiếc.
Vậy, nếu gặp trường hợp côn trùng chui vào tai, cần phải làm những động tác gì? Chia sẻ về vấn đề này, BS Nguyễn Thành Nam (Viện Tai Mũi Họng) cho biết, khi bị côn trùng chui vào tai, trước hết nạn nhân cũng như người nhà phải hết sức bình tĩnh để xử lý, bởi nếu cuống cuồng chọc ngoáy để cố lấy côn trùng ra, không những không có kết quả mà còn làm tổn thương đến màng nhĩ.
Theo đó, biện pháp đầu tiên khi sơ cứu là phải nhỏ ôxy già hoặc nước ấm vào tai (có thể nhỏ rượu nhẹ, nhưng hạn chế sử dụng), dùng biện pháp này sẽ xảy ra hai trường hợp. Thứ nhất, côn trùng khi bị sặc nước sẽ tự tìm đường ra. Thứ hai, côn trùng có thể sẽ chết trong tai vì bị sặc.
Trong trường hợp côn trùng chết trong tai vì bị sặc nước, nạn nhân cần phải từ từ dốc hết nước ở trong tai ra, sau đó dùng đèn dọi vào tai rồi dùng kẹp y tế để gặp côn trùng ra.
Lưu ý, không nên dùng tăm bông hoặc vật nhọn để khều côn trùng từ trong tai ra, vì như vậy sẽ khiến côn trùng bị nát hoặc đẩy côn trùng vào sâu trong tai.
Trong trường hợp côn trùng bị nát hoặc không lấy được côn trùng ra, người nhà cần phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để có can thiệp y khoa kịp thời, nhằm tránh trường hợp bị viêm nhiễm do xác côn trùng còn ở trong tai.
Để phòng tránh tai nạn do côn trùng chui vào tai, BS Nam khuyến cáo, cần phải vệ sinh sạch sẽ nhà ở, đặc biệt là không ăn ở giường ngủ. Bởi, những đồ ăn rơi ra giường sẽ thu hút các loại côn trùng đặc biệt là kiến.
Ngoài ra, khi ngủ nên mắc màn, không ngủ dưới sàn nhà, cần phải để ý phản hoặc thang giường tránh bị mối mọt. Bởi mối mọt cũng là loại côn trùng rất nhỏ, có thể chui vào tai được khi ngủ.
Quỳnh Thơ