Thứ hai, 25/03/2024 08:06
|
Hà nội 21*C/61%
Emagazine
Gần 30 năm đồng hành cùng trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Đỗ Thúy Lan đã giúp đỡ cho hàng nghìn trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ hòa nhập với cộng đồng, giúp các em có một cuộc sống bình thường.
Bai-bac-si (3)

Năm nay đã bước sang tuổi 75 nhưng Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Đỗ Thúy Lan - Giám đốc Trung tâm Sao Mai - Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam vẫn mang trong mình nhiệt huyết cống hiến cho việc ngăn ngừa, phát hiện sớm, hỗ trợ cho trẻ em tự kỷ và khuyết tật trí tuệ ở Việt Nam.

Suốt những năm tháng còn làm Phó Giám đốc Bệnh viện tâm thần Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội), bác sĩ Đỗ Thúy Lan đã từng tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phải đến bệnh viện tâm thần để khám và uống thuốc.

Bai-bac-si01 (2)

"Lúc đó, các bác sĩ không biết đó là chứng tự kỷ nên vẫn cho rằng đó là một dạng bệnh tâm thần và các cháu chỉ được điều trị bằng thuốc an thần rồi bị bạn bè, mọi người xa lánh, kỳ thị rất tội nghiệp", bác sĩ Đỗ Thúy Lan chia sẻ.

Từ sự thương cảm đó, bà Lan luôn trăn trở là tại sao trẻ em khiếm thính, khiếm thị đều có môi trường giáo dục tử tế nhưng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như vậy lại không có phương pháp nào tốt hơn để điều trị giúp các em hòa nhập với xã hội.

năm 1992, bà được chọn sang Hà Lan học khóa nâng cao về nhi tâm thần và được chứng kiến phương pháp tiếp cận và giúp đỡ trẻ em bị tự kỉ. Từ đây, bà nhận ra rằng những bệnh nhân tự kỷ phải được hỗ trợ can thiệp giáo dục kết hợp với y tế chứ không phải đơn thuần chỉ dùng thuốc đặc trị.

Sau khi về nước, bác sĩ Đỗ Thúy Lan đã bắt tay ngay vào thí điểm phương pháp can thiệp giáo dục đối với lớp học 15 trẻ đầu tiên. Sau hai năm, với sự quan tâm, giúp đỡ từ chuyên gia Hà Lan, phương pháp can thiệp giáo dục với trẻ tự kỷ đã đạt được những kết quả khả quan khi nhiều bệnh nhân đã có sự tiến bộ rõ rệt.

Năm 1995, Trung tâm Sao Mai chính thức được thành lập trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam nhằm hỗ trợ, can thiệp cho trẻ mắc chứng tự kỷ và các vấn đề về trí tuệ, dạy cho các em các kỹ năng để chuẩn bị hòa nhập vào xã hội.

Đến nay đã gần 30 năm trôi qua, bác sĩ Đỗ Thúy Lan đã trở thành "người đồng hành" đặc biệt với vai trò là người thầy thuốc, thầy giáo và cũng là người mẹ, người bà của những trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ tự kỷ. Mỗi khi các cháu tiến bộ, trở về hòa nhập với cuộc sống bình thường, bà Lan đều xem đó là niềm vui, hạnh phúc và là nguồn động lực của mình.

Bai-bac-si (2)

Dù đã bước qua tuổi 75 nhưng bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Đỗ Thúy Lan vẫn hăng say làm việc, không ngừng học hỏi các phương pháp, giáo trình đào tạo hiện đại để giúp đỡ những trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ tiến bộ, thay đổi chất lượng cuộc sống.

Hàng ngày, tại Trung tâm Sao Mai, bà Lan thường là người trực tiếp thăm khám cho trẻ, tư vấn cho phụ huynh vì khả năng tiến bộ của trẻ cũng phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ của gia đình. Cách dạy dỗ trẻ ở nhà cũng cần phải thống nhất, tương đồng với chương trình trên lớp.

Bai-bac-si2 (1)

Điều mà bà Lan trăn trở nhất chính là nhận thức và cách ứng xử của nhiều gia đình đối với trẻ tự kỷ. Phần lớn cha mẹ khi biết con mình tự kỷ thường không chịu thừa nhận và cho là con mình vẫn bình thường. Có người tuy chấp nhận nhưng tâm trạng rất bi quan, chán nản và bỏ mặc con dẫn đến việc cháu bé không được can thiệp, hỗ trợ kịp thời.

"Việc can thiệp và giáo dục cho trẻ tự kỷ cần phải có những kỹ năng, phương pháp khoa học, trong đó vấn đề thời gian can thiệp sớm là đặc biệt quan trọng. Tỷ lệ thành công cao gặp ở trẻ đến can thiệp sớm trước 36 tháng tuổi", bác sĩ Đỗ Thúy Lan chia sẻ.

Hiện Trung tâm Sao Mai đang hỗ trợ, can thiệp và điều trị cho khoảng 200 em nhỏ mắc chứng tự kỷ và các vấn đề về trí tuệ tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trẻ đến với Trung tâm Sao Mai sẽ được học các kỹ năng để phát triển một cách đầy đủ như kỹ năng thô, kỹ năng tinh, kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, xã hội và nhận biết thế giới xung quanh.

Bai-bac-si2 (2)

Mỗi năm trung tâm có khoảng 60 - 70 cháu được chuyển ra học hòa nhập với cộng đồng. Trước khi ra trường, trung tâm đánh giá mức độ phát triển các kỹ năng để tư vấn cho cha mẹ lựa chọn trường, lớp cho phù hợp với trẻ.

"Mục tiêu cuối cùng là làm sao để các cháu có thể tự lập, có những kỹ năng sống để hoà nhập với cộng đồng. Tôi cũng mong rằng muốn mọi người trong xã hội có cách nhìn nhận, thấu hiểu và không còn kì thị đối với trẻ tự kỷ", Bác sĩ Đỗ Thúy Lan bày tỏ.

Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Đỗ Thúy Lan - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện tâm thần Hà Nội, Nguyên Giám đốc Bệnh viện tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) là bác sĩ có nhiều năm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân Hà Nội từ 1975 cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 2004.

Với những cống hiến của mình, năm 2017, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Đỗ Thúy Lan được CLB Phụ nữ quốc tế (HIWC) trao giải thưởng “Tầm nhìn 2017” dành cho những người phụ nữ truyền cảm hứng. Đây là giải thưởng thường niên của HIWC trao hàng năm cho một người phụ nữ thể hiện tầm nhìn lớn lao, khả năng lãnh đạo và sự cống hiến cho những mục đích cao cả.

Cùng với đó, Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam cũng vinh danh bà vì cống hiến cuộc đời mình cho việc ngăn ngừa, phát hiện sớm, hỗ trợ cho trẻ em tự kỉ và khuyết tật trí tuệ ở Việt Nam.

Hải Nam  
Loại dầu ăn không tốt cho sức khỏe, hạn chế sử dụng hàng ngày
Vì sao phụ nữ giỏi tiết kiệm tiền hơn nam giới?
Nhà văn đạt giải Nobel khuyên phụ nữ nắm trong tay 3 điều thay vì giữ khư khư chồng con
Tuổi 70 vợ chồng thỏa thuận 4 điều để an tâm dưỡng già
Thói quen ăn uống tưởng chừng vô hại lại gây vô sinh ở phụ nữ
Cho trẻ vận động bao nhiêu giờ mỗi ngày để tốt cho sức khoẻ?
Không phải tiền bạc, đây mới là yếu tố quyết định hạnh phúc gia đình
Dấu hiệu ung thư thực quản nhiều người lầm tưởng viêm họng
Thói quen buổi sáng của tỷ phú thế giới
Rưng rưng đám cưới trên giường cấp cứu bệnh viện
Vì sao không nên ăn chuối vào buổi sáng?
Nặng trĩu mùa cá cơm Quỳnh Lập
Xem thêm