Nghề báo: Nghề chọn người hay người chọn nghề?
Dù xung quanh có tranh luận không dứt về chuyện “Nghề chọn người” hay “Người chọn nghề”, tôi khẳng định về phần tôi: “Tôi chọn nghề này”.
Là một dân văn chính hiệu nhưng tôi mê làm báo. Thưở mới bước chân vào nghề, tôi như cánh chim lạc đàn. Mối quan hệ hạn chế, đề tài hạn hẹp, tôi băn khoăn, trăn trở cho một bài viết mà không biết bắt đầu từ đâu... Sự khắt khe của nghề khiến tôi nhiều lúc cảm thấy áp lực. Nhưng lòng “say” nghề và những lời động viên của anh chị em đồng nghiệp đã giúp tôi nhanh chóng quên đi tất cả. Một cái laptop, một máy ảnh, tôi rong ruổi mọi góc phố, quán cà phê để tranh thủ tác nghiệp, tìm tòi đề tài. 2 thứ đó đã gắn liền với tôi như một phần không thể thiếu.
Nghề báo đã mang lại cho tôi quá nhiều đặc ân. Tôi được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tìm hiểu nhiều vùng văn hóa. Ở tòa soạn, mỗi phóng viên phụ trách mỗi mục khác nhau nên chúng tôi có cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và phải tự biến mình thành “chuyên gia” trong lĩnh vực ấy.
Mỗi một chuyến đi, một lần tác nghiệp khai thác những đề tài tâm đắc đều mang lại cho tôi những cảm xúc, những bất ngờ thú vị. Tôi dần học được cách chia sẻ, cảm thông và biết dừng lại trước nỗi đau của nhân vật chứ không chỉ đơn thuần là “săn” tin nhanh, tin nóng.
Gắn bó với nghề cũng chưa phải là dài, nhưng những kỷ niệm buồn vui trong nghề báo khó mà kể hết. Về những tháng ngày thực tập chập chững làm quen với nghề, về những chuyến đi xa, những chương trình do tòa soạn tổ chức, về những ngày tháng đồng hành cùng tuyến đầu, đưa tin về đại dịch,… Tất cả đều là những trải nghiệm giúp tôi trưởng thành và thêm yêu nghề hơn.
Tôi biết thật lãng phí thời gian khi nhìn lại và ước rằng mình đã hay chưa làm được điều này hoặc điều kia. Thay vào đó, để những ngày tháng tới tốt đẹp vững vàng hơn với nghề, tôi cố gắng chuẩn bị trước cho sự thiếu hụt hối tiếc. Tôi cố gắng tưởng tượng về tương lai tôi.
Tôi, một nữ phóng viên ở tuổi 50 sẽ cố gắng lấp đầy tôi của 60, 70, 80 hay 90 bằng niềm vui và sự thông thái, kiên trì. Tôi đang cố gắng tạo ra một tôi trong tương lai, người sẽ nhìn lại tôi của hiện tại và nói: "Cảm ơn người anh em. Vất vả thật đấy, nhưng đáng giá biết bao!”.
Cuộc sống sẽ thật tẻ nhạt nếu nó dễ dàng. Nếu bạn nói với tôi rằng bạn chưa sẵn sàng cho khó khăn, tôi vẫn nói hãy làm điều đó vì nếu bạn đợi cho đến khi bạn sẵn sàng thì bạn sẽ không bao giờ làm được. Cũng như tôi, nếu tôi chấp nhận mình chỉ là một “cánh chim lạc đàn”, thật khó để có được một tôi tự tin như ngày hôm nay. Chịu đựng một thử thách cho tôi thêm sức mạnh và sự kiên trì khi thử thách tiếp theo phát sinh.
Không có thứ gọi là cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chỉ có cuộc sống, và công việc là một phần của nó. Không ai nhìn lại quãng thời gian cuối đời và ước mình làm việc nhiều hơn cả. Tôi sẽ không trở nên lớn hơn, nhanh hơn, mạnh hơn, linh hoạt hơn theo tuổi tác, nhưng tôi có thể trở nên tử tế hơn, đồng cảm hơn và biết giúp đỡ những người xung quanh hơn bằng ngòi bút, bằng cái tâm của mình.
Trở thành một nhà báo đã là một may mắn to lớn đối với cuộc đời tôi. Tôi được trả tiền để hỏi mọi người những câu hỏi về cuộc sống của họ, lắng nghe câu trả lời của họ, sau đó viết nên một câu chuyện. Và tôi nhận ra rằng, kỹ năng quan trọng nhất — kỹ năng mà tất cả chúng ta cần, không có ngoại lệ — chính là lắng nghe.
Cuộc sống làm báo cho tôi tiếp xúc với nhiều người. Cho tôi được gặp các cô bác nông dân chân lấm tay bùn, anh công nhân trong hầm lò, chị lao công… cho đến những người giữ vị trí cao trong xã hội. Tôi gọi đó là trải nghiệm, là thanh xuân của tôi. Nghề báo cao quý cho tôi những giá trị cao quý như vậy.
“Bút sắc, lòng trong, tâm sáng” – Ấy là kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp của những người làm báo. Song có một điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây, đó là đam mê với nghề. Có nhiều cách để bước chân vào nghề báo: bạn chủ động chọn nghề hoặc nghề vô tình chọn bạn. Nhưng dù ở truờng hợp nào thì một nhà báo cũng không thể sống nổi với nghề nếu không có đam mê.
-> Tâm sự nữ nhà báo: Bỏ nghề giữ hạnh phúc hay bỏ hạnh phúc theo đuổi đam mê