Nhà ăn chay 0 đồng hỗ trợ 200 suất ăn mỗi ngày cho người nằm viện
Nép mình trong một con ngõ nhỏ trên phố Trần Bình (Cầu Giấy, Hà Nội), nhà ăn chay 0 đồng Nhất Tâm đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện 19-8.
Đều đặn vào sáng thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, các tình nguyện viên (TNV) của nhà ăn chay 0 đồng Nhất Tâm sẽ có mặt tại số 6 ngõ 56 phố Trần Bình (Mai Dịch, Cầu Giấy) để chuẩn bị nguyên liệu, nấu cơm trưa phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn và các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện 19-8.
Đây là nhà ăn do chị Vũ Thị Trà Giang (Nam Định) là người đại diện với mong muốn hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, mang niềm vui, sức khỏe đến mọi người.
Chị Vũ Thị Trà Giang chia sẻ: "Bản thân tôi cũng từng đi xin cơm nên hiểu rõ hoàn cảnh của người bệnh vất vả từ đó tôi mong muốn mở một nhà ăn 0 đồng để giúp đỡ bà con”.
Vào khoảng 10h30 phút hàng ngày, nhà ăn Nhất Tâm bắt đầu mở cửa phát cơm chay miễn phí. Tại đây, những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân có thể thoải mái lựa chọn những món ăn mình yêu thích như cơm, bún, phở, cháo chay...
Theo chia sẻ của chị Vũ Thị Trà Giang thực đơn được thay đổi mỗi ngày, ngoài ra hàng tuần sẽ có 2 ngày phục vụ món bún, phở, cháo chay để không gây nhàm chán cho các thực khách.
Nguyên liệu nấu ăn tại nhà ăn chay 0 đồng Nhất Tâm đều được chọn lọc, kiểm định kỹ càng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều bệnh nhân đến đây đã chia sẻ ấn tượng bởi chất lượng đồ ăn sạch sẽ, ngon miệng cùng sự nhiệt tình, vui vẻ của các tình nguyện viên.
Mỗi ngày, nhà ăn sẽ chuẩn bị khoảng 200 suất, mỗi suất ăn đều đem theo tình yêu thương, sự động viên, sẻ chia của chị Trà Giang cũng như các tình nguyện viên gửi gắm đến bà con.
Bạn Nguyễn Thị Thu Hà, TNV tại nhà ăn chay Nhất Tâm, cho biết: “Em biết đến nhà ăn Nhất tâm qua Đội Thanh niên tình nguyện của Trường Đại học Thương mại. Công việc hàng ngày của chúng em là dọn dẹp, sắp xếp quần áo từ thiện, sơ chế rau củ quả cho bữa trưa và phụ giúp phát cơm cho mọi người. Khi làm tình nguyện ở đây, em được tiếp xúc với nhiều cô, bác bệnh nhân của Bệnh viện 19-8, em cảm thấy xung quanh còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ".
Công việc ở nhà ăn hàng ngày khá nhiều, từ việc nấu nướng đến sắp xếp quần áo, đồ dùng từ thiện nhưng ở đây lúc nào cũng tràn ngập không khí vui vẻ, nhiệt tình của các tình nguyện viên.
Trải qua thời gian hoạt động với nhiều khó khăn và thử thách, chị Trà Giang trải lòng: “Ban đầu khi mới mở nhà ăn tôi gặp khó khăn nhiều về việc tìm vị trí hoạt động cũng như về kinh tế. Để vận hành nhà ăn cần nhiều khoản chi phí khác nhau như tiền mặt bằng, tiền điện, nước, chi phí nguyên vật liệu và bản thân tôi có nhiều thời điểm không đủ sức để gồng gánh”.
Đứng trước vô vàn khó khăn nhưng chị Trà Giang vẫn cố gắng chạy vạy khắp nơi, kêu gọi các mạnh thường quân để mong nhà ăn có thể duy trì hoạt động, hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
“Tôi mong muốn nhiều mạnh thường quân sẽ biết đến nhà ăn Nhất Tâm và hỗ trợ nhà ăn được khang trang, rộng rãi hơn, suất ăn trở nên đầy đặn, tươm tất hơn. Tôi cũng mong có thể tiếp tục mở thêm nhiều cơ sở phục vụ về xoa bóp 0 đồng cho bà con cũng như đi đến các chùa để có thể giúp đỡ thêm nhiều mảnh đời bất hạnh ở các vùng sâu, vùng xa ” - Chị Trà Giang cho biết thêm.
Hiện tại, ngoài nhà ăn chay 0 đồng Nhất Tâm, chị Trà Giang còn có thêm các mô hình xoa bóp 0 đồng, quần áo từ thiện 0 đồng với mục đích lan tỏa hơi ấm của tình yêu thương, sự chia sẻ, đùm bọc đến với các hoàn cảnh khó khăn.
Bà N.T.H, bệnh nhân Bệnh viện 19-8 chia sẻ: “Tôi ra đây điều trị được một thời gian nghe nhiều người nhắc đến quán cơm chay 0 đồng Nhất Tâm. Gia đình tôi cũng phải chạy vạy khắp nơi để điều trị bệnh nên khi nghe có quán cơm 0 đồng tôi đã ra đó ăn thử.
Tôi thấy thức ăn ở đây rất ngon, đặc biệt là các bạn TNV rất thân thiện và nhiệt tình, tôi và các bệnh nhân rất biến ơn đến quán cơm 0 đồng Nhất Tâm".
Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, nhà ăn chay 0 đồng Nhất Tâm hy vọng sẽ hỗ trợ được phần nào cho các hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân đang phải vật lộn với nghịch cảnh của cuộc sống.