Thứ tư, 18/09/2024 03:26     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ ba, 27/08/2024 21:57

Người “vác tù và hàng tổng” ở vùng giáo Quỳnh Lưu - Nghệ An: (Kỳ 1) Cán bộ Mặt trận tận tụy việc làng, tận lực vì dân

Trong những chuyến công tác về cơ sở, chúng tôi được gặp, trò chuyện với một số Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận ở vùng đồng bào Công giáo huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Họ là những con người bình dị, mẫu mực, “tốt đời đẹp đạo”, được mọi người yêu mến gọi với cái tên thân mật: Những người “vác tù và hàng tổng”.

Tôi gặp ông vào một buổi chiều tháng 8, trong không khí náo nức chào mừng Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Ngồi trò chuyện cùng ông, khi nhắc đến chuyện của bà con trong thôn gọi ông là “ông Mặt trận vác tù và...”, ông cười nói rằng: “Là trưởng ban Mặt trận, không “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thì chẳng nên cơm cháo gì. Anh về cơ sở mà xem, đám hiếu đám hỉ có ông Mặt trận; hàng xóm láng giềng tiếng bấc tiếng chì, tìm ông Mặt trận; vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt cũng gọi ông Mặt trận...”

Người mà tôi nói đến là Ông Dương Hà Nam (sinh năm 1965), là giáo dân thuộc giáo xứ Phú Yên (thôn Tân An, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu). Năm 1984, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ vào Binh đoàn 12 đóng quân trên đất nước bạn Lào. Sau 3 năm cống hiến tuổi thanh xuân trong quân ngũ, trở về địa phương, ông tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương.

"Chất lính trong người không cho mình ngồi yên, khát khao cống hiến và được cống hiến”, ông Dương Hà Nam tâm sự.

Ông Nam kể lại, năm 1990 ông làm Bí thư chi đoàn thôn, năm 2000 được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ban công tác Mặt trận, rồi sau đó kiêm luôn Trưởng thôn đến nay. Cái thời đó lấy sức mình ra để lo việc thôn, việc xóm chứ chế độ đãi ngộ chỉ được mấy chục ngàn đồng, nhưng vẫn vui, vẫn thấy lòng thanh thản.

"Mọi người vẫn ví công việc của tôi là “vác tù và hàng tổng”, nhiều lúc gánh trên vai việc nhà, việc làng cũng thấy mệt muốn nghỉ lắm nhưng bà con chưa cho nghỉ, những lúc như vậy nghĩ tới sự tin tưởng, tình cảm của bà con dành cho mình nên tôi lại cố gắng nỗ lực hơn.

Đến nay tôi đã làm Trưởng ban công tác Mặt trận và Trưởng thôn hơn 20 năm, trong mọi công việc tôi đều đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, bản thân luôn gương mẫu đi đầu, có vậy bà con mới tin tưởng làm theo, công việc ngày càng thêm thuận lợi. Nhờ vậy mà hầu hết nhiệm vụ của thôn đều hoàn thành tốt", ông Nam nói.

Ông Dương Hà Nam không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn luôn đi đầu trong các phong trào hoạt động của xã và thôn.

Thôn Tân An có 275 hộ và 1.350 nhân khẩu, là thôn giáo dân toàn tòng, sinh sống ven sông Mai Giang, không có đất sản xuất nông nghiệp, nghề nghiệp bà con ở đây là sản xuất muối, đánh bắt hải sản, chế biến nước mắm truyền thống nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi giá muối không ổn định, phương tiện đánh bắt nhỏ lẻ nên thu nhập bấp bênh. Cuộc sống đói nghèo cứ dai dẳng bám vào người dân nơi đây, trước năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 40 – 45%, bình quân thu nhập đầu người chỉ đạt từ 8 – 10 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình dẫu không còn là hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng rất dễ tái nghèo nếu điều kiện sản xuất không thuận lợi. Đường làng ngõ xóm chật hẹp, giao thông đi lại rất khó khăn…

Nhưng đó là câu chuyện hơn 10 năm về trước, hôm nay về với thôn Tân An, đi trên những con đường trải thảm bê tông rộng thoáng, cảm nhận được một sự đổi thay của một vùng đất nắng gió mặn mòi.

Ông Nam bảo: “Năm 2023, thôn Tân An tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,3%, hộ khá và giàu 55%, bình quân thu nhập đạt trên 45 triệu đồng/người. Có được kết quả đó, thời gian qua chúng tôi xác định cần phải đầu tư vốn để đóng tàu lớn, mua sắm ngư lưới cụ và trang thiết bị đánh bắt hiện đại như Ecom, máy dò, công nghệ đèn Led, hầm PU bảo quản sản phẩm... đủ khả năng vươn khơi bám biển dài ngày, khai thác đánh bắt ở ngư trường xa bờ.

May mắn là được sự tiếp sức của nguồn tín dụng vốn ưu đãi của Nhà nước và chương trình hỗ trợ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để mua sắm ngư lưới cụ và đầu tư đóng mới hoặc tu sửa lại phương tiện đánh bắt, tạo nên niềm hy vọng về hướng phát triển kinh tế biển bền vững”.

Muốn thực hiện thắng lợi mục tiêu này, theo ông Dương Hà Nam các thành viên của Mặt trận như Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và từng hộ dân... tất cả đều vào cuộc, phải biết phối hợp nhịp nhàng với Hội đồng mục vụ giáo xứ và biết tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của linh mục quản xứ, nhất là phải tạo được niềm tin, sự đồng lòng, chung sức của từng người dân. Muốn vậy cá nhân mình phải đi đến với người dân, cùng đồng hành, chia sẻ với họ và bằng chính việc làm của mình, gia đình mình để người dân tin.

Cùng với sự năng động, sáng tạo, ý chí kiên cường của người lính cụ Hồ, ông Dương Hà Nam luôn sẵn sàng giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những hoàn cảnh ốm đau hoạn nạn, không chỉ tạo công ăn việc làm tại chỗ cho nhân dân trong xã, ông còn là “bà đỡ” giúp người dân trong thôn về vốn, hỗ trợ kỹ thuật và giúp tiêu thụ sản phẩm, nhờ vậy mà đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Trong xây dựng nông thôn mới, ông luôn hăng hái đi đầu và vận động nhân dân hiến đất mở đường, đóng góp kinh phí, xây dựng đường làng, ngõ xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đến nay có 100% tuyến đường trong thôn được bê tông hóa, xây dựng các tuyến đường “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, xây dựng được hơn 500m tuyến đường cờ “Đại đoàn kết” để treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ, tết; xây dựng mới nhà văn hóa thôn và sân vui chơi thể thao trị giá trên 850 triệu đồng, góp phần xây dựng khu dân cư “Văn minh và phát triển”, cảnh quan xóm làng ngày càng văn minh, trù phú.

Trong công tác bác ái, từ thiện nhân đạo, thôn Tân An luôn là thôn đi đầu trong các đợt vận động của MTTQ xã, điển hình như ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 số tiền 50 triệu đồng, ủng hộ Tết vì người nghèo và quỹ vì người nghèo tính giai đoạn 2021 – 2024 trên 15 triệu đồng. Trong 5 năm qua, cùng với sự hỗ trợ từ Quỹ vì người nghèo của MTTQ huyện, ông đã đứng ra kêu gọi, vận động nhân dân trong thôn và các nhà hảo tâm ủng hộ vật chất, ngày công để xây dựng 10 ngôi nhà “đại đoàn kết” cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, đem lại niềm vui “an cư lạc nghiệp” cho người nghèo. Ngoài ra còn thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cho người nghèo, người bị bệnh hiểm nghèo, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn hàng chục triệu đồng…

Trao đổi với chúng tôi, Ông Nguyễn Xuân Quyết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Hòa, kiêm bí thư chi bộ Tân An cho biết, với hơn 20 năm làm Trưởng ban công tác Mặt trận, ông Dương Hà Nam không chỉ làm kinh tế giỏi mà trên cương vị Trưởng ban công tác Mặt trận ông luôn năng động, nhiệt huyết, tận tụy hết mình với công việc, gương mẫu đi đầu trong các phong trào hoạt động của xã và thôn, luôn chăm lo cuộc sống cho nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết lương giáo, là một tấm gương điển hình sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước.

Cá nhân và gia đình ông đã nhận được nhiều bằng khen của trung ương, của tỉnh và giấy khen của huyện; năm 2023 ông vinh được Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong 20 năm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh Nghệ An.

-> Mời độc giả đón đọc Kỳ 2: Trưởng thôn "thắp lửa" phong trào vùng giáo

Trần Minh Chính - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An  
Hội KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp khám sức khỏe miễn phí cho người lao động
FPT Long Châu điều động nhanh 10 tấn thuốc, cùng các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ
VNVC triển khai hàng ngàn mũi vắc xin trong ngày đầu chiến dịch tiêm phòng sởi tại TP.HCM
Nhà tiên tri dự đoán đúng về năm 2024, từng nhắc đến cơn bão Yagi
Bị bắt vì gọi điện cho vợ 100 lần mỗi ngày nhưng không nói gì
Tan hoang vườn đào Nhật Tân sau trận lũ lịch sử
EVNHANOI đồng hành cùng người dân vùng lũ
Hoại tử vùng sinh dục do tự dùng lá thuốc đắp tại nhà
Hơn 14.000 ha cây lâm nghiệp của huyện miền núi Quảng Ninh bị mất trắng do bão
Thêm nhiều người trúng 9 triệu đồng tiền mặt nhờ uống Trà Dr Thanh
Chuyên gia hàng đầu hội chẩn tìm cách cứu bé gái Làng Nủ
Nạn nhân sạt lở đất đá ở Yên Bái nhập viện nguy kịch, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Gần 44.000 người dân Hà Nội sơ tán do lũ đã quay trở về nơi ở cũ
Công an tỉnh Quảng Ninh chung tay hỗ trợ các gia đình khắc phục hậu quả bão số 3
Khai mạc chương trình Đêm hội Trăng rằm của Gia đình Việt Nam tại TP. Cần Thơ
Các quốc gia châu Á đón Tết Trung thu thế nào?
Sạt lở đất trong đêm vùi lấp 8 ngôi nhà ở Yên Bái
Gia đình ngư dân Quảng Ninh mất tiền tỷ, bỏ mạng vì bão số 3
Hàng nghìn người rước đèn lồng Đêm hội trăng rằm trên đường phố Cần Thơ
Những 'chú lợn đất' không lãng phí
Xem thêm