Người mẹ Việt Nam giúp con vào ĐH Harvard chia sẻ bí quyết
Nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu kể về hành trình giúp cô con gái Lã Hồ Thị Minh Khuê "chạm tay" vào giấc mơ Harvard. Nghe chị Âu tâm sự, mới thấy đằng sau những thành công của Khuê là cả một sự cố gắng, kiên trì theo đuổi triết lý giáo dục không mệt mỏi của người mẹ.
Nhà văn Hồ Hải Âu
Được biết,để đạt được kết quả như ngày hôm nay, ngay từ khi Khuê còn bé, chị đã cho con học rất nhiều môn học, chị có thể chia sẻ về điều này?
Đây cũng chỉ là một câu chuyện giản dị về triết lý giáo dục. Khi tôi đọc được một cuốn sách của trường ĐH Harvard, người ta đánh giá rất cao cái gọi là trí thông minh đa dạng. Harvard cho rằng học để phát triển tố chất chứ không phải có tố chất mới học, và trẻ có quyền được cha mẹ giúp phát triển những tố chất đó.
Trong đó, họ có phản biện lại chỉ số IQ và họ cho rằng nếu tất cả những đứa trẻ đều được đánh giá trên chỉ số IQ thì sẽ có rất nhiều trẻ sẽ cảm thấy bản thân bị thua thiệt vì đạt được chỉ số này hơi thấp.
Thuyết thông minh đa dạng này dựa trên 7 loại hình thông minh, từ đấy trường ĐH Harvard có đưa ra một triết lý rằng: “Nếu chúng ta cho trẻ bắt đầu sớm và duy trì được 6 bộ môn trụ cột là toán học, hội họa, âm nhạc, ngoại ngữ, thể thao và nhân văn sẽ giúp cho trẻ phát triển tố chất một cách tốt nhất”.
Tôi rất tin và thấy những điều này rất phù hợp khi con còn bé. Chúng ta không kỳ vọng bất cứ một điều gì khác ngoài tình yêu thương con, và mình nghĩ rằng việc cho con học là quyền của đứa trẻ.
Cho con học nhưng không hề nghĩ rằng con sẽ trở thành họa sĩ hay nhạc sĩ... vì vậy tôi đã cố gắng cho con học 6 môn đấy ngay từ khi Minh Khuê 4 tuổi. Đây là lúc mà não bộ của một đứa trẻ đã phát triển hoàn thiện nhất về cả khối lượng cũng như thể tích.
Tất nhiên khi đã quyết định cho con học, thì mình sẽ lựa chọn những thầy cô giáo ngoài chuyên môn giỏi còn là những người rất yêu trẻ và công việc giáo dục.
Trong 6 bộ môn mà chị đã cho Minh Khuê học, có nhắc đến việc học một môn thể thao, vậy chị đã cho Khuê học môn thể thao gì?
Trong triết lý của trường ĐH Harvard, thì sự thông minh về vận động thân thể được đánh giá là một trong những điều quan trọng để hình thành một con người đẹp, và họ đánh giá rất cao về điều này.
Khi Minh Khuê 4 tuổi thì môn thể thao được mình chọn đó là môn bơi. Bởi theo tôi, trong bản năng tiềm ẩn của mỗi con người, chúng ta đã bơi trong nước ối của người mẹ. Và khi cho con học bơi từ sớm thì sẽ dễ thành công hơn. Tôi chọn cho con học bơi không hề xuất phát từ việc cháu có năng khiếu hay không, mà “xuôi” theo bản năng tự nhiên của con người.
Bản năng bơi mà mình khơi dậy sớm nhất thì đứa trẻ sẽ dễ học một cách thuần thục, bởi lúc đấy trẻ chưa có nỗi sợ hãi về việc ngộp thở hay sự nguy hiểm, cơ thể hoàn toàn buông lỏng.
Tuy nhiên, thời điểm đấy việc học bơi cho trẻ 4 tuổi gần như đều bị từ chối. Câu nói của các huấn luyện viên đều là: “trẻ chưa biết nghe lời nên chưa thể ra mệnh lệnh được”, nhưng tôi đã phải thuyết phục thầy là đối với trẻ đừng ra mệnh lệnh mà rất cần giáo cụ trực quan. Nghĩa là thầy làm gì, trò làm nấy, quan sát và bắt chước. Và sau khi hiểu, thầy đã hỗ trợ theo cách đấy và chỉ trong vòng 7 ngày, con đã biết bơi một cách rất tốt.
Ảnh 2 mẹ con lúc Minh Khuê tròn 7 tuổi
Nhìn lại suốt quãng thời gian 18 năm nuôi dạy Khuê, nếu có thể thì chị có muốn thay đổi cách dạy con ở một giai đoạn nào đấy không?
Đã có rất nhiều người đặt cho tôi câu hỏi: “Nếu cho chị làm lại thì chị sẽ làm lại điều gì?”. Thực ra đây là điều mà các bà mẹ trẻ nên suy ngẫm và theo tôi không phải lo ngại về chuyện này. Bởi vì chúng ta đi với con cả một hành trình, sự sai lầm có thể đến và sẽ có nhiều lúc gặp sai lầm, đặc biệt là mối quan hệ với con khi con bước vào tuổi vị thành niên. Chúng ta phải luôn đối diện với giai đoạn này của con chứ đừng nghĩ như vậy là đối diện với con mình.
Không có một người mẹ nào là hoàn hảo, không bao giờ mắc sai lầm. Và chính bản thân tôi cũng đã mắc rất nhiều sai lầm, nhưng ngay lập tức mình biết cách để sửa chữa. Một trong những điều tôi vẫn luôn nói với con là: “Mẹ là một người hết sức bình thường và cũng mắc không ít sai lầm nhưng hơn ai hết trên thế gian này, mẹ là người yêu con nhất. Và vì yêu con mẹ sẵn sàng nhận những sai lầm đấy để rồi bước lên phía trước”.
Vì vây, sau mỗi sai lầm hai mẹ con đều ngồi lại với nhau để khắc phục. Tôi cũng muốn gửi một lời tới các bà mẹ trẻ, hãy đi cùng con như là một người bạn thực sự. Đừng áp đặt các con thì bản thân chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những khuyết điểm và hoàn thiện mình hơn.
Để đến thành công như ngày hôm nay, chị có thể chia sẻ bí quyết để có thể giữ vững niềm tin trong suốt hành trình dạy con của mình?
Tôi được một cuốn sách của trường Harvard về triết lý giáo dục là: “Giáo dục để cho trẻ phát triển tố chất chứ không phải trẻ có sẵn tố chất mới được học”. Một triết lý mà tôi cho rằng là rất hay này lại hoàn toàn ngược lại với phần lớn suy nghĩ của người Việt Nam mình, là khi cho con đi học một cái gì thì câu hỏi đặt ra trước tiên là con có năng khiếu về môn học được cân nhắc ấy không đã.
Nhiều bố mẹ chỉ nghĩ cho trẻ học chỉ để trẻ có nghề nghiệp gì đó sau này mà quên đi 4 giá trị trụ cột của việc học ngoài để kiếm sống, thì còn để trẻ hiểu biết; giúp con trẻ có được kỹ năng sống và tồn tại; để hướng đến cái đẹp của tâm hồn và trí tuệ.
Vì vậy, chỉ khi mình có một niềm tin cho trẻ học để trẻ được hạnh phúc, được phát triển tố chất thì mới đủ vững chắc cho các bậc phụ huynh trong suốt hành trình đó.
Chị đã dành thời gian của mình cho con như thế nào?
Thời gian dành cho con đơn giản chỉ là dù đi làm nhưng buổi trưa vẫn về nhà để nấu cơm cho con, buổi sáng thay vì nhờ người khác thì mình cố gắng sắp xếp thời gian chở con đến trường đơn giản để có thể thơm lên má hoặc ôm con.
Tôi vẫn thấy nhiều bạn nhỏ phải lên xe ôm với khuôn mặt vô cảm. Những người mẹ phải hiểu rằng khi các con từ lớp học bước ra, sẽ có rất nhiều cảm xúc, cũng có thể được những điểm 10 vui, nhưng không thể được gặp bố mẹ ngay để chia sẻ, cũng có thể có chuyện buồn nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Bố mẹ đến đón thì trẻ có thể khóc, kể và cảm thấy ấm áp hơn.
Như vậy, chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều những cơ hội làm bạn với con mình. Những người làm cha làm mẹ hãy suy nghĩ xem mình đang ưu tiên điều gì nhất trong cuộc sống?
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Nguồn: Thanh Hùng/ Infonet