Người “mẹ hiền” 83 tuổi và 18 đứa con đặc biệt
Đó chính là công dân Thủ đô ưu tú Hồ Phương Nam (Tây Hồ - HN) với 17 năm gắn bó với những đứa trẻ bệnh tật, khiếm khuyết trong một lớp học tình thương.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, UBND Thành phố Hà Nội tiến hành vinh danh 10 công dân Thủ đô ưu tú. Trong số 10 công dân này, có những con người vô cùng đặc biệt, tiêu biểu trong số đó là bà Hồ Hương Nam, 83 tuổi (Yên Phụ - Tây Hồ - Hà Nội).
17 năm gắn bó với trẻ “không bình thường”
Theo thông báo về thành tích của UBND Thành phố, bà Nam là người đã mở lớp học tình thương ở khu dân cư, và học sinh là những em bị khuyết tật, dị tật…Nếu chỉ nhìn vào bảng thành tích đó thì ắt hẳn chẳng thấy có gì nổi bật, bởi trong xã hội có bao nhiêu là lớp học tình thương, bao nhiêu là cô giáo dạy học thiện nguyện.
Cô giáo Hồ Hương Nam 83 tuổi đã từng gắn bó với lớp học tình thương 17 năm liên tục.
Nhưng khi tiếp xúc với bà thì, chắc hẳn không ai nghĩ bà là giáo viên đang giảng dạy, là người “mẹ hiền” của 18 học sinh đủ mọi lứa tuổi, với đủ các dị tật và khiếm khuyết cơ thể.
Chia sẻ với Gia đình Việt Nam, công dân ưu tú Hồ Hương Nam cho biết, bà rất cảm động khi được các tổ chức đoàn thể của thành phố vinh danh, dù tuổi đã không còn ít và cống hiến chẳng được nhiều.
“Tôi biết tin mình là một trong số những người được trong danh sách công dân thủ đô ưu tú qua một người hàng xóm, khi họ cho xem thông tin trên báo. Khi biết tin, tôi có cảm xúc vui buồn lẫn lộn.
Tôi vui vì đã được xã hội công nhận những sự hi sinh và đóng góp thầm lặng. Được vinh danh, ghi nhận thấy an ủi và thấy mình là người có ích cho gia đình và xã hội.
Nhưng tôi cũng cảm thấy buồn vì đã quá nhiều tuổi, nên sự cống hiến không lâu dài. Ước còn trẻ hơn để cống hiến cho thế hệ mai sau”, bà Nam chia sẻ.
Với sự hy sinh thầm lặng trong 17 năm trời với bao khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng giờ mới được vinh danh, phải chăng điều đó quá muộn màng với một công dân đã ở tuổi 83?
Với câu hỏi này, bà Nam gạt tay cho rằng: “Tôi thấy không muộn và bất ngờ khi được vinh danh, có thể nói đây là có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến những con người thầm lặng. Vì khi tôi xác định làm việc thiện tôi đâu có đặt mục tiêu là sẽ phải được danh hiệu nọ, danh hiệu kia.
Tôi tham gia giảng dạy miễn phí cho các cháu nhỏ khuyết tật bằng chính lương tâm của mình với sự yêu nghề và trách nhiệm của nhà giáo”.
Đã từng bị phụ huynh “hắt hủi”
Chia sẻ về công việc dạy học của mình trong vòng 17 năm qua, bà Nam cho biết, đúng đây là một lớp học rất đặc biệt, vì chẳng có một giáo án cụ thể cho mỗi buổi lên lớp, lớp học không có bảng xanh, phấn trắng …Ngoài ra, các em học sinh cũng có đầy đủ lứa tuổi khác nhau, học sinh nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi và học sinh lớn tuổi nhất là 34 tuổi.
Chưa bao giờ bà Nam có ý định bỏ lại lớp học dù tuổi đã cao.
Trong số các cháu theo học, có 3 cháu bị câm điếc, 3 cháu tự kỷ, 4 cháu mắc bệnh đao, thiểu năng trí tuệ 4 cháu, 3 cháu khuyết tật về vận động. Và lớp học chỉ có một cô giáo cũng đặc biệt với tuổi đời đã hơn 80 và hơn 45 năm tuổi nghề.
Chia sẻ với phóng viên Gia đình Việt Nam về những khó khăn khi bắt đầu mở lớp dạy tình thương này, bà Nam cho biết: “Nhìn lại cách đây 17 năm tôi cảm thấy sợ, vì lúc đầu khi mở lớp dạy học, đi vận động những trường hợp trẻ “không bình thường” đi học, phụ huynh học không tiếp, thậm chí có người còn nói: “Bà ơi, bà về đi, bà già lẩm cẩm về nhà lo ăn uống ở nhà”.
Lúc đó, từ cái bị xua đổi, tôi càng thấy tăng thêm nghị lực và phải làm tròn nghĩa vụ của một nhà giáo về hưu. Đó là theo đuổi bằng được mục tiêu đã đặt ra là dạy học giúp đời, mặc dù họ tỏ thái độ không thiện cảm với mình”.
Đến khi vận động thành công và hình thành lớp học chỉ với 2 học sinh bị dị tật, cho đến nay lớp học của bà đã có 18 học sinh. Đó là cả một quá trình phấn đấu và cống hiến không ngừng nghỉ, chỉ với mong muốn: “Còn sống ngày nào thì mong giúp đời, giúp xã hội ngày đó, dù công việc đó là rất nhỏ nhoi”.
Nói về những thành công khi 17 năm trực tiếp tham gia xây dựng và dạy lớp học đặc biệt này, bà Nam không giấu được cảm xúc: “Thành công lớn nhất đó chính là tình thương, tình người của các cháu dành cho tôi. Mặc dù các cháu đó có vấn đề về trí tuệ và thể xác”.
“Kỷ niệm khiến tôi nhớ nhất, đó là cách đây 3 năm, đến ngày 20/11, dù lũ trẻ không biết đó là ngày gì, nhưng mỗi cháu vẫn mua một bông hoa và ùa lên tặng khi tôi vào lớp. Hỏi ra mới biết, đó là tiền ăn sáng bố mẹ cho các cháu, các cháu tiết kiệm để mua hoa tặng tôi nhân “ngày của bà” như lời các cháu nói”, bà Nam tâm sự.
Còn về tri thức bà đã truyền đạt, tuy hiệu quả sẽ không bao giờ có được như những lớp học bình thường và chẳng bao giờ được cơ quan nào ghi nhận. “Nhìn các cháu đã biết đọc, biết viết đã biết tính toán những phép tính đơn giản, cho dù đó là cả quá trình nhưng tôi thấy rất vui. Ví dụ như có trường hợp của cháu Đỗ Kim Thúy, dù đã được gia đình cho đi học nhiều nơi, nhưng đều không có kết quả. Nhưng 16 năm qua cháu gắn bó với lớp học và giờ cháu đã học được đến trình độ lớp 5”.
Nói về thời gian tới đây, bà Nam cảm thấy rất tiếc nuối khi tuổi đã không còn trẻ, không còn cống hiến được bao lâu và cũng không thể tìm được người kế cận thay bà phụ trách lớp học, dù đã cố gắng.
Tuy tuổi đã cao, sức đã giảm, nhưng cô giáo đặc biệt này chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ lại lớp học vì lý do chán nản hay mệt mỏi dù gặp không ít khó khăn. Vì đơn giản: “Đây là nguồn vui cuối đời, các con cháu rất ủng hộ tôi và tôi chưa bao giờ thấy mệt , cũng như chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ nghề. Đối với các cháu bị khiếm khuyết này từ lâu tôi đã gắn bó và tôi coi lũ trẻ như là con, là cháu chứ không phải là học sinh bình thường”, bà Nam cho biết.
Lê Phương