Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội), tính đến 7h ngày 4/8, toàn huyện còn 11 thôn, xóm bị ngập; 546 hộ dân bị ảnh hưởng; 3.337 khẩu ngập cần cứu trợ; 1.367 khẩu đang sơ tán.
Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 2, từ 7h ngày 22/7 đến 7h ngày 30/7, trên địa bàn huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội), lượng mưa đo được là 408,35mm khiến nhiều khu vực bị ngập sâu, nhiều thôn xóm bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ.
Trao đổi với Gia đình Việt Nam ngày 4/8, ông Lê Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) cho biết trong đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn xã có 4 thôn Nhân Lý, Nam Hài, Hạnh Bồ, Hạnh Côn bị ảnh hưởng nặng nề do bị nước lũ cô lập.
Chính quyền địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung cung cấp nước sạch và lương thực, thuốc men cho bà con nhân dân. Trạm Y tế đã tổ chức cấp thuốc tại nhà cho những trường hợp người dân bị bệnh mạn tính; bệnh ngoài da, mắt, tiêu chảy…
"Thời điểm hiện nay, ngay khi nước rút thì chính quyền và nhân dân địa phương đã tập trung vệ sinh, khơi thông cống rãnh, trục vớt rác trôi nổi tại các điểm ngập trũng, đọng nước, thu gom rác, phế thải tới điểm tập kết.
Chúng tôi thực hiện phương châm nước rút đến đâu sẽ thực hiện vệ sinh, thu gom rác, vệ sinh tiêu độc đến đó, cộng với phun thuốc khử trùng để bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh", Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) thông tin.
Trong những ngày qua, toàn huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) đã huy động 4.721 người và 199 phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả. Xí nghiệp Đầu tư và khai thác công trình thủy lợi đang vận hành 4 trạm bơm và 10 máy bơm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức tiếp nhận và cấp phát hỗ trợ đến các hộ dân trong vùng ngập úng.
Hiện tại, UBND huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai tổng vệ sinh môi trường, rác thải, xác động vật; thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ thiệt hại theo quy định; triển khai phương án phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống của nhân dân; kiểm tra, đánh giá sự cố các công trình giao thông, hạ tầng, nhà ở, đê điều, thủy lợi; kiểm soát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi.
Chủ động triển khai phương án đảm bảo cứu trợ đời sống cho nhân dân; không để tình trạng người dân không có nước uống, sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu; chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, kê kích tài sản; hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men, thiết bị y tế...