Chủ nhật, 27/07/2025 21:08     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Emagazine
Đã 73 năm trôi qua, khúc tráng ca ở Nàn Ma vẫn vọng mãi, là tiếng gọi từ lịch sử thiêng liêng về lòng yêu nước, về tinh thần chiến đấu kiên cường của những người con đất Việt...

Khúc tráng ca ở Nàn Ma

Giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, Khu di tích lịch sử Nàn Ma (xã Pà Vầy Sủ, tỉnh Tuyên Quang) trước đây là xã Nàn Ma (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) lặng lẽ nằm nép mình bên những rặng sa mộc trầm tư.

Nhưng ít ai biết rằng, nơi đây lại từng vang lên tiếng súng, máu và nước mắt vào một đêm giữa tháng 7/1952, 11 chiến sĩ trẻ của Đội Văn công (Trung đoàn 148) đã viết nên một bản tráng ca bất tử hòa mình vào cùng non sông, đất nước.

Được thành lập vào tháng 8/1950 tại Lang Chánh (Thanh Hóa), Đội Văn công Trung đoàn 148 ban đầu gọi là "Đội tuyên văn". Đến tháng 5/1951, được đổi tên thành "Đội văn công" (Trung đoàn 148), gồm 12 cán bộ, chiến sĩ.

Họ là những chiến sĩ chiến đấu bằng chính lời ca, điệu múa, bằng trái tim rực lửa cách mạng đã vượt hàng ngàn cây số dốc đá hiểm trở, hành quân cùng bộ đội, biểu diễn, tuyên truyền chủ trương của Đảng và Chính phủ tới từng thôn bản xa xôi vùng Tây Bắc.

Là đội văn công của một trung đoàn chủ lực, chặng đường công tác, phục vụ của Đội luôn gắn với các tuyến đường hành quân, các chiến dịch của Trung đoàn như: Chiến dịch Thượng Lào, mặt trận Sơn La, Lai Châu, Lào Cai.

Tháng 5/1952, Đội văn công (Trung đoàn 148) nhận nhiệm vụ biểu diễn phục vụ nhân dân các tỉnh ở Tây Bắc. Đến trung tuần tháng 7/1952, Đội được lệnh cơ động về phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Lào Cai theo hướng từ Hoàng Su Phì lên Xín Mần, Si Ma Cai, Bắc Hà về Lào Cai.


Chiều 15/7/1952, Đội dừng chân nghỉ đêm tại ngôi nhà không người ở của ông Giàng Seo Dìn (xã Nàn Ma). Tại đây, Đội bất ngờ bị lực lượng phỉ đánh úp, 7 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị phỉ vứt thi thể xuống hố sâu, 4 đồng chí bị phỉ bắt nhưng kiên quyết không chịu khuất phục, bị chúng sát hại trước mặt dân chúng để thị uy.

Tinh thần vượt qua gian khổ, hết lòng phục vụ cán bộ, chiến sĩ, phục vụ nhân dân, anh dũng hy sinh của Đội Văn công tiếp tục được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 148 anh hùng tiếp nối và phát huy trong suốt những năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành.

"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước

Trong Đội Văn công gồm 12 người năm đó chỉ có một người sống sót là đồng chí Đỗ Tùng. Do bị sốt rét nặng nên anh nằm lại cùng tổ thương binh trong rừng.

Trong hồi ký sau này, ông nghẹn ngào kể lại: "Các anh em đã đánh trả tới viên đạn cuối cùng nhưng rồi vẫn bị bắt lại. Khi phỉ bắt các đồng chí ra xử bắn, họ vẫn hát, hiên ngang, không cúi đầu. Không biết bao nhiêu đêm tôi vẫn khóc".

Bia tưởng niệm ở Nàn Ma vẫn còn đó, nơi đây như còn ngân vang tiếng hát bi hùng năm xưa. Nơi các chiến sĩ ngã xuống đã có bia tưởng niệm được dựng lên. Bên "Giếng Mồ" nơi phỉ vứt xác các chiến sĩ có một bức phù điêu tạc hình 11 văn công hỏa tuyến được dựng lên đầy trang nghiêm.

Di tích lịch sử Nàn Ma không chỉ là chứng tích tội ác của phỉ, tay sai do thực dân Pháp dựng lên để phá hoại kháng chiến giờ đây trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước, lòng quả cảm, sự hy sinh quên mình vì độc lập dân tộc.

Năm 2006, Di tích lịch sử địa điểm Đội Văn công Trung đoàn 148 hy sinh tại Nàn Ma năm 1952 được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến ngày 20/11/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia – một sự ghi nhận xứng đáng với tinh thần bất tử của những con người đã ngã xuống bằng lời ca.

Di tích Nàn Ma không chỉ là nơi tưởng nhớ, mà còn là lời nhắc về tinh thần "Tây Tiến" của cả một thế hệ – vượt núi cao, vượt gian khó, đem văn hóa cách mạng soi sáng từng bản làng, từng người dân nơi biên ải.

Những chàng trai, cô gái năm xưa đã chọn cách hiên ngang đối mặt với tử thần – bằng trái tim nghệ sĩ và tinh thần người lính kiên trung, bất khuất. Khúc tráng ca năm ấy không chìm vào quá khứ. Nó đang sống, vang vọng và tiếp sức cho thế hệ hôm nay giữ trọn niềm tin, sống xứng đáng với máu xương của cha ông.

"Di tích lịch sử Nàn Ma - Nơi ghi dấu sự hy sinh của Đội Văn công Trung đoàn 148 là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống quân đội, truyền thống lịch sử văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương và du khách trong và ngoài nước. Nơi đây ghi dấu đậm nét những năm tháng ác liệt của cuộc chiến đánh đuổi thực dân Pháp và tay sai của quân và dân ta", ông Nguyễn Tiến Hùng (Nguyên Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang).

Hải Nam  
Nàn Ma - vọng mãi khúc tráng ca bất tử
Hà Hà Thành: Nghệ sĩ Gen Z đa tài, chuyên nghiệp và đầy triển vọng
Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam:
Hà Nội giải
Đào tạo nhân lực báo chí trong thời đại AI: Thích nghi với công nghệ, nâng cao đạo đức và trách nhiệm xã hội là trọng tâm hàng đầu
Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT: “Báo chí muốn làm tốt phải trung thực và hướng thiện”
Infographic: Vũng Tàu – Tâm điểm kết nối, cửa ngõ logistics - du lịch của TP. HCM
Lớp học tiếng Anh đặc biệt của Thiếu tá công an nơi biên cương Tổ quốc
Bác sĩ Nguyễn Duy Phương: Người thắp lửa hạnh phúc cho những mái ấm từng lặng lẽ đau thương
Xem thêm