Mùa Vu Lan xa nhà, nghĩ nhiều hơn về chuyện báo hiếu
Tôi chợt nhận ra rằng không chỉ có mùa Vu Lan mà bất kỳ thời điểm nào trong đời, chúng ta cũng nên về nhà nhiều hơn.
Một mùa Vu Lan nữa lại về. Tuy nhiên, dịp lễ Vu Lan năm nay hẳn sẽ có nhiều người do “mắc kẹt” trong vùng dịch nên không thể về nhà, đoàn tụ cùng cha mẹ và người thân. Cá nhân tôi cũng không là ngoại lệ, khi chỉ biết ngậm ngùi gọi điện thoại về cho cha mẹ đang ở cách xa hai đầu đất nước. Và tôi chợt nhận ra rằng không chỉ có mùa Vu Lan mà bất kỳ thời điểm nào trong đời, chúng ta cũng nên về nhà nhiều hơn.
Vu Lan mùa dịch, khắc khoải mong nhớ những ngày bình yên
Vốn là một tín đồ Phật giáo, mẹ tôi khắc khoải nhớ những tháng Bảy trước đây, khi cả nhà còn đông đủ để lên chùa cầu an cho ông bà. Mẹ nhắc lại kỉ niệm năm ngoái khi bà tôi còn khỏe, cả gia đình tôi cùng quây quần nấu những món chay để dâng hương cho tổ tiên. Thế mà tháng Bảy năm nay, tôi bị kẹt ở miền Nam, không thể về quê.
Chỉ hai hôm trước, thành phố nơi tôi đang sống lại ra thông báo giãn cách xã hội, vậy là qua Vu lan, qua dịp 2/9 năm nay, tôi vẫn phải ở yên trong nhà. Chẳng biết đến Trung Thu, cũng là dịp giỗ bà nội, mọi thứ đã ổn hơn chưa?
Ảnh minh họa.
Vốn dĩ xa nhà từ nhỏ, tôi học dần thói quen tự lập và không cảm thấy quá nhớ quê nhà như những người mới xa quê lập nghiệp.
Do mê mải với công việc, tôi càng chẳng mặn mà với việc về nhà. Thậm chí, khi về đến nhà, tôi vẫn mang theo laptop để làm việc ban đêm chứ hiếm khi trò chuyện với ba mẹ nhiều. Để rồi khi dịch bệnh tràn đến, tôi mới thấm thía cảm giác xa gia đình, thiếu vắng sự chăm sóc của ba mẹ.
Những cuộc điện thoại liên tục của ba mẹ, những thùng thực phẩm tiếp tế gởi gấp cho tôi trong suốt đợt giãn cách càng khiến tôi nhận ra tình thương vô bờ bến của ba mẹ dành cho mình.
Sẽ có những thời điểm trong cuộc đời, do mải mê với công việc và thế giới phồn hoa ngoài cánh cửa nhà, mỗi chúng ta đã bỏ quên ba mẹ và gia đình thân thuộc của mình. Nhưng ba mẹ thì không như thế, họ vẫn kiên nhẫn yêu thương một cách vô điều kiện và chờ đợi chúng ta quay về bất kể thời điểm nào. Tình thương yêu ấy không một ai trên thế giới này, không một điều náo nhiệt phồn hoa nào có thể sánh bằng.
Hội ngộ gia đình sau giãn cách, niềm vui khó gì sánh bằng
Sau khi kết thúc đợt giãn cách tại thành phố nơi mình đang sống, các bạn sẽ làm gì đầu tiên?
Có người bảo muốn đi cắt tóc, có người lại thích ra phố đi dạo, có người muốn ghé quán quen để gặp gỡ bạn bè. Riêng tôi, chỉ tha thiết muốn về nhà, hội ngộ cùng gia đình.
Sống một mình tại thành phố, dù đôi khi cảm thấy rất ung dung, tự tại nhưng đa phần vẫn khiến tôi cảm thấy cô đơn. Suy cho cùng, điều chúng ta mong mỏi nhất đâu phải là tiền bạc, địa vị hay những hào nhoáng bề ngoài. Gia đình và những người thương yêu là điều duy nhất khiến mỗi người chúng ta cảm thấy giàu có và đủ đầy hơn.
Vu Lan xa nhà khiến tôi nghĩ nhiều hơn đến việc “báo hiếu” cho cha mẹ. Vốn dĩ, trước đây cứ cho rằng phải thật thành công, giàu có và có cuộc sống viên mãn mới là “báo hiếu” cha mẹ. Trải qua nhiều năm tháng mới nhận ra rằng chỉ cần bản thân sống tốt một cuộc đời bình an, không để cho cha mẹ phải lo lắng đã là “có hiếu” rồi.
Như thời điểm này, khi tôi bình yên ở một góc nhỏ giữa thành phố, nghĩ đến vô số người đang khốn khó ở khắp đất nước mà thấy thấm thía nỗi thương xót. Thật biết ơn vì bản thân vẫn được bình an và cầu xin phước lành đến cho họ, những người đã mất người thân trong đại dịch, những người đã mãi mãi ra đi vì những ngày dịch bệnh buồn bã.
Vu Lan xa nhà năm nay, chẳng có người thân bên cạnh, tôi chỉ biết lặng lẽ đốt một nén nhang trầm, thành tâm đọc kinh để nguyện cầu bình an gửi đến cha mẹ. Mong rằng những thời điểm khó khăn này rồi sẽ trôi qua, để một ngày bình yên nào đó, mỗi người trong chúng ta lại được quây quần bên gia đình và những người thương yêu.
-> Làm sao có thể hiếu thảo cha mẹ khi không có trách nhiệm với cuộc đời mình