Mắc uốn ván nguy hiểm từ những vết xước chân tay
Hầu hết người bệnh đều không nghĩ mình sẽ mắc uốn ván nên chủ quan trong điều trị, Nhiều trường hợp bị uốn ván nguy kịch chỉ từ vết thương nhỏ như gà mổ, gai đâm…
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội), trong tuần qua (từ ngày 18 đến 25/8), trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm 2 ca mắc uốn ván.
Trường hợp đầu tiên là cụ bà 83 tuổi (ở xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) mắc bệnh sau khi tự rạch mụn cơm ở ngón chân. Sau 5 ngày tự điều trị mụn cơm, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, viêm họng, đau bụng vùng hạ vị, há miệng khó, co cứng cơ toàn thân. Sau đó, bệnh nhân đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thì được các bác sĩ chẩn đoán mắc uốn ván và lên phác đồ điều trị.
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 53 tuổi (ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP. Hà Nội). Trước khi vào viện 10 ngày, bệnh nhân bị trượt ngã, đầu gối trái va đập mạnh vào nền đá gây xước da. Sau đó, bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư và mua thuốc kháng sinh, giảm đau về uống nhưng không tiêm phòng uốn ván. Sau khi điều trị 1 tuần không khỏi, bệnh nhân xuất hiện thêm hiện tượng cứng hàm, nói khó và được người nhà đưa đến Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc uốn ván.
Nhiều trường hợp bị uốn ván nguy kịch chỉ từ vết thương nhỏ như gà mổ, gai đâm
Trước đó, nam bệnh nhân (65 tuổi, ở huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) cũng bị phát hiện mắc uốn ván sau khi va phải cạnh bê tông cứng dưới ruộng bùn và bị thương ở gan bàn chân phải, sưng nề. Bệnh nhân tự rửa vết thương và uống kháng sinh nhưng không tiêm phòng uốn ván.
Sau đó, người đàn ông này thấy đau nhức nhiều tại vết thương, cứng nhẹ cơ hàm, nói khó, ăn uống kém. Bệnh nhân đã đi khám tại Bệnh viện Quân y 105 và được chẩn đoán uốn ván.Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị.
Trường hợp tiếp theo là nam bệnh nhân 50 tuổi, cũng ở huyện Ba Vì. Trước khi vào viện 14 ngày, bệnh nhân va vào đinh sắt ở chuồng thỏ và bị xước da, chảy máu vùng mu bàn tay phải nhưng không tiêm phòng uốn ván. Sau khi xuất hiện cứng hàm, mỏi miệng, nuốt sặc, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán mắc uốn ván.
Theo thống kê, từ đầu năm 2023 cho đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc uốn ván (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó 2 ca tử vong.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, đặc trưng bởi tăng trương lực cơ và các cơn co cứng. Thời kỳ ủ bệnh khoảng 4 - 21 ngày. Bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.
Triệu chứng là những cơn co cứng cơ kèm theo đau. Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như gãy xương, gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp, động kinh, viêm phổi, thuyên tắc phổi, suy thận… Nhiều trường hợp bị uốn ván nguy kịch chỉ từ vết thương nhỏ như gà mổ, gai đâm…
Hầu hết người bệnh đều không nghĩ mình sẽ mắc uốn ván nên chủ quan trong điều trị, không đi tiêm phòng kịp thời và phải nhập viện khi tình trạng bệnh đã tiến triển nặng. Để tránh bị uốn ván, theo khuyến cáo của các bác sĩ, sau khi bị vết thương nên đến các cơ sở y tế để tiêm phòng uốn ván kịp thời.