Làm gì khi con đến tuổi dậy thì? (1)
Giai đoạn khủng hoảng dậy thì không chỉ là lúc trẻ chịu đựng khủng hoảng mà còn là lúc trẻ bắt đầu biết tự đánh giá bản thân cao hơn và chuẩn bị cho quá trình tự lập phía trước.
Câu chuyện về tuổi dậy thì là một câu chuyện dài. Trong 3 lứa tuổi khủng hoảng của một đứa trẻ thì đây có thể là giai đoạn khủng hoảng mạnh nhất, nhiều dằn vặt nhất và để lại nhiều ấn tượng cả tích cực lẫn tiêu cực nhất trong ký ức. Giai đoạn khủng hoảng dậy thì này của trẻ không chỉ là lúc trẻ chịu đựng khủng hoảng mà còn là lúc trẻ bắt đầu biết tự đánh giá bản thân cao hơn và chuẩn bị cho quá trình tự lập phía trước: tự lập trong tư duy, trong sinh hoạt, trong các quyết định nghề nghiệp.
Một số vấn đề chung của các gia đình có con ở tuổi dậy thì là: các mối quan hệ bạn bè mới mẻ của trẻ, bố mẹ thích hay không thích bạn của con, đánh giá sai hoặc định kiến; con bỗng nhiên hay cãi và phản ứng mạnh khi bố mẹ phê phán hay cằn nhằn nhiều; hoặc đôi khi tranh cãi và buồn bực chỉ bắt đầu chỉ là một thông điệp từ bố mẹ hoặc từ đứa con được đưa ra và bị hiểu sai.
Chính vì thế, phải nắm được những điều làm nên sự “khủng hoảng” của các con trong tâm lý thì người lớn cũng dễ dàng hỗ trợ, hóa giải chúng cùng con.
Bố mẹ phải làm gì khi con đến tuổi dậy thì?
Thời kỳ này, các cô cậu bé vấp phải một vấn đề là họ luôn bị ngợp (ngại, sợ) những người lớn. Dường như uy tín của người lớn, những kinh nghiệm của người lớn luôn luôn là sự cản trở các cô cậu thể hiện mình, mà nhiệm vụ của các cô cậu bé tuổi này đặt ra phải sống khác đi so với thời kỳ trước đó, nếu không thì làm sao mà đi đến trưởng thành được? Vì vậy, họ thường sợ hãi, hoang mang hoặc không tin tưởng vào bản thân dẫn đến tâm trạng bực bội, cáu giận.
Một mặt những bực bội cáu giận này khiến khoảng cách giữa trẻ và bố mẹ lớn thêm, điều đó khiến bố mẹ buồn phiền mà cũng chính các cô cậu bé cũng không biết làm sao. Một khác đó là cú hích khiến cho những đứa trẻ của chúng ta phải vùng vẫy để tìm đường đi tiếp, giải quyết những vấn đề của mình, tự tìm hiểu bản thân và tìm ra một quyết định mới. Đó là những quyết định gì?
Phải khẳng định sự tự lập, không phụ thuộc của mình, tự giải quyết các vấn đề của mình; xem xét lại một loạt các giá trị (tình bạn, tình yêu, trách nhiệm…); tìm ra các nguồn thông tin và các nơi có thể khẳng định vị trí và cái “tôi” của mình, ngoài bố mẹ và người thân. Lúc này, bạn bè, thầy cô đối với trẻ rất quan trọng, uy tín của bạn bè lớn dần lên so với trước đây. Trước, trẻ hay nói, bố mẹ tớ bảo, giờ sẽ có niềm tin lớn đối với một vài người bạn thân nào đó.
Cần có sự sẵn sàng cho việc trưởng thành và ngày càng trở nên tự tin hơn khi nhận thức và đánh giá được bản thân.
Bắt đầu hướng tới việc xác định mục đích lâu dài cho cuộc đời và nghề nghiệp để có thể hăm hở đi theo con đường mình chọn. Rất sai lầm nếu ở thời điểm này, bố mẹ hoàn toàn quyết thay cho con.
Cần học được cách tự kiểm soát cảm xúc, điều khiển được chính kiến và có trách nhiệm cá nhân trong mọi hành động của mình – đây là những khái niệm rất quan trọng.
Việc của người lớn trong thời điểm này không phải là chạy theo giải quyết từng việc một cho con, cũng không phải khẳng định với con là bố mẹ là người đáng tin cậy để con dựa vào mà phải khuyến khích con quen dần với việc tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình bằng cách:
Đề nghị con chọn một công việc trong gia đình và giữ đúng nguyên tắc, không làm hộ, không tặc lưỡi bỏ qua một vài hôm con ngại không làm.
Khen ngợi, khuyến khích những năng lực cá nhân của con và tìm cách để những khả năng đó được phát triển, có ích cho gia đình và cộng đồng. Chẳng hạn, con có khả năng đá bóng, khuyến khích con tham gia đội bóng của trường hoặc đi dạy bóng đá tình nguyện cho các em nhỏ mồ côi.
Con có khả năng Toán tốt, bố mẹ đề nghị con hỗ trợ việc lên kế hoạch chi tiêu hoặc ghi chép, tính toán các bước thực hiện một công việc hay dự án nhỏ nào đó. Con có khả năng tiếng Anh, bố mẹ đề nghị con dạy cho em hoặc cho con tham gia các buổi đọc sách tiếng Anh cộng đồng..v..v... Qua những hoạt động ấy, trẻ nhanh chóng khẳng định và tin vào khả năng của bản thân, chuẩn bị cho các bước quyết định nghề nghiệp tiếp theo.
Khi có vấn đề nho nhỏ xảy ra như con đánh mất tiền, làm hỏng gì đó... thì khuyến khích con đưa ra giải pháp của riêng mình chứ không vội vàng xử lý hộ con. Ví dụ: con có thể đi làm thêm để trả lại số tiền đánh mất hoặc nhận một việc gì đó về nhà làm. Bố mẹ hãy kiên nhẫn đứng bên ngoài hỗ trợ khi cần thiết.
Luôn tỏ ra cần sự giúp đỡ của con và tự hào về những sáng kiến của con, dù nhỏ nhất. Luôn hỏi ý kiến con các việc nho nhỏ trong gia đình.
(còn tiếp)
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh