Làm gì khi bị dị ứng thực phẩm?
Dị ứng thực phẩm là phản ứng của cơ thể đối với một số chất (dị nguyên) có trong thức ăn.
Nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm
Đối với nhiều người rất có thể phải đối đầu với chứng dị ứng thực phẩm ngay sau khi ăn hoặc vài giờ sau khi tiêu thụ.

Để phòng tránh dị ứng thực phẩm cần hết sức cẩn trọng khi có ý định ăn thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao (Ảnh minh họa: Internet)
Dị ứng thực phẩm ảnh hưởng đến 6 - 8% ước tính của trẻ em dưới 3 tuổi, và khoảng 4% người lớn.
Dị ứng thực phẩm rất dễ bị nhầm lẫn với tình trạng không dung nạp thức ăn, cũng tạo sự khó chịu với người bệnh. Không dung nạp thức ăn là tình trạng sức khỏe ít nghiêm trọng, không liên quan đến hệ thống miễn dịch. Nó có thể đến từ nhiều nguyên nhân dưới đây.
Hiện tượng di truyền
Gặp ở những người có tiền sử bản thân hoặc gia đình có người bị dị ứng chẳng hạn như mề đay, chàm… Một số nghiên cứu gần đây cho rằng bố mẹ có người bị dị ứng với thức ăn thì sẽ di truyền trực tiếp xuống đời con cái. Nhưng có một điều đặc biệt là chỉ có chứng dị ứng là di truyền còn dị ứng bởi tác nhân nao thì lại có thể hoàn toàn khác nhau.
Môi trường
Chức năng cơ thể hoàn toàn bình thường nhưng do các yếu tố tác động từ bên ngoài như các chất hóa học, chất bảo quản,…có trong các thực phẩm sử dụng hàng ngày, những thực phẩm này có các phản ứng mẩn cảm ở cơ thể có trong đậu phông, hải sản, óc chó, trứng, sữa…
Yếu tố tuổi tác
Theo một số số liệu thống kê thời gian gần đây cho thấy trẻ em là đối tượng khá mẫn cảm nên dễ dị ứng thức ăn hơn so với người lớn, một vài trường hợp còn dẫn tới tử vong do dị ứng diến biến nghiêm trọng
Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu là những yếu tố thuận lợi để những thành phần lạ trong thực phẩm có cơ hội tấn công gây dị ứng. Một số trường hợp ghi nhận trẻ em bị dị ứng với các loại thực phẩm như tôm, cua, sữa bò hay đậu phộng.
Cần làm gì khi bị dị ứng thực phẩm
Theo PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm), với những loại thức ăn khác nhau sẽ gây ra tình trạng dị ứng cho từng lứa tuổi khác nhau.
Trong đó, sữa, trứng gà và đậu phộng là tác nhân gây dị ứng hàng đầu cho trẻ em. Đồ hải sản như nghêu sò, cá biển… thì hay gây dị ứng cho người lớn.
"Thông thường, dị ứng thực phẩm thường xảy ra ngay trong lần đầu tiên ăn. Biểu hiện của dị ứng thực phẩm là nổi mề đay ở da, đỏ bừng mặt, phù mạch, nếu bị bệnh chàm thì tình trạng sẽ trở nên nặng nề hơn", PGS.TS Trần Đáng cho biết.
Tùy từng trường hợp bị dị ứng mà có những cách xử lý khác nhau. Đối với người bị dị ứng thực phẩm thì cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Không nên tắm, lau người bằng nước nóng mà hãy đắp nước lạnh lên chỗ ban mọc vì nhiệt độ cao rất dễ khiến tình trạng phát ban nặng thêm.
– Tránh tiếp xúc với các món ăn dễ gây dị ứng. Hạn chế các thức ăn nguội lạnh.
– Mặc quần áo rộng, thoáng, nghỉ ngơi, có thể dùng các thuốc chống dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ. 4 loại thuốc thường dùng trong dị ứng thực phẩm là: epinephrin, kháng histamin, chống co thắt phế quản, corticoid. Việc chỉ định dùng thuốc sẽ tùy biểu hiện dị ứng nặng hay nhẹ. Khi dùng thuốc cần lưu ý, các thuốc kháng histamin và corticoid có thể gây tác dụng phụ và tai biến nên cần cẩn trọng.
– Nếu các triệu chứng ngày càng trở nên trầm trọng hơn thì cần tới gặp các bác sỹ tránh trường hợp nhầm lẫn dị ứng thức ăn với các bệnh nguy hiểm khác.