Khu vườn đủ cây trái trên sân thượng nhà cô giáo Sài Gòn
Tận dụng khoảng trống 25m2 trên sân thượng, vợ chồng chị Lê Thị Ngọc Trân trồng các loại rau củ và cây ăn trái cung cấp thực phẩm sạch cho cả nhà.
Căn nhà phố 4 lầu, rộng hơn 60m2 là của vợ chồng chị Lê Thị Ngọc Trân - giáo viên dạy toán ở quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Chị Trân cho biết, do diện tích khiêm tốn, vợ chồng chị tận dụng hết đất xây các phòng chức năng ở 4 tầng lầu, chỉ còn khoảng trống 25m2 trên sân thượng làm nơi hóng mát cho cả nhà vào ban đêm.
Năm 2011, chồng chị bắt đầu trồng rau. Ban đầu, anh chỉ gieo một số loại rau mầm, rau cải để có rau sạch ăn và có khoảng xanh trong nhà.
Bốn năm trước, chị Trân nghỉ sinh con gái. Những lúc rảnh, chị lên sân thượng ngắm rau thì thấy rất thích. Từ đó, chị và chồng nảy sinh ý tưởng làm vườn trên sân thượng.
Để thực hiện ý tưởng, vợ chồng chị Trân sử dụng kệ sắt, khay nhựa, giàn leo... thiết kế vườn. Khâu khó nhất khi làm vườn trên sân thượng là vận chuyển đất lên. "Mỗi bao đất nặng 30 kg. Lối lên cầu thang thì hẹp, vì vậy, phải rất khó khăn vợ chồng tôi mới vận chuyển xong 50 bao đất lên sân thượng", chị Trân kể.
Sau khi trộn đất với vôi bột, rơm, xơ dừa, phân trùm quế...và ủ đúng 3 ngày, vợ chồng chị Trân mới bắt đầu trồng cây.
Ngoài trồng rau cải, rau muống, bầu bí, cà chua, các loại rau thơm... vợ chồng chị Trân còn trồng nho, chuối, cóc, ổi, vú sữa, các loại dưa... Chị Trân cho biết, tất cả các cây đều xanh tốt, cho trái nhiều.
Đây là cây táo ngọt không có gai. Gần đây, chị Trân thu được 30kg táo.
Cây cóc bonsai cũng cho trái nhiều. Chị Trân thường hái vào dầm muối ớt, hoặc ngâm chua ngọt.
Chị Trân thu hoạch táo ngọt và rau cải. Nữ giáo viên cho biết, các loại cây trong vườn cho năng suất tốt, vì vậy, mấy năm qua nhà chị không phải mua rau, trái cây. Nhiều khi thu hoạch nhiều, ăn không hết chị mang đi tặng người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm.
Chia sẻ về bí quyết trồng được đủ loại cây trong diện tích chỉ 25m2 trên sân thượng, chị Trân cho biết, đó là nhờ cách sắp xếp hợp lý. Với những cây ăn quả lâu năm như: cóc, ổi, vú sữa, nho, chuối... chị trồng trong chậu lớn. Còn các loại cây rau dễ sống và dễ chăm sóc chị trồng trong thùng nhỏ, khay nhựa... làm giàn treo lên.
Để vườn cây luôn xanh tốt, sau khi thu hoạch xong một lứa, chị lấy hết đất trong chậu ra, cho thêm vôi, phân, rơm, xơ dừa trộn đều và ủ lại. Sau khi ủ đúng 3 ngày chị mới bắt đầu trồng cây. Việc tưới nước cho cây, vợ chồng chị lắp hệ thống tự động, vì vậy, cây luôn được "ăn" nước, chủ nhà đi đâu cũng không sợ cây bị héo.
Chị Trân cho biết, đợt vừa rồi chị thu hoạch được một lúc 50kg dưa leo, trái mọng nước, ăn ngọt. "Cây dưa ra trái nhiều quá, sợ hỏng cây, tôi phải cắt hết trái", chị Trân nói.
Vợ chồng chị cũng trồng một cây chuối cau cho các con ăn. Do được chăm sóc tốt nên cây cho trái to, ăn ngọt.
Cây khế ngọt cho trái to, mọng nước.
Chị cho biết, sân thượng ở tầng 4, việc chăm sóc tương đối vất vả, nhất là những khi phải khuân vác đất lên trồng cây. Chi phí mua sắm nguyên vật liệu để trồng cây cũng khá lớn, lại mất nhiều thời gian chăm sóc nhưng chị Trân rất hài lòng vì có khu vườn tươi tốt, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, đa dạng cho gia đình và giúp chị giải tỏa những căng thẳng trong công việc.
Chị Trân cho biết, mỗi khi trồng loại cây, loại rau nào vợ chồng chị sẽ tìm đọc kỹ cách trồng, chăm sóc trước rồi mới áp dụng. Vì vậy, tất cả các loại cây trong vườn nhà chị luôn xanh tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao.
Vừa bận chăm con nhỏ, vừa chăm vườn rau nhưng chị Trân cảm thấy hài lòng. Chị nói, vui nhất là lúc cây trái cho năng suất tốt. "Không chỉ vợ chồng tôi thích vườn cây này mà các con cũng vậy. Cứ mỗi tối, hay ngày cuối tuần, lễ Tết là nhà tôi lại lên vườn cây để ngắm và hóng mát", chị Trân nói.