Không có kem đánh răng, người xưa làm gì để vệ sinh răng miệng?
Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ, trước kia chưa có kem đánh răng, người xưa vẫn có nhiều phương pháp để chăm sóc và vệ sinh răng miệng.
Người cổ đại từ xa xưa đã xem trọng việc chăm sóc bảo vệ răng miệng. Họ cho rằng "cái răng, cái tóc" là gốc rễ sinh mệnh của mỗi con người. Từ hàng ngàn năm trước, khi nhận thức được vấn đề về răng miệng, họ cũng đã biết tìm hiểu rất nhiều phương pháp trị liệu khác nhau.
Người xưa có nhiều phương pháp khác để vệ sinh răng miệng dù không có kem đánh răng (Ảnh: Sohu)
Thói quen súc miệng
Ngay từ hơn 2000 năm trước, người Trung Hoa đã có thói quen sử dụng nước muối súc miệng ngay sau khi ngủ dậy. Tôn Tư Mạc, một thầy thuốc nổi danh thời cổ đại của Trung Hoa đã từng mô tả về việc súc miệng bằng nước muối như sau: "Mỗi sáng sớm ngậm một chút muối và nước ấm trong miệng, sẽ rất tốt cho cổ họng và răng".
Người xưa cũng sử dụng rượu, trà hoặc giấm để súc miệng. Trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng có mô tả người nhà họ Giả sau khi ăn xong sẽ dùng trà để súc miệng.
Tự tạo bàn chải đánh răng
Ngoài súc miệng, một phương pháp vệ sinh răng miệng được nhiều người sử dụng là lau răng. Khi chưa có dụng cụ đặc biệt để vệ sinh răng, một số người xưa đã dùng ngón trỏ để lau răng. Ngoài ra, họ cũng dùng vải sạch để lau răng. Khi khai quật một ngôi mộ vào thời nhà Đường các nhà khảo cổ phát hiện ghi chép về "một trăm tấm vải lau răng", điều này có nghĩa là vải vóc cũng được người Trung Hoa cổ đại sử dụng để làm sạch răng.
Vào thời Tùy và thời Đường, người xưa còn sử dụng cành liễu để làm bàn chải đánh răng. Trong quyển y thư "Ngoại đài bí yếu phương" có ghi: Mỗi buổi sáng cắn chặt cành dương liễu, thêm một chút thuốc để làm sạch răng, vừa thơm lại còn trắng sáng. Cụ thể hơn, người xưa sẽ vuốt dẹp 1 đầu cành dương liễu rồi bôi thuốc làm sạch răng lên và cọ xát phần đầu dẹp đó vào răng.
Đến thời nhà Tống, người xưa sử dụng lông đuôi ngựa gắn trên cành cây để tạo thành bàn chải đánh răng.
Cành liễu có thể được coi là "ông tổ" của những chiếc bàn chải đánh răng hiện nay (Ảnh: Sina)
Hay như người Việt xưa khi chưa có bàn chải thường dùng miếng cau khô để chà răng. Vỏ cau được phơi khô, sau đó cắt thành từng miếng có một mặt bằng phẳng dùng để chà vào răng. Họ cũng dùng vỏ cau khô vệ sinh lưỡi cho hết chất bẩn. Một số người có thể dùng thêm nước muối để ngậm sau khi chà răng.
Theo các nghiên cứu, quả cau chứa nhiều chất diệt khuẩn, thanh trùng, ngăn ngừa được các loại vi khuẩn tấn công khoang miệng, bên cạnh đó, còn giúp miệng không có mùi hôi. Chất chát (tanin) trong vỏ cau có thể làm chân răng co lại, ôm sát răng làm răng chắc khỏe hơn, ngăn ngừa tình trạng chảy máu chân răng hay tụt lợi… Tuy nhiên, ngày nay việc dùng cau chà răng không còn phổ biến như trước nữa.
Người Ai Cập cổ đại xưa thường dùng cây gậy nhai để làm sạch răng mình. Cây gậy nhai (hay gỗ nhai) được cho là "tổ tiên" của chiếc bàn chải đánh răng ngày nay.
Cụ thể, người Ai Cập xưa đã dùng các cành gỗ nhỏ, vót nhọn 1 đầu để xỉa răng với công dụng như chiếc tăm bây giờ. Khi chiếc đầu này bắt đầu bị tòe, họ đã tẽ tẽ chúng ra và dùng để chải răng. Khi đầu bàn chải bẩn hoặc bị rối, họ sẽ cắt bỏ phần đó và bắt đầu với 1 chiếc đầu "bàn chải" mới.
Được biết, giới khảo cổ học đã phát hiện ra khá nhiều dấu vết của những cây gậy nhai này trong ngôi mộ của người Ai Cập cổ. Chính vì thế họ tin rằng người Ai Cập xưa đã dùng gỗ nhai như 1 cách để vệ sinh răng.
Kem đánh răng từ thảo dược
Tất nhiên, người xưa không chỉ dừng ở việc đánh răng, mà còn sử dụng các loại sản phẩm tự nhiên khác để vệ sinh răng miệng, đảm bảo hơi thở được thơm tho. Vào thời kỳ nhà Minh, tư liệu lịch sử đã ghi chép về việc người xưa sử dụng bột đánh răng. Loại bột này có vai trò kép là làm sạch răng và điều trị các vấn đề liên quan đến răng miệng.
Người xưa dùng bột đánh răng được làm từ các loại thảo dược khác nhau (Ảnh: Sohu)
Thành phần chính của loại bột làm sạch răng là tạo giác, sinh khương (gừng tươi), thăng ma, địa hoàng, hạn liên, hòe giác, tế tân, hà diệp và thanh diêm (muối viên). Các nguyên liệu được xay nhuyễn rồi nấu lên và đắp lên răng.
Các loại thảo dược này mang đến tác dụng hiệu quả hạn chế gây mùi, làm dịu cảm giác nóng trong miệng, loại bỏ vết ố trên răng và bảo vệ răng khỏe mạnh. Tùy từng thời kỳ thì thành phần của bột đánh răng cũng có thay đổi.
-> Vì sao người xưa ăn nhiều đồ muối nhưng ít bị cao huyết áp?