Khám phá công dụng của mít
Mít có nhiều loại: mít mật, mít dai, mít nhão, mít tố nữ… giữa các loại mít có sự khác nhau về khối lượng, cũng như hương vị và độ ngọt. Mít mật màu vàng tươi, ăn giòn, vị ngọt đậm. Mít nhão hay mít tố nữ màu và vị thường nhạt hơn mít mật.
Mít chứa nhiều hàm lượng đường, có nhiệt lượng cao. Ngoại trừ lớp vỏ gai, những phần còn lại của quả mít đều ăn được.
Khám phá công dụng của mít
Múi mít
Múi mít khi chín có màu vàng, vị ngọt. Người ta thường dùng múi mít để chế biến nhiều món ngon như chè mít, kem mít, gỏi mít, mít lên men rượu…
Xơ mít
Xơ mít có thể dùng muối chua như muối dưa, làm gỏi mít, hoặc nấu canh…
Nhút là một món ngon nổi tiếng được làm từ xơ mít. Nhút có hai loại là nhút mít non và nhút xơ mít. Người ta thường chọn xơ của quả mít mật rồi trộn với một chút muối và đem gói chặt trong mo cau để khoảng hai ngày là ăn được. Do vậy nhút vừa có vị thơm ngọt của mít, vừa thoang thoảng hương cau khiến cho ai được nếm thử cũng cảm thấy thích thú.
Canh xơ mít cũng là một món ngon không kém. Đặc trưng của món canh này là không cần đến một chút bột ngọt nào mà nước canh vẫn ngọt đậm đà. Canh thường được nấu với cá hoặc thịt nạc cùng một chút hành, vài lát ớt và rau om (rau ngổ) chan vào với cơm gạo tám.
Hạt mít
Trong hạt mít có chứa tới 70% tinh bột. Hạt mít có thể luộc chín để ăn, hoặc luộc lên rồi đem rang ăn vừa thơm lại vừa bùi… Nhiều nơi hạt mít còn được dùng để chế biến một số món ăn: hầm chân giò lợn, phơi khô giã bột làm bánh…
Không chỉ khi chín mít mới được ưa dùng như vậy, quả mít non cũng được người dân dùng như một loại rau củ để nấu canh, kho cá, trộn gỏi… Theo Đông y, các món ăn với mít non có nhiều tác dụng như: bổ tỳ, hòa can, tăng và thông sữa, thích hợp cho phụ nữ sau sinh bị ốm yếu, ăn kém, ít sữa.
Ngoài những lợi ích trên, các phần của cây mít còn dùng để chữa trong một số bệnh như bệnh hen suyễn, mụn nhọt…
Mít có rất nhiều tác dụng, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách chọn được quả mít ngon, ngọt, bổ dưỡng.
Phương Vũ (tổng hợp)