Đừng để "mẹ thị trường" thay thế "mẹ thiên nhiên"
Đó là lời cảnh báo của mẹ Việt có con vào Harvard - Hồ Thị Hải Âu - dành cho các vị phụ huynh thời nay.
Làm mẹ không bị mất dáng hay làm mẹ thật đơn giản, thoải mái là những suy nghĩ nông cạn khiến cho con bạn vô tình trở thành “nạn nhân” của các sản phẩm công nghiệp.
Chị Hải Âu cùng con gái Lã Hồ Minh Khuê lúc bé tuổi
“Mẹ thị trường” đầy sức hấp dẫn
Chúng ta đang bị các sản phẩm công nghiệp như vú giả, bỉm, sữa công thức, xe đẩy,… “chiều chuộng” bởi những tính năng tiện lợi của chúng. Chị Hải Âu vẫn thường ví von đây là những “bà mẹ thị trường”.
Khi trẻ ở giai đoạn nhũ nhi đã bị “mẹ thị trường” thao túng dẫn dắt, thì bước sang giai đoạn ấu nhi (cho đến năm bé 6 tuổi), bạn sẽ khó đưa trẻ vào nề nếp và thực hành những mệnh lệnh (phản xạ có điều kiện) - một trong những điều kiện cơ sở vững chắc để cha mẹ đưa trẻ vào một hành lang của kỷ luật mềm đầy yêu thương và tỉnh thức.
Những nguy hại về sức khỏe dinh dưỡng, sức khỏe giới tính và sức khỏe thần kinh lên nhũ nhi từ nhiều sản phẩm công nghiệp là quá rõ ràng, nhưng những lời quảng cáo ngọt ngào kèm theo hiệu quả trong việc giải phóng vai trò làm mẹ, bảo vệ nhan sắc người mẹ... dường như khiến những sản phẩm của “mẹ thị trường” có sức hấp dẫn thật khó cưỡng!
Thói quen của mẹ gây nguy hiểm cho con
Bị hấp dẫn bởi những bộ quần áo kiểu cách, đẹp mắt làm từ vải sợi tổng hợp (Polyester). Thói quen này khá phổ biến ở bậc phụ huynh Việt Nam. Quần áo may từ chất liệu vải sợi tổng hợp không thoát khí tốt và không thấm nước (mồ hôi) sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của trẻ.
Ngoài ra không lãng phí nhiều tiền bạc mua đồ, quần áo mới cho trẻ (vì chúng nhanh lớn và chưa có nhu cầu về cái đẹp duy hình thức) mà xin hoặc sử dụng lại đồ của trẻ ra đời trước, vừa tiết kiệm được khoản tài chính khá lớn, nhưng quan trọng hơn, là đồ đã qua sử dụng, vải đã mềm và thấm nước… khắc phục hiệu quả tình trạng ngấm ngược mồ hôi vào cơ thể của trẻ.
Tích hợp nhiều loại thức ăn phức tạp. Điều mà khiến tụy, gan, mật của đứa trẻ phải chịu áp lực quá tải để tiết đủ các loại men, enzyme, các chất vi sinh cần thiết để tiêu hóa một thực đơn phức tạp theo kỳ vọng của người lớn. Kiểu như một bát bột (cháo) gồm: cá + rau + phomai + nước xương hầm + gạo+ hạt sen + đỗ xanh… (công thức khá điển hình trong các thực đơn của trẻ ở Hà Nội hiện nay).
Cùng lúc đưa vào cơ thể trẻ một lượng thức ăn quá phức hợp là làm cho hệ tiêu hóa của trẻ bị quá tải, gây nên tình trạng khó tiêu, dẫn đến trẻ lười ăn, phân sống, sợ ăn… Một thực trạng là, tuy nhiều trẻ được chăm sóc rất “khủng” vẫn bị suy dinh dưỡng dạng còi xương hoặc mập phì.
Lạm dụng thuốc kháng sinh. Loại thuốc này cơ bản tổng hợp nhiều loại hóa chất, cùng lúc tấn công (tiêu diệt) nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Trong đó có vi khuẩn gây bệnh đồng thời tiêu diệt luôn các loại vi sinh có lợi cho cơ thể - vốn được coi "là hàng phòng ngự đầu tiên" bảo vệ cơ thể. Những hệ vi sinh này khu trú rất dồi dào trong dịch nhầy tại các bộ phận mũi, mắt, miệng, hậu môn, cơ quan sinh dục, đặc biệt là ruột và dạ dày của trẻ...
Thay vì đợi đến khi ốm bệnh là dùng kháng sinh, trong thành phần nước uống hàng ngày của con, bạn nên có nước đỗ đen/đỗ xanh (nguyên hạt, nguyên vỏ) rang vàng /rim với nước bằng lửa nhỏ như cách nấu chè, sau đó, chắt lấy nước chế thêm một chút nước đường phèn đã chưng, để cho bé uống, nhằm thanh thải độc tố, tác dụng bổ tỳ, thanh mát cơ thể.
Phải gạt bỏ nhân vật thứ ba
Nhân vật thứ ba không ai khác chính là “mẹ thị trường”.
Khi xâm lấn sâu vào công cuộc chăm sóc con cái, “mẹ thị trường” sẽ thao túng dần quyền lực mềm, quyền lực trái tim. Bạn không có nhiều thời gian để quan sát con, nhận ra những thay đổi nhỏ đầy thú vị của con. Đồng thời niềm tin của con dành cho bố mẹ cũng sẽ giảm đi đáng kể. Niềm tin được gây dựng nên từ sự kết nối trong vô thức. Niềm tin càng lớn, sự lệ thuộc thể hiện ra ngoài càng ít bấy nhiêu.
Ví dụ khi để con lại chơi với các bạn, bố mẹ hứa sẽ quay lại đón đúng giờ, trẻ sẽ yên tâm nô đùa mà không hề có phản ứng như khóc lóc, đòi hỏi. Điều này là do sự bằng an, tin tưởng vào người lớn. Ngược lại nếu thường xuyên bị dọa bởi những câu như “Nếu con không ngoan, mẹ sẽ …” sẽ hình thành tâm lý sợ hãi cho trẻ, lâu dài có thể dẫn đến hiện tượng trẻ nói dối để đảm bảo mình không bị bỏ rơi.
Mỗi lời nói của cha mẹ là một thông điệp. Vậy nên hãy dành nhiều thời gian cho con nếu có thể và đừng để kẻ thứ ba xen vào mối quan hệ mẫu tử thiêng liêng.
Thùy Chi