Đôi chân trần em bé vùng cao
Trong cái lạnh đầu mùa kèm mưa dầm của miền núi Hà Giang, em bé Sán Sả Hồ bàn chân trần lạnh cóng, ướt sũng trong nước khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi xót xa.
Cứ mỗi đợt không khí lạnh tăng cường, rất nhiều người chăm chú theo dõi thời tiết để xem nhiệt độ xuống thấp tới đâu. Một phần vì họ quan tâm tới sức khỏe, phần còn lại là trông chờ xem bao giờ Hà Giang, Sa Pa... có tuyết, đóng băng. Khi ấy, dòng người người kéo nhau đi xem, đi ngắm, đi "check-in", chụp hình với niềm hoan hỉ vì được trải nghiệm cảm xúc mới lạ này.
Nhưng ít ai hiểu rằng cái rét, cái lạnh và đỉnh cao là tuyết đấy chính là "kẻ thù" của những đứa trẻ vùng cao khi bản thân các em giầy tất không có để đi, quần áo không đủ để mặc.
Xót xa với "đôi chân trần" lạnh buốt của em bé vùng cao dưới thời tiết lạnh giá
Đôi chân trần trong giá rét
Nhìn những đứa trẻ tại Sán Sả Hồ (Hoàng Su Phì, Hà Giang) với “đôi chân trần”, áo len mỏng dính, mặt mũi lem nhem căng nứt đang nghịch đất cát dưới thời tiết lạnh giá rét buốt da, buốt thịt nhiều người không khỏi buốt nhói trong tim.
“Ở quê nghèo, có gì thì tụi nhỏ chơi đó, xung quanh chỉ có đồi cát thì bọn nhỏ chơi như vậy. Với những đứa lớn hơn, sau khi đi học về giúp bố mẹ trông em hoặc chăn trâu cắt cỏ, nấu nướng, thành ra bọn trẻ tự chơi với nhau, chứ có biết đồ chơi là gì đâu”, một phụ huynh ở Sán Sả Hồ bộc bạch.
Tuổi thơ những đứa trẻ vùng cao bị "đánh cắp" bởi nỗi vất vả, nhọc nhằn và hơn nữa, chúng còn bị cuốn theo vòng mưu sinh của gia đình.
Cũng phải thôi, khi cuộc sống của các em còn quá nghèo, đến bữa ăn mỗi ngày còn bữa có bữa không, quần áo mặc vừa mỏng vừa rách thì đồ chơi chỉ là những thứ phù du.
Nhìn các em ăn miếng đùi gà chiên, khoai tây chiên một cách ngon lành và "thèm thuồng", ít ai biết rằng đó là lần đầu các em được nhìn và thưởng thức món ăn này.
Những món ăn tưởng chừng như "phát ngán" với nhiều đứa trẻ thành phố nhưng là "đặc sản" đối với các em vùng cao
“Lần đầu tiên con được thấy và ăn món này, thực sự rất ngon. Vì bữa ăn mỗi ngày của nhà con chỉ có cơm và rau thôi, rất ít khi có thịt”, em Lò Thiên Hà (học sinh lớp 3, trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sán Sả Hồ), bẽn lẽn tâm sự.
Hà là con gái cả trong gia đình có 2 chị em thuộc hộ nghèo của xã. Em gái Hà (học lớp 1) nhưng bàn chân chỉ có 4 ngón, còn bàn tay các ngón lại co dúm không thể duỗi thẳng.
Bố mẹ em sức khỏe kém nên hàng ngày chỉ quanh quẩn trong nhà trồng rau, làm rẫy. Vì thế, nguồn thu của gia đình dường như không có, bữa ăn hàng ngày cũng chỉ có cơm và rau.
Có lẽ vì vậy mà khi hỏi về ước mơ Hà không cần suy nghĩ mà trả lời ngay: “Con ước có đủ cơm ăn mỗi ngày”. Câu trả lời khiến ai nghe được cũng chạnh lòng, rơm rớm nước mắt khi điều ước tưởng chừng đơn giản, vô thường ấy lại vô cùng thiết thực, to lớn và ý nghĩa với những đứa trẻ vùng cao.
“Lâu rồi con không có quần áo mới, chiếc áo con đang mặc là được các cô chú từ thiện cho. Nhà con nghèo lắm, bố mẹ không có tiền để mua quần áo mới cho con”, nhìn Hà gầy nhom, mặc chiếc áo vừa rách, vừa bẩn mốc, trông đến tội nghiệp.
Em Lò Thiên Hà dáng người gầy nhom, mặc chiếc áo cũ khiến nhiều người xót xa
Nối dài những cánh tay để trẻ tới trường
Mỗi khi có đoàn từ thiện hay các đoàn tham quan đến với các huyện xa xôi của tỉnh Hà Giang đều được trẻ em nơi đây gọi là "người tốt dưới xuôi", bởi nhờ thế mà đôi khi chúng được cho quà. Còn với người dân, sự xuất hiện của người lạ làm nhịp sống buồn tẻ nơi đây thay đổi phần nào.
Cũng phải nói, "người tốt dưới xuôi" đã đến với các em nhiều hơn, thực tế hơn. Những chương trình nhân ái như "Bữa cơm có thịt", “Tặng áo ấm, dụng cụ học tập cho các em học sinh”, "Áo ấm cho em", "Thắp sáng ước mơ" hay những chuyến du lịch thiện nguyện của không ít sinh viên, các nhóm "phượt"... đã phần nào thắp thêm nụ cười cho trẻ thơ vùng cao. Mỗi năm, hàng chục tổ chức, các trung tâm, các quỹ từ thiện cũng ra sức tìm cách giúp đỡ, chia sẻ với cuộc sống đói nghèo của người vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các em nhỏ. Thế nhưng, tất cả cố gắng đó vẫn chỉ như muối bỏ bể. Còn nhiều lắm những mảnh đời, số phận cần được hỗ trợ và giúp đỡ.
Con đường đến với tri thức của các em học sinh vùng cao vô vàn gian nan
Cần nhiều hơn nữa những "bữa cơm có thịt", "bàn chân có dép" và "lưng trần có áo" cho các em học sinh vùng cao. Nhưng quan trọng là phải làm sao để cho các em quý cái chữ. Khi "đầu có chữ" thì nhận thức của các em sẽ khác, các em sẽ nghĩ rộng hơn, tiến bộ hơn, trở thành những học sinh ham học, phấn đấu trưởng thành, thoát đói nghèo.
"Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai", nhưng trẻ em đâu chỉ là của ngày mai mà còn của chính ngày hôm nay, của cuộc sống hiện tại.